Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Ngành có mức lương gần 100 triệu đồng/tháng sa thải nhân viên
Năm 2023 được đánh giá là năm có nhiều biến động tiêu cực đối với ngành bảo hiểm. Tuy nhiên, ngành này vẫn giữ được mức lương cao so với mặt bằng chung của thị trường lao động.
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2023, thu nhập bình quân tháng của người lao động đạt 7,1 triệu đồng. Còn ở ngành bảo hiểm, thu nhập bình quân tháng của người lao động thường là vài chục triệu đồng.
Năm 2023, công ty TNHH bảo hiểm FWD Việt Nam chi hơn 93,5 tỷ đồng để trả lương và các chi phí liên quan cho người lao động. Mức bình quân mà FWD Việt Nam chi cho 1 nhân viên là hơn 1,4 tỷ đồng/năm, khoảng 117 triệu đồng/tháng.
Tại công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam, mức chi lương bình quân của mỗi nhân viên là 913 triệu đồng/năm, khoảng 76 triệu đồng/tháng.
Để trả lương cho 121 nhân viên, trong năm 2023, công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Fubon Việt Nam đã chi hơn 96,1 tỷ đồng. Tính bình quân, mỗi nhân viên của công ty được trả hơn 794 triệu đồng/năm, tức là hơn 66 triệu đồng/tháng.
Dù mức chi lương vẫn cao nhưng tình hình khó khăn thể hiện ở việc nhiều doanh nghiệp ngành này giảm số lượng tuyển dụng nhân sự.
Theo báo cáo thị trường lao động 6 tháng đầu năm 2024 của Adecco Việt Nam, ngành tài chính và ngân hàng nói chung đang đối mặt với giai đoạn giảm tuyển dụng do ảnh hưởng từ nhiều biến động thị trường; riêng lĩnh vực bảo hiểm đang trải qua tình trạng sa thải và cắt giảm nhân sự.
Adecco Việt Nam ghi nhận tuyển dụng trong nhóm ngành dịch vụ tài chính bảo hiểm đã giảm khoảng 12% so với cùng kỳ năm 2023.
Số liệu báo cáo của Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM cũng cho thấy trong tháng 6, trung tâm tiếp nhận 120 hồ sơ tìm việc của lao động ngành tài chính nhưng nhu cầu tuyển dụng nhân sự của ngành này chỉ có 34 vị trí việc làm.
Theo Adecco Việt Nam, ngân hàng và công ty bảo hiểm đang tiếp tục tái cơ cấu và đẩy mạnh chuyển đổi số. Do đó, các vị trí liên quan đến chuyển đổi số, bán hàng và kỹ thuật vẫn duy trì ở mức cao nhưng số lượng vị trí khối vận hành như thẩm định, kế toán, nguồn vốn… lại giảm đáng kể.
Adecco Việt Nam đánh giá: “Khối vận hành truyền thống bị cắt giảm mạnh khiến số lượng nhân sự trong mảng này tìm kiếm việc làm tăng cao. Lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ đã cắt giảm nhiều vị trí vận hành hơn so với năm 2023. Cơ hội việc làm khan hiếm, ứng viên buộc phải ứng tuyển vào các vị trí trái ngành, tạo áp lực về mức lương”.
Nhiều nhân viên ngành này không muốn bị sa thải phải chuyển sang làm việc ở vị trí khác, hoặc phải chấp nhận mức lương thấp hơn. Các nhân sự cấp cao trong diện bị cắt giảm lại có xu hướng chọn về hưu sớm.
Adecco Việt Nam khuyến nghị: “Các ứng viên nên chủ động nâng cao kỹ năng và kiến thức về công nghệ, số hóa, chuẩn bị sẵn sàng cho các vị trí mới trong ngành. Việc linh hoạt chấp nhận những công việc trái ngành có thể là bước đệm quan trọng để tiếp tục phát triển sự nghiệp trong bối cảnh thị trường lao động thay đổi”.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Chàng trai Việt bán rau ở Hàn, ngày kiếm 30 triệu đồng… nhẹ tênh
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Đặt hàng từ khi “vàng đen” ra hoa, thương lái lỗ hàng trăm triệu đồng
Huyện Thanh Chương (Nghệ An) được xem là thủ phủ trồng trám của tỉnh, với khoảng 1.000 cây trám cổ thụ và 5.000 cây ghép, sản lượng hàng năm ước đạt 350-400 tấn. Trám được trồng nhiều tại các xã Hạnh Lâm, Cát Văn, Thanh Nho, Thanh Đức…
Giống trám bản địa, quả to, cùi dày, thơm, bùi được người tiêu dùng ưa chuộng, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho các hộ trồng. Ngoài bán quả tươi ra thị trường, trám đen Thanh Chương được các cơ sở chế biến thu mua để sản xuất trám muối đóng hộp, qua đó nâng cao giá trị kinh tế của loài quả được xem là “vàng đen” này.
Xã Hạnh Lâm là một trong những địa phương trồng nhiều trám của huyện Thanh Chương. Theo ông Nguyễn Thành Luân, Chủ tịch Hội nông dân xã Hạnh Lâm, toàn xã có hơn 1.000 cây trám trong độ tuổi cho thu hoạch.
“Trám được trồng rải rác trong vườn nhà dân là chủ yếu, mỗi nhà 5-10 cây, 4 hộ trồng nhiều, trên dưới 200 cây mỗi hộ. Trồng trám chi phí chăm sóc thấp, ít sâu bệnh, do vậy, so với nhiều loại cây ăn quả khác, cây trám có giá trị kinh tế cao hơn. Trung bình mỗi cây trám cho thu hoạch khoảng 10 triệu đồng, có cây hơn 20 triệu đồng”, ông Luân cho hay.
Tuy nhiên, năm nay, năng suất trám giảm sâu, chỉ bằng gần 1/2 vụ năm ngoái. Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Hạnh Lâm, thời điểm trám ra hoa gặp mưa lớn khiến tỷ lệ đậu quả không cao. Bên cạnh đó, khi trám đậu quả lại gặp gió lốc nên bị rụng nhiều. Một diện tích khá lớn cây trám có tuổi đời cao, năng suất giảm.
Mất mùa khiến giá trám quả tăng cao. Hiện, giá trám tươi dao động ở mức 120.000-130.000 đồng/kg, trám loại 1 có thể lên tới 150.000 đồng/kg.
Theo ông Luân, giá cao nhưng không nhiều hộ dân có trám bán ra thị trường. Mặc dù rơi vào tình trạng mất mùa nhưng người thiệt hại nhiều hơn lại là các thương lái do phần lớn các hộ dân đã “bán quạ” từ khi trám mới ra hoa.
Anh Lưu Công Long (trú huyện Thanh Chương), một thương lái buôn trám cho biết, vụ trám này anh đầu tư gần 1 tỷ đồng mua quả của 135 cây trám, rải rác trên nhiều xã.
Việc “mua quạ” cả cây được các thương lái thực hiện từ khoảng 7 năm trở lại đây. Theo anh Long, sản lượng trám trên địa bàn chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Bởi vậy, các thương lái mua từ khi trám vừa ra hoa nhằm tránh tình trạng tranh mua vào vụ thu hoạch, đẩy giá ên cao và để đảm bảo nguồn cung cho khách hàng ngoại tỉnh.
Thương lái dựa vào khả năng đánh giá sản lượng của cây và chất lượng quả trám để đưa ra mức giá phù hợp. Sau khi thống nhất giá cả, thương lái phải thanh toán 2/3 hoặc một nửa cho chủ cây, phần còn lại thanh toán khi thu hoạch.
“Với 135 cây trám đặt cọc trước, tôi ước tính sản lượng 20 tấn quả nhưng thực tế chỉ được khoảng hơn 2 tấn. Đầu tư gần 1 tỷ đồng nhưng không biết tôi có thu hồi được 150 triệu đồng không vì còn chi phí thuê người hái, nhặt trám nữa”, anh Long buồn rầu cho biết.
Điều an ủi anh Long và các thương lái là khi mùa trám thất thu thì nhiều hộ trồng trám cũng chia sẻ rủi ro với họ. “Có hộ dân giảm 2/3 phần thanh toán còn lại, có hộ cam kết để thương lái thu hoạch mùa sau để bù lỗ”, anh Long cho hay.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Doanh nghiệp thiếu 1,9 triệu lao động, cần hơn 50% lao động qua đào tạo
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Long An về giải pháp, định hướng lâu dài để góp phần giải quyết những bất cập, hạn chế trong việc tuyển dụng lao động có tay nghề, qua đào tạo.
Theo cử tri tỉnh Long Anh, việc tuyển dụng lao động hiện nay gặp nhiều khó khăn, nhất là lao động có tay nghề, qua đào tạo.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự việc nêu trên là việc giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh vẫn còn một số bất cập, hạn chế nhất định như: Chất lượng đào tạo nghề tại một số trường còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp và việc đào tạo liên thông các trường để lao động có tay nghề dễ dàng học tập nâng cao trình độ còn hạn chế, dẫn đến học sinh không thích vào học các trường nghề.
Trả lời kiến nghị của cử tri, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động, nhất là lao động có chuyên môn kỹ thuật đã qua đào tạo nghề các trình độ trong giáo dục nghề nghiệp.
Theo Bộ này, nguyên nhân chủ yếu do nguồn “cung” lao động qua đào tạo chưa đáp ứng đủ so với “cầu” của thị trường lao động.
Cụ thể, số lượng đầu vào giáo dục nghề nghiệp hạn chế. Số lượng người học trình độ trung cấp, cao đẳng hàng năm từ 400.000 đến 500.000 người. Trong khi đó, có gần 1 triệu học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông và khoảng 1,2 triệu học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở hàng năm.
Số còn lại vào học đại học (đối với học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông) hoặc tham gia ngay vào thị trường lao động mà không qua đào tạo và vào học THPT (đối với học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở).
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội dự báo, năm 2024, các doanh nghiệp trên cả nước có nhu cầu tuyển dụng khoảng 1,9 triệu lao động, trong đó 44% lao động không qua đào tạo, 19% lao động có trình độ đại học trở lên và khoảng 37% lao động có trình độ trung cấp, cao đẳng.
Với nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ trung cấp, cao đẳng tương đương khoảng 700.000 người. So với nguồn cung lao động ở trình độ này của giáo dục nghề nghiệp thì còn thiếu khoảng 200.000-300.000 người.
Cùng với đó, doanh nghiệp sẵn sàng tuyển dụng lao động chưa qua đào tạo với nhiều chính sách đãi ngộ tốt làm cho nguồn tuyển sinh các trình độ trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp bị hạn chế.
Ngoài ra, theo Bộ này, việc liên thông giữa các trình độ đào tạo hiện nay khá thuận lợi dẫn đến số người học tốt nghiệp ra trường tham gia ngay vào thị trường lao động giảm.
Về công tác phân luồng, định hướng người học vào giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhận định đây không chỉ là trách nhiệm của hệ thống mà còn là trách nhiệm chung của các cấp, các ngành, các địa phương và cả hệ thống chính trị, xã hội.
Điều này nhằm góp phần thay đổi tư duy, nhận thức của người học đối với việc học nghề và lập nghiệp.
Với trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo hệ thống giáo dục nghề nghiệp, các cơ sở tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh.
Đồng thời, tăng cường phối hợp với hệ thống giáo dục đào tạo và các cơ sở giáo dục phổ thông làm tốt công tác phân luồng, định hướng người học vào giáo dục nghề nghiệp nhằm tăng số lượng đầu vào, cải thiện số lượng và chất lượng đầu ra, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
- « Previous Page
- 1
- …
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- …
- 80
- Next Page »