Ngày 5.2, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết, theo dữ liệu từ Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM, hiện có 96 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng sau Tết Nguyên đán 2025 với tổng 13.725 vị trí việc làm trống.
![Sau tết, ngành nghề nào có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất ở TP.HCM?- Ảnh 1. Nhu cầu tuyển dụng ở TP.HCM chủ yếu ở nhóm lao động phổ thông.](https://images2.thanhnien.vn/528068263637045248/2024/7/1/lao-dong-tim-viec-viec-lam-nhat-thinh-1675245173404-1719811796781954954488.jpg)
Người lao động đang trở lại TP.HCM làm việc sau Tết Nguyên đán 2025
ẢNH: NHẬT THỊNH
Các công việc có nhu cầu tuyển dụng cao tập trung ở các nhóm ngành như lao động phổ thông (41,03%), dịch vụ (7,89%), thực phẩm – đồ uống (6,23%), da giầy may mặc (5,25%), kỹ thuật – cơ khí (4,61%) và các ngành nghề khác.
Theo Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, để đảm bảo nguồn nhân lực phục vụ sản xuất sau tết, các doanh nghiệp đã chủ động triển khai kế hoạch tuyển dụng và áp dụng nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút lao động.
Nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông vẫn ở tỷ lệ cao
Mới đây, cũng theo báo cáo kết quả công tác tháng 1 của Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM cho thấy nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông đang ở mức cao.
Cụ thể, trong tháng 1, có 8.652 doanh nghiệp đăng tuyển lao động và 6.049 người đăng ký tìm việc trên cổng thông tin của trung tâm. Trong đó, có 56,97% vị trí việc làm (một vị trí có thể tuyển nhiều người lao động) đang cần tuyển nhóm ngành lao động phổ thông, theo sau đó là ngành thực phẩm – đồ uống (16,44%), da giày – may mặc (10,81%), còn lại các lĩnh vực khác tuyển rất ít. Trong khi đó, người tìm việc lại có xu hướng trải đều ở nhiều ngành nghề khác nhau.
Ngành nghề
|
Người tìm việc | Việc tìm người | |||
Số lượng | Tỷ lệ | Số lượng | Tỷ lệ | ||
1 | Báo chí và thông tin | 124 | 2,05% | 12 | 0,14% |
2 | Chế tạo, chế biến | 196 | 3,24% | 125 | 1,44% |
3 | Công nghệ thông tin | 75 | 1,24% | 62 | 0,72% |
4 | Da giày, may mặc | 842 | 13,92% | 935 | 10,81% |
5 | Địa lý, đất đai | 68 | 1,12% | 28 | 0,32% |
6 | Dịch vụ | 208 | 3,44% | 96 | 1,11% |
7 | Điện, điện tử | 126 | 2,08% | 57 | 0,66% |
8 | Giáo dục chính trị, triết học | 8 | 0,13% | 0 | 0% |
9 | Hóa chất, sinh học | 38 | 0,63% | 26 | 0,30% |
10 | Kế toán, kiểm toán | 214 | 3,54% | 72 | 0,83% |
11 | Khách sạn, du lịch và dịch vụ | 263 | 4,35% | 30 | 0,35% |
12 | Kinh doanh và quản lý | 315 | 5,21% | 165 | 1,91% |
13 | Kinh tế | 227 | 3,75% | 66 | 0,76% |
14 | Kỹ thuật, cơ khí | 422 | 6,98% | 212 | 2,45% |
15 | Lao động phổ thông | 1.557 | 25,74% | 4.929 | 56,97% |
16 | Luật | 44 | 0,73% | 19 | 0,22% |
17 | Ngôn ngữ, phiên dịch | 122 | 2,02% | 34 | 0,39% |
18 | Nông, Lâm và Thủy sản | 8 | 0,13% | 3 | 0,03% |
19 | Quản trị, văn phòng | 194 | 3,21% | 83 | 0,96% |
20 | Sư phạm, giáo dục | 7 | 0,12% | 4 | 0,05% |
21 | Tài chính, chứng khoán, bất động sản | 322 | 5,32% | 84 | 0,97% |
22 | Tài nguyên, môi trường | 59 | 0,98% | 47 | 0,54% |
23 | Thực phẩm, đồ uống | 342 | 5,65% | 1.422 | 16,44% |
24 | Văn hóa, xã hội | 37 | 0,61% | 5 | 0,06% |
25 | Vận tải | 162 | 2,68% | 72 | 0,83% |
26 | Xây dựng và kiến trúc | 57 | 0,94% | 55 | 0,64% |
27 | Y tế, sức khỏe | 12 | 0,20% | 9 | 0,10% |
TỔNG CỘNG | 6.049 | 100% | 8.652 | 100% |
Nếu phân chia theo trình độ chuyên môn kỹ thuật, nhu cầu tuyển dụng tập trung chủ yếu vào nhóm công nhân kỹ thuật không bằng cấp, chiếm 37,31%. Các nhóm trình độ khác lần lượt gồm chứng chỉ nghề ngắn hạn dưới 3 tháng (14,48%), sơ cấp nghề từ 3 – 12 tháng (7,88%), trung cấp (19,59%), cao đẳng (8,48%), đại học (12,25%).
STT | Trình độ | Tỷ lệ |
1 | Công nhân kỹ thuật không bằng cấp | 37,31% |
2 | Chứng chỉ nghề ngắn hạn dưới 3 tháng | 14,48% |
3 | Sơ cấp nghề từ 3 – 12 tháng | 7,88% |
4 | Trung cấp | 19,59% |
5 | Cao đẳng | 8,48% |
6 | Đại học | 12,25% |
Tổng cộng | 100% |
Nhu cầu nhân lực tại TP.HCM năm 2025
Ngoài ra, theo Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, năm 2025, địa phương cần khoảng từ 310.000 – 330.000 vị trí việc làm. Trong đó, nhu cầu nhân lực tiếp tục tập trung cao ở các ngành như công nghiệp chế biến, chế tạo, bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác; dịch vụ lưu trú và ăn uống; vận tải, kho bãi; xây dựng; giáo dục và đào tạo.
Theo dự báo, có khoảng 67,82% người lao động tại TP.HCM làm theo diện làm công ăn lương, 2,73% là chủ cơ sở sản xuất kinh doanh tự làm, 10,21% là lao động gia đình và 0,02% là xã viên hợp tác xã.
Lao động – Tin Tức Việc làm