Công ty đổi tên, thay giám đốc
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông T. X. H., cho biết, người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Sản xuất thương mại may Tuấn Vinh là ông Lê Văn Tuấn (SN 1996, quê ở Đắk Lắk).
“Ngày 25/3, công ty ủy quyền để tôi đứng ra giải quyết vấn đề nợ lương, BHXH với công nhân, người lao động, nhưng ngày 26/3, công ty đã rút ủy quyền. Không chỉ công nhân, người lao động mà hiện nay tôi cũng bị công ty nợ hơn 100 triệu đồng tiền lương”, ông H. cho hay.
Theo ông H. thời gian gần đây công ty khó khăn về tài chính nên hẹn trả tiền nợ lương công nhân, người lao động vào ngày 10/4, khi có đối tác sang xưởng.
Ông H. khẳng định, trước đó, nhà máy này do Công ty TNHH may Hà Nam An 3 quản lý, sau đó công ty được đổi tên thành Công ty TNHH Sản xuất thương mại may DV Fashion (có cùng địa chỉ, cùng mã số thuế với Công ty Hà Nam An 3) do ông H.T.X., là bảo vệ đứng tên giám đốc.
Tháng 11/2023, Công ty TNHH Sản xuất thương mại may Tuấn Vinh được thành lập mới do ông Lê Văn Tuấn đứng tên giám đốc. Lúc này, toàn bộ người lao động từ Công ty DV Fashion vẫn tiếp tục làm cho Công ty Tuấn Vinh mà không được ký kết lại hợp đồng lao động, do đó cũng không được đóng BHXH.
“Dù công ty đổi tên và thay giám đốc nhưng chủ đứng sau điều hành mọi công việc vẫn là ông Quản Văn P.. Việc nợ lương, nợ BHXH nhiều tháng liền nhưng ông P. không đứng ra trao đổi, giải quyết cho chúng tôi”, nhiều lao động bức xúc.
Người lao động như “ngồi trên lửa”
Ông Nguyễn Sơn, công nhân của công ty này bức xúc: “Tôi bị công ty nợ lương đã 3 tháng. Từ ngày bị nợ lương đến nay cuộc sống gia đình tôi gần như bị đảo lộn hết. Để có tiền bám trụ ở thành phố, tôi phải vay mượn khắp nơi.
Giờ chỉ mong cơ quan chức năng vào cuộc giúp cho công nhân chúng tôi sớm đòi lại được quyền lợi để tập trung tìm công việc mới”.
Tương tự, chị Nguyễn Thị H., công nhân may cho biết, hiện nay chị đang bị công ty nợ gần 15 triệu đồng tiền lương của tháng 2 và 20 ngày của tháng 3.
“Để có tiền trang trải ở thành phố đắt đỏ, mấy tháng nay tôi phải vay mượn khắp nơi. Hiện tôi vẫn đang nợ tiền phòng trọ, hẹn với chủ trọ ngày 10/4, đòi được tiền lương sẽ trả”, chị H. chia sẻ.
Chị H. cũng cho biết, hàng tháng chị và đồng nghiệp đều bị trừ hơn 500.000 đồng tiền đóng BHXH, nhưng thực tế công ty chỉ đóng BHXH một thời gian ngắn, rồi nợ BHXH đến nay.
Ông Sơn và chị H. đều cho biết, những ngày này họ như “ngồi trên lửa”, mong muốn sớm nhận được tiền lương để trả nợ và công ty đóng đủ BHXH để họ sớm tìm được công việc mới.
Liên quan đến vụ việc, ông Nguyễn Văn Xem, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH quận 12, TPHCM, cho biết: “Những ngày tới, nếu công ty vẫn không trả lương cho người lao động theo đúng cam kết, chúng tôi sẽ hướng dẫn người lao động thực hiện các thủ tục giải quyết tranh chấp về lương, BHXH.
Đây sẽ là cơ sở cho việc khởi kiện ra tòa để giải quyết, đảm bảo quyền lợi của người lao động”, ông Xem khẳng định.
Ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động (LĐLĐ) TPHCM, cũng cho hay đã chỉ đạo LĐLĐ quận 12 tiếp tục phối hợp các cơ quan chức năng nắm tình hình trả lương và các chế độ chính sách liên quan cho người lao động. Đồng thời sẽ báo cáo về LĐLĐ TPHCM khi có tình huống phát sinh.
Bên cạnh đó, LĐLD cũng sẽ xây dựng phương án hỗ trợ, chăm lo các trường hợp khó khăn, nhất là công nhân lao động bệnh hiểm nghèo, phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi,…
“Ngày 10/4, nếu công ty chưa thể thanh lý tài sản để thanh toán tiền lương cho người lao động, chúng tôi sẽ kiến nghị chính quyền quận 12 cử người giám sát tình hình của công ty. Tuyệt đối không để công ty tẩu tán tài sản làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người lao động”, ông Tâm nhấn mạnh.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm