Xung quanh vụ 10 công nhân thương vong do máy nghiền bất ngờ hoạt động trở lại khi đang sửa chữa tại một nhà máy xi măng ở Yên Bái, các báo cáo ban đầu cho thấy đã có sai sót trong quá trình vận hành, sửa chữa hệ thống máy nghiền tại đây.
Một chuyên gia kỹ thuật về vận hành, sửa chữa làm việc trong nhà máy nhiệt điện nhận định, sự chủ quan của cá nhân là nguyên nhân chính dẫn tới vụ tai nạn lao động hết sức nghiêm trọng nói trên.
“Vụ việc cho thấy người lao động không tuân thủ đúng quy trình vận hành, quy trình an toàn khi làm việc với thiết bị quay. Ở đây có thao tác cắt điện để sửa chữa nhưng không có biện pháp ngăn chặn khả năng đóng điện trở lại, thiếu biển báo cảnh báo và không có người giám sát an toàn… Đây là những vi phạm nghiêm trọng quy trình an toàn lao động”, chuyên gia nhấn mạnh.
Theo vị này, nhiều trường hợp, công nhân không tuân thủ yêu cầu trang bị bảo hộ lao động khi làm việc như khẩu trang phòng độc, kính bảo hộ, mũ không cài quai, tóc dài không buộc gọn, tay áo rộng không cài khuy (cúc áo)… dẫn đến nguy cơ tai nạn thương tích khi xảy ra sự cố.
Khi vận hành máy móc, một số tai nạn có nguy cơ cao xảy ra như bị điện giật do rò điện từ động cơ ra vỏ máy hoặc người lao động chạm vào phần mang điện; bị té ngã do đứng làm việc trên cao; bị chạm, cuốn, ngã vào cơ cấu quay của máy móc, thiết bị…
Để hạn chế tối đa những tai nạn lao động thương tâm, vị chuyên gia cho rằng, cả người lao động và doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình an toàn lao động.
“Cả quản lý và công nhân đều cần được đào tạo về an toàn lao động. Khi tách thiết bị ra để sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng, các bộ phận phải đảm bảo thiết bị đã được ngắt điện, cách ly với các hệ thống khác, các nguồn nguy hiểm khác”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Chuyên gia an toàn phân tích thêm, trước khi vào các bình, bể, thùng máy móc kín, người lao động cần kiểm tra khí độc, đảm bảo khu vực làm việc thông gió. Khi làm việc, sửa chữa động cơ điện hoặc thiết bị quay, phải thực hiện kiểm tra đầy đủ các biện pháp an toàn, kiểm tra dòng điện rò, tiếp địa vỏ và các phần kim loại.
Khi cắt điện thiết bị phải treo biển báo “Cấm đóng điện – Đang bảo trì” tại máy cắt và dao cách ly cấp điện cho động cơ – những vị trí quan trọng để tránh người khác vô tình khởi động máy.
Khi sửa chữa, bảo dưỡng, bảo trì máy, phải có người chỉ huy trực tiếp hoặc bố trí người để giám sát an toàn khi làm việc.
“Trước khi đưa máy móc vào làm việc, phải kiểm tra công việc sửa chữa hoàn thành hay chưa, đảm bảo rút hết người của đơn vị sửa chữa ra khỏi vị trí sửa chữa. Chạy thử máy nghiền ở tốc độ thấp trước khi đưa vào hoạt động bình thường”, vị chuyên gia nói.
Cùng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Đức Ngọc, Phó trưởng khoa Cơ khí, Trưởng bộ môn Kỹ thuật ô tô, Đại học Thủy Lợi cho hay, mỗi nhà máy có quy trình vận hành máy móc khác nhau. Nguyên tắc chung khi thực hiện bảo trì dây chuyền bắt buộc phải ngắt toàn bộ điện của các loại máy trong chuyền, không chỉ riêng máy nghiền.
“Trước khi vào trong máy nghiền, phải đảm bảo rằng tất cả các máy móc trong dây chuyền đều đã tắt nguồn hoàn toàn. Người lao động cũng cần chắc chắn đã ngắt truyền động từ động cơ sang hộp giảm tốc, khóa cứng máy nghiền, đảm bảo máy không thể quay được. Đồng thời, máy nghiền cần được xả hết nguyên vật liệu, bi ra ngoài.
Phải kiểm tra, xác định tổng thể dây chuyền an toàn mới được vào bên trong các bộ phần cần sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng. Đặc biệt, mỗi cá nhân phải luôn cẩn thận và tuân thủ các nguyên tắc an toàn khi làm việc”, PGS.TS Nguyễn Đức Ngọc khuyến cáo.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm