Đam mê và cám dỗ
Thông thường, sợi chỉ được kết hợp với cây kim phục vụ cho may vá. Nay chị Phạm Thị Thục Anh (Hà Nội) và cộng sự tạo nên sự kết hợp mới lạ giữa sợi chỉ với đinh. Đinh và chỉ qua tay người thợ thành những bức tranh lôi cuốn lạ kỳ.
Tranh đinh chỉ còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Chính vẻ đẹp riêng có đó khiến chị Phạm Thị Thục Anh bị mê hoặc. Chị thừa nhận đến với tranh đinh chỉ không phải “tình yêu sét đánh” mà đã có sự tiếp xúc, tìm hiểu kỹ lưỡng, đầy hứng thú từ 4 năm trước.
Nhóm của chị mỗi người một cuộc sống, công việc riêng. Tranh đinh chỉ đã kéo các thành viên lại gần nhau để tìm tòi, chinh phục loại hình nghệ thuật mới.
Bản thân chị Thục Anh còn từ bỏ công việc ổn định với vị trí Phó Giám đốc một nhà sách. Bà chủ nhóm đã bước ra khỏi không gian an toàn, môi trường dễ chịu với một phụ nữ có hai con nhỏ, chồng thường xuyên công tác xa nhà lâu nay, để dấn thân vào hành trình mạo hiểm mới lạ.
Chị kể: “Quyết định nghỉ việc của tôi không hề dễ dàng. Tôi xác định theo nghề làm tranh đinh chỉ, có thời gian đầu không có thu nhập. Thời điểm tìm đường đi, tôi đương đầu không ít khó khăn. Gia đình can gián, nói tôi tìm hướng khác. Một số lời mời làm việc khác có mức lương hấp dẫn cũng cám dỗ chính tôi”.
Song sau hết, bà mẹ 2 con vẫn quyết tâm khởi nghiệp. Tinh thần và nỗ lực của chị đã thuyết phục được gia đình. Người thân, bạn bè hết lòng hỗ trợ chị trong hành trình chinh phục công việc hoàn toàn mới.
Thuận lợi lớn nhất chị Thục Anh và nhóm cộng sự có được chia sẻ đam mê sáng tạo và sự đón nhận từ các nghệ nhân và cộng đồng nghệ thuật.
“Khó khăn lớn nhất của chúng tôi là việc làm quen với kỹ thuật và quy trình sản xuất, cũng như tìm kiếm nguyên liệu chất lượng. Chúng tôi đã phải đối mặt với nhiều thử thách, từ việc cải thiện kỹ thuật cho đến vấn đề xây dựng thương hiệu, tìm kiếm khách hàng”, chị Thục Anh kể về những khó khăn, thách thức.
Loại hình nghệ thuật mới
Sau khi nghỉ việc ở nhà sách, chị Thục Anh dành 2 năm tập trung cao độ cho hành trình gây dựng dòng tranh đinh chỉ. Bà chủ và cả nhóm bắt đầu từ việc nghiên cứu và học hỏi kỹ thuật làm tranh, thiết kế mẫu và thử nghiệm các phương pháp.
Thục Anh kể: “Có những mẫu tranh phải trải qua hàng chục, hàng trăm lần thử rồi bỏ. Chúng tôi đã làm việc bền bỉ để hoàn thiện kỹ thuật. Bởi tranh đinh chỉ không những mang giá trị thẩm mỹ mà còn thể hiện sự khéo léo và tỉ mỉ trong từng chi tiết”.
Để hoàn thiện bức tranh, người làm dùng búa, đinh và chỉ thao tác công phu. Mỗi bức tranh hoàn thiện là thành quả của việc sắp xếp hàng nghìn, chục nghìn chiếc đinh với hàng cây số chỉ được móc nối chính xác.
Không ít những bức tranh phức tạp, cả đội phải làm đi, làm lại nhiều lần. Nhiều khi chị Thục Anh vò đầu tính toán, phải đổi thử gỗ nền từ nhiều nhà cung cấp, thử nghiệm đủ loại đinh và chỉ, gỡ ra, căng lại vô số lần.
Quá trình hoàn thiện một bức tranh mất hơn 10 ngày đến 2 tháng, thậm chí còn hơn.
Đầu tiên, người thực hiện vẽ phác thảo, tính khoảng cách giữa các điểm đinh cho phù hợp và đóng đinh đều trên bảng gỗ, đan chỉ, cân đối hướng và cách thức đan.
Sau thời gian tìm tòi, nghiên cứu, nhóm của chị Thục Anh đã tìm ra kỹ thuật tạo hiệu ứng thị giác khác biệt để đưa tranh đinh chỉ tiếp cận thị trường như một loại hình nghệ thuật.
Chủ đề tranh đinh chỉ chủ yếu tập trung vào chân dung với mục tiêu khắc họa những cảm xúc và sắc thái biểu cảm tinh tế trên mặt nhân vật. Thành thục với thể loại này, cả nhóm mới mở rộng sang các chủ đề khác như phong cảnh và các yếu tố văn hóa đặc trưng của Việt Nam, nhằm mang đến sự đa dạng và phong phú trong các tác phẩm nghệ thuật của mình.
“Chúng tôi đã nhận được đơn hàng đầu tiên từ một khách hàng cá nhân yêu thích nghệ thuật và muốn trang trí không gian của mình bằng tranh chân dung đinh chỉ.
Đây là một bước khởi đầu quan trọng, là minh chứng cho sự chấp nhận của thị trường đối với sản phẩm của chúng tôi. Đến nay đã có rất nhiều tranh được đặt bởi cả khách hàng người Việt và quốc tế”, chị Thục Anh chia sẻ.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm