Ông Bách là công chức xã, hiện đang công tác tại một xã ở tỉnh Đắk Lắk. Đây là xã vùng 3, nằm trong danh sách xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn từ năm 2007 đến nay.
Theo hồ sơ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, tính đến hết tháng 12/2024, ông có tổng số năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là 19 năm, trong đó có 16 năm làm công chức Tư pháp – Hộ tịch tại xã này.
Trong thời gian này, ông Bách đã được hưởng chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định tại Nghị định số 116/2010/NĐ-CP (hiện được thay thế bằng Nghị định số 76/2019/NĐ-CP).
Cụ thể chính sách mà ông đã được hưởng bao gồm 2 khoản.
Thứ nhất là phụ cấp thu hút 70% mức lương, hưởng từ ngày 1/6/2012 đến 30/5/2017, đủ 5 năm.
Thứ hai là phụ cấp công tác lâu năm. Ông Bách đã hưởng 60 tháng (từ 1/6/2017 đến 30/5/2022) mức 0,5 lương cơ sở; 24 tháng mức 0,7 lương cơ sở (từ 1/6/2022 đến 30/5/2024) và 7 tháng mức 1,0 lương cơ sở (từ 1/6/2024 đến 31/12/2024).

Cán bộ công tác tại vùng khó khăn được hưởng thêm các khoản trợ cấp thu hút (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).
Tuy nhiên, ông Bách cho rằng chế độ, chính sách do cơ quan thẩm quyền chi trả cho ông chưa đúng quy định, còn thiếu một thời gian chưa được hưởng phụ cấp công tác lâu năm do ông tham gia công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn từ ngày 5/1/2009.
Ngoài ra, ông Bách cho biết đến nay chưa hưởng trợ cấp lần đầu (10 tháng lương cơ bản) theo quy định tại Nghị định 116.
Ông hỏi: “Tôi có được hưởng trợ cấp lần đầu theo quy định tại Nghị định 76 hiện nay không? Mức tính hưởng theo quy định lương cơ sở hiện tại hay mức lương cơ sở trước đây? Muốn đề nghị chi trả chế độ, chính sách nói trên thì cơ quan nào giải quyết?”.
Trả lời ông Bách, Bộ Nội vụ cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 76/2019/NĐ-CP về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
Tại Điều 4 và Điều 5, nghị định trên quy định chế độ phụ cấp thu hút và chế độ phụ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
Cụ thể như sau:

Phụ cấp cho cán bộ công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn (Nguồn: Điều 4 và Điều 5 Nghị định 76/2019/NĐ-CP).
Ông Bách có thể căn cứ vào quy định trên để xác định quyền lợi của bản thân.
Với trợ cấp lần đầu khi nhận công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, Bộ Nội vụ cho biết được quy định tại Nghị định 116, kể từ ngày 1/12/2019 thực hiện theo quy định tại Điều 6 Nghị định 76.
Theo Bộ Nội vụ, trường hợp cán bộ, công chức, viên chức vẫn đang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn chưa được hưởng trợ cấp lần đầu theo quy định tại Nghị định 116 thì kể từ ngày 1/12/2019 thực hiện trợ cấp lần đầu theo quy định tại Điều 6 Nghị định 76.
Trợ cấp này chỉ thực hiện một lần trong tổng thời gian làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

Trợ cấp lần đầu khi nhận công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn (Nguồn: Điều 6 Nghị định số 76).
Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức ở tỉnh Đắk Lắk thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh. Do đó, Bộ Nội vụ đề nghị ông Bách liên hệ với cơ quan quản lý cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Đắk Lắk (Sở Nội vụ) để được giải đáp.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm