Chi trả hơn 82 tỷ đồng tiền bảo hiểm
Đây là thông tin được cung cấp tại phiên giải trình việc chấp hành pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề trên địa bàn tỉnh Nghệ An từ năm 2021 đến nay, diễn ra vào chiều 28/5.
Theo báo cáo, trên địa bàn Nghệ An hiện có 6 khu công nghiệp, 22 cụm công nghiệp với hơn 395 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và 189 làng nghề.
Từ năm 2021 đến hết tháng 3 vừa qua, toàn tỉnh này có 1.054.378 người tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN); tổng số thu quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN là hơn 219 tỷ đồng…
Tính đến ngày 31/3, có 8.881 lượt người hưởng chế độ TNLĐ, BNN với số tiền hơn 82,2 tỷ đồng.
Giai đoạn 2021-2023, tỉnh Nghệ An xảy ra 44 vụ TNLĐ làm 59 người bị nạn, trong đó có 20 người chết, 17 người bị thương nặng, 22 người bị thương nhẹ. Trong đó có 3 vụ TNLĐ xảy ra tại các doanh nghiệp trong khu kinh tế, khu công nghiệp làm 3 người chết.
Trong năm 2023, qua khám phát hiện BNN và điều tra BNN đã phát hiện 82 người lao động bị BNN, trong đó có 6 người bị bệnh bụi phổi than nghề nghiệp (công ty CP Than Khe Bố), 76 người bị bệnh bụi phổi Silic nghề nghiệp (từng làm việc, đang làm việc tại Công ty TNHH Châu Tiến), trong đó đã có 5 người chết.
Kết quả điều tra của các cơ quan chức năng cho thấy, nguyên nhân chủ yếu của các vụ TNLĐ, BNN đều có lỗi trực tiếp là do người sử dụng lao động không huấn luyện an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), không tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện BNN cho người lao động, không quan trắc môi trường lao động; vi phạm quy chuẩn kỹ thuật an toàn, thiếu kiểm tra, giám sát.
Bên cạnh đó, có nguyên nhân từ chính người lao động như chủ quan, thiếu ý thức phòng ngừa TNLĐ, vi phạm quy trình làm việc an toàn.
Tại phiên giải trình, các sở, ngành, đơn vị đã làm rõ công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, ATVSLĐ, chế độ, chính sách đối với người lao động tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và doanh nghiệp trên địa bàn; giải pháp trong thời gian tới để nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý các vấn đề sai phạm trong thực hiện pháp luật ATVSLĐ; giải pháp tăng cường đảm bảo ATVSLĐ trong các làng nghề…
Xem xét đóng cửa đối với các doanh nghiệp vi phạm ATVSLĐ
Ông Bùi Đình Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho rằng, địa phương đã nỗ lực, cố gắng trong công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ, hệ thống văn bản tương đối đầy đủ, rõ nhưng còn phải nỗ lực hơn nữa mới đáp ứng được công tác ATVSLĐ.
Trong thời gian tới, UBND tỉnh Nghệ An sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành thực hiện nghiêm túc hơn trong việc xử lý, xử phạt, kể cả việc đóng cửa đối với các doanh nghiệp vi phạm trong việc thực hiện ATVSLĐ.
Sau khi nghe các đơn vị liên quan giải trình, làm rõ thực trạng, nguyên nhân cũng như các giải pháp liên quan đến công tác ATVSLĐ, ông Nguyễn Như Khôi, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An đề nghị UBND tỉnh này có những giải pháp quyết liệt, cụ thể để khắc phục, giải quyết những vấn đề tồn tại, hạn chế đã nêu.
Bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác quản lý, thanh tra ATVSLĐ; tăng cường thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về ATVSLĐ tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh các lĩnh vực, ngành nghề có nguy cơ cao về TNLĐ, BNN, theo ông Khôi, cần xử lý nghiêm và kịp thời các sai phạm để ngăn ngừa TNLĐ, BNN.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành có liên quan khẩn trương giải quyết các vụ việc về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; thực hiện các giải pháp để hỗ trợ, giải quyết chế độ đối với những lao động bị TNLĐ, BNN; giám sát chặt chẽ việc thực hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đảm bảo các điều kiện ATVSLĐ trong các cơ sở sản xuất kinh doanh…
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm