Mới đây, dư luận tại Trung Quốc đang xôn xao sự việc về một nữ nhân viên văn phòng đột nhiên không còn phản ứng, không buồn ăn uống, hoạt động hoặc trò chuyện với bất cứ ai.
Nữ nhân viên văn phòng nói trên là Li, sống tại Hà Nam (Trung Quốc). Bác sĩ của cô, Jia Dehuan, cho biết Li mắc hội chứng “người gỗ” hay còn gọi là Catatonia (hội chứng căng trương lực).
Bác sĩ Jia giải thích rằng đây là một triệu chứng của bệnh trầm cảm. Li có tính cách hướng nội và khó mở lòng với những người xung quanh, khiến cho tình trạng bệnh của cô trở nên nghiêm trọng hơn.
Khoảng 1 tháng trước, Li đã bị trưởng nhóm ở công ty khiển trách và bắt đầu tụt dốc về tinh thần. Trong suốt khoảng thời gian sau đó, tâm trạng của Li ngày càng tệ.
Bỗng một ngày, cô không còn phản ứng với bất cứ việc gì xảy ra xung quanh mình. Khi thức dậy, kể cả khi người thân rút chiếc gối mà cô đang nằm, Li vẫn cứng đơ toàn thân, đầu giữ lơ lửng trên không trung.
Li thừa nhận rằng cô biết rõ mình đang rơi vào tình trạng bệnh lý nghiêm trọng và mong muốn có thể tìm được liệu pháp chữa trị nhanh chóng, hiệu quả.
Câu chuyện của cô khiến dư luận tại đất nước tỷ dân dấy lên những tranh luận trái chiều.
“Cô ấy đã tự hành hạ mình vì một hành động của cấp trên”, một tài khoản trên mạng xã hội bình luận.
Một người khác chia sẻ rằng: “Nếu công việc của bạn quá nặng nhọc, áp lực, tốt hơn hết là nên nghỉ việc thay vì phải chịu đựng điều đó trong im lặng”.
Tuy nhiên, có không ít người cho rằng chuyện đưa ra quyết định nghỉ việc là rất khó, đặc biệt trước tình hình thất nghiệp gia tăng, mức độ cạnh tranh gay gắt trên thị trường việc làm hiện nay.
Tính riêng trong tháng 9, Trung Quốc ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp ở độ tuổi 16-24, trong khu vực thành thị, giảm 1,2% so với tháng 8. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp chung ở khu vực trong 3 tháng đầu năm là 5,1%, giảm 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trên các nền tảng mạng xã hội ở Trung Quốc, nhiều người bày tỏ sự khó khăn trong việc tìm kiếm một công việc lương cao. Vì thế, họ phải chấp nhận ở lại công ty cũ, với khối lượng công việc lớn và thời gian làm việc nhiều hơn.
Một cuộc khảo sát của Hiệp hội Tâm lý học Trung Quốc, về sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc, cho thấy 4,8% nhân viên văn phòng bị trầm cảm tại nơi làm việc. Năm ngoái, gần 80% nhân viên chia sẻ rằng luôn cảm thấy bồn chồn khi đi làm. 60% số người được khảo sát thường xuyên lo lắng và 40% có triệu chứng của bệnh trầm cảm.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm