Anh Trần Văn Vũ (38 tuổi) sinh ra ở vùng quê ven biển thuộc phường Hòa Hiệp Nam, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Đặc trưng của vùng đất này là hình ảnh cây xương rồng (người dân địa phương gọi là lưỡi rồng, tên khoa học là Nopalea cochenillifera) mọc dại trên những trảng cát khô cằn.
Lớn lên, anh Vũ rời quê hương vào TPHCM học đại học và trở thành kỹ sư xây dựng. Sau một thời gian làm việc tại TPHCM, qua sách báo, anh Vũ tình cờ đọc được thông tin về các hoạt chất dinh dưỡng và công dụng chữa bệnh của cây lưỡi rồng.
Tìm hiểu sâu hơn, người con Phú Yên nhận thấy cây lưỡi rồng có giá trị kinh tế lớn ở các nước như Mỹ, Mexico, Ấn Độ, nhưng tại Việt Nam, ít người nghiên cứu chuyên sâu, đầu tư, phát triển loại cây này thành mặt hàng kinh tế.
“Cây lưỡi rồng có nhiều chất dinh dưỡng, nên từ thuở nhỏ tôi đã thấy bố mẹ và người trong làng hái để luộc, nấu canh ăn. Nó có sức sống mãnh liệt trong môi trường khô hạn nên rất dễ trồng. Tôi muốn trồng và làm giàu bằng loài cây này trên chính mảnh đất quê hương”, anh Vũ chia sẻ.
Nghĩ là làm, năm 2018, anh Vũ rời TPHCM về Phú Yên, dồn lực khởi nghiệp. Từ diện tích 300m2, đến nay anh đã sở hữu 5ha cây xương rồng được trồng tại thị xã Đông Hòa và thành phố Tuy Hòa.
Thấy anh dồn tiền bạc để trồng loài cây dại, nhiều người nghi ngờ, can gián. “Lúc đầu, nhiều người còn nói tôi khùng hay sao lại trồng cây lưỡi rồng”, anh Vũ kể.
Theo anh Vũ, lưỡi rồng trồng 1 năm bắt đầu cho thu hoạch với sản lượng 50-80 tấn/ha. Giá thu mua 2.000-3.000 đồng/kg.
Mặc dù cây lưỡi rồng dễ trồng, nhưng tìm hướng đi, cách chế biến và để người dân cả nước biết đến, sử dụng là điều không dễ dàng.
“Những năm đầu, tôi chế biến lưỡi rồng để “đánh” vào ngành hàng thực phẩm, kết hợp với gạo làm bún, phở, bánh tráng…. Tuy nhiên, chi phí sản xuất thực phẩm cao mà doanh thu không đáng kể nên lợi nhuận mang về thấp”, anh Vũ kể.
Không nản lòng, anh Vũ tìm đến các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ sinh học, hóa học, thực phẩm… nhờ hỗ trợ. Sau khi nghiên cứu, anh quyết định rẽ hướng sang ngành mỹ phẩm, áp dụng công nghệ chiết xuất dưỡng chất từ lưỡi rồng tươi.
Bỏ tiền tỷ để sắm máy móc và nhờ chuyên gia hướng dẫn, tư vấn, đến nay anh Vũ cho ra đời nhiều loại mỹ phẩm từ cây lưỡi rồng, được người dùng đón nhận. Hiện ngành mỹ phẩm mang về cho anh Vũ doanh thu khoảng 200 triệu đồng/tháng.
Từ hoạt động điều chế các loại mỹ phẩm chiết xuất từ loài cây không cành, không lá, thân toàn gai, 2 xưởng sản xuất của anh Vũ đã giúp giải quyết công ăn việc làm cho 20 lao động tại địa phương, trong đó 10 lao động thời vụ với mức thu nhập 200.000 đồng/ngày và 10 lao động thường xuyên với mức lương 4,5-10 triệu đồng/tháng.
“Tôi làm ở đây gần được 1 năm với mức thu nhập khoảng 4,5 triệu đồng/tháng. Dù lương không cao so với thành phố, nhưng xưởng của anh Vũ gần nhà, không phải tốn tiền trọ, chi phí đi lại nên tôi thấy khá ổn, muốn tiếp tục gắn bó”, chị Tiền, lao động tại xưởng cho hay.
Ông Trần Văn Trí, Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Nam, cho biết trước đây cây lưỡi rồng mọc dại quanh bờ rào, người dân địa phương hái cành non để nấu canh, ăn sống.
“Lâu nay, giá trị của loài xương rồng này chỉ dừng ở việc nấu nướng quanh bếp quê, vậy mà nay anh Vũ lại mạnh dạn đầu tư trồng, chế biến cây lưỡi rồng theo hướng phát triển kinh tế xanh. Về phía địa phương, chúng tôi rất ủng hộ mô hình này”, ông Trí quan niệm.
Chủ tịch phường Hòa Hiệp Nam cũng xác nhận, xưởng của anh Vũ có đóng góp tích cực, tạo thêm công ăn, việc làm cho người dân địa phương.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm