2 tuần qua, anh Điền Tuấn Anh (23 tuổi), lao động Việt ngụ tại tỉnh Aichi (Nhật Bản), phải hạn chế ăn cơm, chuyển qua ăn mì gói, các loại bánh thay thế vì siêu thị gần nhà hết sạch gạo.
Nếu muốn được ăn cơm, Tuấn Anh phải bỏ số tiền gần gấp đôi để mua gạo từ các chợ hoặc cửa hàng bên ngoài.
“Trước đây, một bao gạo 10kg có giá hơn 3.000 yên (tương đương 516.000 đồng), nay đã hơn 5.000 yên (khoảng 860.000 đồng). Giá cao mà chưa chắc đã mua được vì mọi người tranh nhau mua hết. Những nơi còn gạo để bán cũng treo bảng mỗi người chỉ được mua với số lượng giới hạn, để ai cũng có thể mua được”, Tuấn Anh nói.
Không riêng gạo, chàng trai chia sẻ, các kệ hàng thường bày bán nước sạch ở siêu thị cũng đã trống trơn nhiều ngày. Dù đã cố tranh thủ đi chợ từ sớm, Tuấn Anh vẫn không tài nào “săn” được nước sạch để mua dự trữ.
Sang Nhật làm lao động trong ngành in bao bì thực phẩm hơn 2 năm qua, đây là lần đầu Tuấn Anh chứng kiến cảnh lương thực thiếu hụt đến vậy, dù khu vực anh ở nằm ngoài vùng cảnh báo về thiên tai. Tối đến, nam lao động Việt còn phải đi ngủ cùng các giấy tờ cá nhân đặt dưới gối, phòng khi thiên tai xảy ra bất ngờ có thể kịp thời mang theo.
“Người thân của tôi cũng lo lắng và thường xuyên gọi điện hỏi thăm. Tôi nghĩ đây là tình hình chung nên phải chấp nhận, cố gắng vượt qua khoảng thời gian này”, Tuấn Anh nói.
Mặc dù sống ở tỉnh Niigata (Nhật Bản), vùng không nằm trong nơi cảnh báo cao về thiên tai, anh Đặng Văn Vũ (26 tuổi) cho hay, những siêu thị gần nhà đều đã thông báo không còn nước sạch để bán.
“Rút kinh nghiệm từ đợt động đất đầu năm 2024, giờ mọi người cũng tranh thủ chuẩn bị để đề phòng. Nếu không may xảy ra thiên tai, nhiều cộng đồng người Việt tại Nhật cũng sẽ quyên góp lương thực, thực phẩm để ủng hộ cho đồng hương trong vùng gặp nạn”, anh Vũ chia sẻ.
Gần một tuần nay, Trần Hồng Đức (quê Nghệ An), thực tập sinh ngành xây dựng ở tỉnh Chiba, phải ăn cơm nếp cho qua bữa, vì đi khắp các siêu thị gần nhà không mua được gạo tẻ.
“Hiện tại, các siêu thị quanh khu vực tôi ở đều hết gạo. Năm ngày qua, bất đắc dĩ, tôi phải mua gạo nếp về ăn. Gạo nếp đen ở Nhật khi nấu rất khô và cứng, không thể ăn được nhiều. Để không bị đói, tôi luộc thêm rau và thức ăn”, Đức nói.
Theo ghi nhận của tờ AFP, một cửa hàng thực phẩm ở Tokyo đã treo biển với nội dung: “Để ai cũng có thể mua, chúng tôi yêu cầu mỗi người chỉ mua 1 túi gạo/ngày”.
Nhân viên của chuỗi siêu thị Fresco cho biết, thường ngày lượng gạo luôn bị tồn kho mà nay chỉ trong buổi sáng đã bán hết veo. Hiện tại, khách hàng phải xếp hàng dài chờ trước giờ cửa hàng mở cửa.
Mới đây, Chính phủ Nhật đã phát thông báo kêu gọi người dân bình tĩnh trước tình trạng khan hiếm gạo tại các siêu thị.
“Người dân chỉ nên mua một lượng gạo vừa đủ nhu cầu, không nên hoảng loạn tích trữ quá nhiều vì nguồn cung sẽ sớm phục hồi sau vụ thu hoạch năm nay. Lúa vụ mùa đang phát triển đều đặn và các nông dân ở một số vùng có thể thu hoạch sớm hơn 1 tuần so với bình thường”, ông Sakamoto Tetsushi, Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp Nhật Bản, nói.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm