13h, Trương Thị Anh Thư (20 tuổi, quê Cần Thơ) kết thúc tiết học tại trường đại học ở Suncheon (Hàn Quốc), vội về nhà nghỉ ngơi, chuẩn bị cho ca làm thêm buổi tối.
“Tôi làm việc ở quán bánh canh 12 tiếng mỗi ngày, tất cả các ngày trong tuần. Ca làm bắt đầu lúc 20h và kết thúc 8h hôm sau”, Thư kể.
Cô gái quê Cần Thơ sang Hàn được hơn 1 năm, hiện theo học chuyên ngành văn học ngôn ngữ Trung Quốc. Thư chia sẻ, mục đích xuất ngoại của cô là “đổi đời”, để ba mẹ đỡ vất vả. Bản thân cô cũng muốn học được nhiều kỹ năng mới.
“Tôi chủ động học tiếng từ khi học cấp 3 nên vượt qua kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Hàn không mấy khó khăn. Chi phí sang Hàn chỉ mất 50 triệu đồng tiền làm hồ sơ và 110 triệu tiền học phí.
Tuy nhiên, gom góp được đủ tiền cho tôi đi du học xong, trong nhà cũng không còn gì”, Thư kể. Lúc lên máy bay, cô cũng chỉ có 9 triệu đồng tiền Việt trong người.
Thư tự nhủ, đặt chân tới xứ sở kim chi sẽ đi kiếm việc làm ngay, không xin gì từ gia đình nữa. Ngày thứ 8 ở xứ sở kim chi, Thư tìm được việc chạy bàn tại một quán ăn, thu nhập 10.000 won/giờ (hơn 180.000 đồng).
“Du học sinh năm nhất hầu hết chỉ xin đi chạy bàn, rửa bát… Tôi đặt mục tiêu ngày nào cũng phải kiếm được tiền, ít nhất cũng đỡ được bữa ăn, vẫn hơn là tốn tiền sang đây mà ngày không kiếm được đồng nào.
Làm ở quán, chủ có quát mắng thế nào cũng cố gắng nhịn để kiếm tiền. Nhưng tôi bị đuổi việc chỉ sau 7 ngày”, Thư nói.
Mất việc, cô gái 19 tuổi nhớ như in lúc cầm trên tay 150.000 won (khoảng 2,8 triệu đồng), bật khóc khi bước ra khỏi quán. Bất đồng ngôn ngữ, bị quỵt lương, cãi nhau với đồng hương vì bị chèn ép vô lý, cô nhảy từ nhà hàng này đến quán ăn khác.
“Những người mới sang, đi xin việc dễ gặp phải người chủ không tốt, hay mắng, thậm chí sỉ nhục. Năm nhất nếu không có gia đình hỗ trợ thì du học sinh vừa đi học vừa đi làm rất vất vả. Áp lực kiếm tiền trả nợ đè nặng khiến nhiều du học sinh trốn ra ngoài bất hợp pháp”, Thư chia sẻ.
Theo quy định, du học sinh chỉ được làm thêm 20 giờ/tuần, số giờ phụ thuộc vào chứng chỉ TOPIK tiếng Hàn (chứng chỉ đánh giá năng lực sử dụng tiếng Hàn). Song, Thư cho rằng nếu không săn được học bổng hoặc là con nhà có điều kiện thì du học tự túc rất vất vả, phải làm thêm quá giờ cho phép.
Thư nhẩm tính, lương một giờ làm thêm hơn 180.000 đồng, nếu đi làm “đúng luật” sẽ được 14-16 triệu đồng một tháng. Trong khi đó, học phí mỗi tháng khoảng 8 triệu đồng, 4 triệu đồng tiền nhà, tiền bảo hiểm hết hơn 1 triệu…
“Không còn cách nào khác, du học sinh như chúng tôi phải làm thêm nhiều hơn”, Thư nói.
Sang năm thứ 2, nhờ khả năng ngoại ngữ tốt, Thư được chủ quán bánh canh cho làm quản lý, lương cứng 3,5 triệu won/tháng (khoảng 65 triệu đồng).
“Ca đêm chỉ có mình tôi nên việc gì cũng đến tay, từ hầm xương đến phục vụ khách. 8h tan làm, tôi không kịp về nhà mà chạy thẳng đến trường vì lớp học 9h bắt đầu, vệ sinh cá nhân cũng tại trường”, Thư kể.
Nữ du học sinh chia sẻ, lịch học ở trường khá dày, mỗi ngày 4 tiếng, từ thứ hai đến thứ sáu. Mỗi tuần có một bài thi nhỏ và mỗi tháng một bài thi lớn. Để cân bằng việc học và làm, Thư luôn cố gắng hoàn thành bài tập ngay trên lớp. Đến quán, nếu còn bài tập, cô sẽ ghi ra giấy và dán ngay tại chỗ làm việc để tranh thủ học.
“Nhà trường cho phép sinh viên đi làm thêm với điều kiện điểm đạt 70/100, dưới 70 điểm hoặc nghỉ học nhiều đều phải học lại.
5 tháng qua, mỗi ngày tôi chỉ ngủ 4-5 tiếng, vừa học vừa làm 19 tiếng. Có hôm kiệt sức, vừa lên xe buýt thì đổ máu mũi ròng ròng”, cô gái 20 tuổi nhớ lại.
Thư chia sẻ, dù vất vả nhưng ngày nhận lương là lúc cô quên hết mệt mỏi. Sau khi chi trả các khoản, cô vẫn có dư để gửi về lo cho em trai và bố mẹ. Hơn một năm du học Hàn Quốc, cô gái tự hào khoe chưa vắng học buổi nào và luôn hoàn thành tốt việc học ở lớp.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm