Tìm việc không chỉ vì thu nhập
Sau kì nghỉ Tết Nguyên đán, chị Tâm (44 tuổi, ở Hoàng Mai, Hà Nội) đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tìm cơ hội việc làm mới cho bản thân.
Đã 4 tháng thất nghiệp, chị cũng lân la khắp các trang mạng tuyển dụng khác nhau để lùng chọn công việc phù hợp. Song, cơ hội để có công việc như chị mong muốn vẫn chưa xuất hiện.
Chính vì vậy, với hàng chục nghìn vị trí việc làm đang trống tại trung tâm, chị cũng muốn thử sức. Tại đây, cũng không ít công việc đang tuyển lao động có mức lương đưa ra hơn 18 triệu đồng như mục tiêu chị đặt ra nhưng yêu cầu cao.
Kết nối phỏng vấn online với 3 doanh nghiệp, chị Tâm chờ kết quả trong thời gian tới.
Trước đây chị làm quản lý cho công ty thuộc lĩnh vực ô tô, thu nhập đã 18 triệu đồng/tháng. Chính vì vậy, chị cần tìm một vị trí việc làm có mức lương cao hơn mức cũ.
Với kinh nghiệm lâu năm, vốn liếng ngoại ngữ tốt, chị cũng tự tin ứng tuyển vào nhiều vị trí nhân sự cấp trung. Song, chị cũng tự đặt ra những tiêu chí riêng cho bản thân khi tìm việc. Ngoài mức lương, môi trường làm việc, chị quan tâm đến vị trí của công ty và thời gian làm việc mỗi ngày.
Thời gian nghỉ việc vừa qua, chị vẫn nhận những công việc làm thêm nên chưa bị ảnh hưởng nhiều về kinh tế khi mất đi nguồn thu chính. Song chị quan niệm, bản thân vẫn cần một công việc ổn định, thu nhập bền vững. Chị mong mỏi sẽ tìm được công việc đáp ứng được nguyện vọng của bản thân.
44.000 cơ hội
Giữa năm 2023, anh Nguyễn Đình Phúc (ở Thường Tín, Hà Nội) bị mất việc do công ty cung ứng máy may công nghiệp của Nhật bị ảnh hưởng về sản xuất, kinh doanh.
Anh ngậm ngùi khi phải rời vị trí kỹ sư bảo dưỡng, bảo hành máy với mức lương 14-16 triệu đồng tháng. Gánh trên vai cả gia đình, anh đứng trước áp lực phải nhanh chóng tìm kiếm việc làm.
Sau khi phỏng vấn trực tuyến với một doanh nghiệp phân phối điện tử chính hãng tại Hà Nội, anh được nhận vào làm vị trí nhân viên kinh doanh kỹ thuật điện, thu nhập 9-15 triệu đồng/tháng.
Sau buổi phỏng vấn, anh và công ty tiếp tục có những trao đổi cụ thể hơn về công việc, tiền lương trong thời gian tới.
Sau Tết Nguyên đán, phiên giao dịch việc làm online liên kết 8 tỉnh với số việc làm lên đến 44.000 vị trí. Rất nhiều người lao động đã đến đây để tìm công việc phù hợp năng lực, nhu cầu.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành, ngay sau Tết Giáp Thìn, thị trường lao động tiếp tục đà phục hồi, sự khởi sắc đầu năm thể hiện tại các thị trường lao động lớn trong cả nước.
Tại Hà Nội, các doanh nghiệp đang tích cực tập trung tuyển dụng lao động ngay từ thời điểm đầu năm để bổ sung nguồn lao động, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh.
Phiên giao dịch việc làm lần này nhằm đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, đồng thời tạo cơ hội cho người lao động, nhất là sinh viên, học viên mới tốt nghiệp tìm được việc làm và người lao động có nhu cầu thay đổi việc làm phù hợp.
Một số nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng lớn như: Bán buôn bán lẻ, công nghiệp chế biến, chế tạo, vận tải – logistic, dịch vụ nhà hàng khách sạn, du lịch…
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm