Anh Thành Nam (nhân viên của một công ty đầu tư địa ốc đa năng ở TP.Thủ Đức, TP.HCM) đặt câu hỏi về việc đóng các chế độ cho người lao động có nhiều hợp đồng:
“Công ty chúng tôi hoạt động đa ngành với nhiều lĩnh vực hoạt động từ đầu tư, thiết kế đến xây dựng. Do đó, có người ký hợp đồng lao động với 2 pháp nhân để đảm nhiệm các vị trí quản trị.
Vậy theo quy định hiện hành về bảo hiểm bắt buộc thì sẽ đóng bảo hiểm y tế (BHYT) theo hợp đồng lao động có mức tiền lương cao nhất, đóng bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp theo từng hợp đồng lao động.
Với mức lương ngang nhau ở các hợp đồng, tôi khá bối rối về cách thức đóng bảo hiểm. Kính mong cơ quan BHXH có hướng dẫn chi tiết hơn để thực hiện”.

Hiện pháp luật cho phép người lao động có thể ký hợp đồng lao động với nhiều doanh nghiệp
ẢNH: P.T.N
Cơ quan BHXH trả lời
BHXH TP.HCM cho biết, căn cứ theo khoản 1, điều 42 của Văn bản hợp nhất 2525 của BHXH Việt Nam về quy trình thu BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT, người lao động đồng thời có từ 2 hợp đồng lao động trở lên với nhiều đơn vị khác nhau thì:
Đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp theo hợp đồng lao động giao kết đầu tiên: Đơn vị kê khai đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp (32%).
Đóng bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp theo từng hợp đồng lao động: Các đơn vị giao kết hợp đồng lao động còn lại kê khai đóng bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp (0,5%).
Đóng BHYT theo hợp đồng lao động có mức tiền lương cao nhất: Đơn vị kê khai đóng BHYT (4,5%), sau khi hồ sơ được cập nhật, cơ quan BHXH sẽ tự động giảm thu BHYT tại đơn vị đang thu BHYT mức thấp hơn do trùng.
Tuy nhiên, luật BHYT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1.7.2025, đã sửa đổi về việc đóng BHYT như sau: người lao động đồng thời có một hoặc nhiều hợp đồng lao động thì đóng BHYT theo hợp đồng lao động làm căn cứ tham gia BHXH bắt buộc.
Lao động – Tin Tức Việc làm