Làng nghề làm heo đất tại phường Tân Phước Khánh, TP Tân Uyên (Bình Dương) có tuổi đời khoảng 50 năm. Những năm trước, nơi đây có cả trăm hộ theo nghề nhưng theo thời gian, số hộ làm nghề đã giảm đi rất nhiều.
Cơ sở của ông Phan Văn Hiệp (60 tuổi), có thâm niên hơn 30 năm đang tất bật đúc heo đất để cung cấp ra thị trường.
Theo ông Hiệp, những năm trước, thời gian giáp Tết các cơ sở sản xuất heo đất làm việc tất bật để kịp đáp ứng ra thị trường. Tuy nhiên, năm nay đơn hàng giảm mạnh nên gia đình ông làm việc cũng khá nhẹ nhàng.
Ông Hiệp đang xúc đất cho vào máy để lọc tạp chất.
Sau khi đưa vào máy đánh tan đất và lọc tạp chất, ông Hiệp tiếp tục dùng dụng cụ lọc thêm một lần để đảm bảo đất sạch nhất sau đó sẽ đổ vào chum.
Ông Hiệp cho biết, năm nay, giá thành nguyên liệu cao, đơn hàng giảm mạnh nhưng gia đình vẫn sản xuất và gắn bó với nghề. “Gia đình tôi vẫn làm nghề và truyền lại cho con cháu. Đây là nghề ông cha để lại nên phải gắn bó”, ông Hiệp nói.
Anh Đỗ Văn Tuấn, người thân của gia đình ông Hiệp làm việc tại cơ sở nhiều năm, đang làm các công đoạn cuối cùng trước khi đổ đất vào khuôn.
Anh Tuấn cho biết, nghề làm heo đất đã ngấm vào máu khi anh còn nhỏ. Năm nay, dù thu nhập giảm nhưng anh cũng vẫn theo nghề.
Theo ông Hiệp, năm nay là năm con rồng nhưng cơ sở của ông vẫn sản xuất chủ đạo là heo đất.
Ông chia sẻ giá khuôn đúc rồng khá cao. Nếu năm nay không bán hết, năm sau sẽ có mẫu mã khác, người sản xuất sẽ khó thu hồi vốn. Vì vậy, số lượng hình rồng được gia đình ông sản xuất khá ít.
Những chú heo đất được lấy ra khỏi khuôn sau đó tiếp tục đem đi phơi nắng. Khi heo đất đạt đủ độ khô sẽ cho vào lò để nung. Một con heo đất thành phẩm, đưa ra thị trường phải trải qua ít nhất 5 công đoạn khác nhau.
Bà Nguyễn Thị Bảy (55 tuổi) đang sắp xếp, đưa những con heo đất đã đủ độ khô vào nung. Bà Bảy cho hay, năm nay gia đình bà sản xuất giảm đi một nửa so với năm ngoái. Giá thành nguyên liệu cao nhưng đơn hàng và giá bán ra lại giảm nên nhiều hộ đã bỏ nghề.
Theo bà Bảy, nhiều hộ đã bỏ nghề do thu thập bấp bênh. Nghề này chỉ lấy công làm lời chứ để làm giàu sẽ không có.
Một lò nung của gia đình bà Bảy chứa được khoảng gần 1.000 sản phẩm heo các loại.
Cách nhà ông Hiệp không xa là cơ sở của gia đình ông Lý Phú Cường (60 tuổi). Gia đình ông Cường cũng làm nghề hơn 30 năm. Ông Cường cho biết, hàng năm, một tháng ông sẽ sản xuất khoảng hơn 8.000 heo đất các loại.
“Năm trước cứ làm đến đâu hết đến đó. Năm nay chỉ sản xuất khoảng 4.000 heo đất mỗi tháng nhưng bán rất chậm”, ông Cường chia sẻ.
Ông Cường đang dùng dao tỉa lại chiếc nơ trên người con heo cho đẹp. Ông Cường cho hay, nghề làm heo đất của gia đình là do ông bà để lại nên dù có khó khăn, ông cũng quyết tâm theo nghề.
Những chú heo đất ngộ nghĩnh được sắp xếp cẩn thận sau đó sẽ mang đi phơi nắng và đưa vào lò nung trước khi bán cho thương lái.
Những chú heo đất đã nung sẽ được bán cho các thương lái ở nhiều nơi, trong đó chủ yếu là ở phường Lái Thiêu, TP Thuận An (Bình Dương). Nơi đây các thương lái sẽ làm các công đoạn tiếp theo như tô, vẽ sơn lên những chú heo đất trước khi bán ra thị trường.
Heo đất thô bán với giá từ 10.000 đến 20.000 đồng. Sau khi được đánh bóng làm đẹp, heo đất bán ra thị trường với giá 30.000-100.000 đồng, tùy vào mẫu mã và kích cỡ từng sản phẩm.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm