Dẫn chúng tôi đi thăm làng nghề nước mắm truyền thống Khúc Phụ, ven biển Hoằng Hóa, Thanh Hóa, ông Trương Hùng Thế, Phó chủ tịch UBND xã Hoằng Phụ, cho biết, 3 tháng cuối năm là dịp “hốt bạc” của bà con làng nghề nên hộ nào cũng “tăng tốc” thuê thêm 2-3 lao động để có nhân lực đảm bảo làm đủ hàng cung ứng cho thị trường.
“Toàn xã hiện có 350 cơ sở làm nước mắm truyền thống, với khoảng 1.000 lao động. Năm 2023, làng nghề nước mắm truyền thống Khúc Phụ cung ứng ra thị trường 2,5 triệu lít, doanh thu đạt 30 tỷ đồng”, ông Thế nói.
Theo ông Thế, người dân Hoằng Phụ phát triển đa ngành, nghề nhưng mũi nhọn vẫn là nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy, hải sản. Trong đó có nghề làm nước mắm truyền thống có tuổi đời cả trăm năm nay.
Với bí quyết riêng, nước mắm truyền thống Khúc Phụ không chỉ có mặt ở các chợ truyền thống trên địa bàn, mà đã vươn ra các tỉnh, thành như: Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Quảng Ninh, TPHCM,… Nước mắm của bà con làm ra đến đâu, hết hàng đến đấy.
“Nhờ làm nước mắm mà nhiều gia đình có “của ăn, của để”, nuôi con cái học hành. Địa phương đang dành 3,5ha đất để phát triển ngành, nghề chế biến thủy sản tập trung, trong đó có nghề làm nước mắm”, ông Thế cho biết.
Ghé thăm cơ sở nước mắm của gia đình bà Nguyễn Thị Nương, 59 tuổi, thôn Bắc Sơn, không khí lao động hăng say, nhộn nhịp. Ai ai cũng tất bật với công việc, người đong mắm, dán nhãn, người ghi sổ, đóng thùng…
Từ đầu tháng Chạp đến nay, gia đình bà Nương cung ứng ra thị trường khoảng 4.000 lít nước mắm, tăng gấp đôi so với thường ngày. Vì vậy, gia đình bà phải thuê thêm 3 lao động mới kịp đơn hàng.
Là thế hệ thứ 4 trong gia đình “nối nghiệp” nghề truyền thống, bà Nương đã có thâm niên 40 năm làm nước mắm. Chia sẻ bí quyết kiếm tiền tỷ mỗi năm từ nghề làm nước mắm, bà Nương cho biết, đó là cách chọn cá, chọn muối để chế biến ra nước mắm ngon, đượm vị, đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Mỗi năm gia đình bà Nương ủ gần 100 tấn cá để làm nước mắm. Loại cá làm mắm ngon nhất là cá lâm xuôi đỏ mỏ, hoặc cá chỏng cơm và phải thu theo mùa vụ khoảng tháng 3, tháng 6 mới đạt độ ngon nhất.
“Nếu chọn loại cá không còn tươi, ngon thì thành phẩm thu được sẽ giảm đi rất nhiều về chất lượng”, bà Nương bật mí.
Theo bà Nương, bí quyết tạo ra nước mắm ngon còn nằm ở khâu chọn muối. Muối sử dụng phải là loại muối sạch, khô, được cất giữ một thời gian dài 6-8 tháng ở nơi khô ráo để hết vị chát. Cá sau khi chọn sẽ được trộn với muối theo tỷ lệ 3 cá 1 muối (3 tạ cá, 1 tạ muối) rồi cho vào bể chứa để ủ chượp.
Khi cá đã ủ được 10 ngày thì tiến hành đánh đảo, phơi nắng và thả sương để mắm lên màu, có hương vị tự nhiên. Quá trình từ khi ủ đến lúc thu hoạch thành phẩm nước mắm kéo dài 18-24 tháng.
Thời gian ủ càng lâu thì nước mắm càng thơm ngon, đượm vị, màu sắc càng hút mắt. Đây cũng là bí quyết tạo ra nước mắm “đi vào lòng người” của bà con làng nghề nước mắm truyền thống Khúc Phụ.
“Công đoạn khó nhọc nhất khi làm mắm là đưa cá đã trộn muối vào bể ủ và đánh đảo. Thông thường, khi thực hiện hai công đoạn trên, gia đình tôi phải thuê 8-10 lao động thời vụ”, bà Nương cho biết.
Để có sẵn nước mắm cung ứng ra thị trường, gia đình bà Nương thường muối cá gối vụ. Vì vậy, trong nhà bà lúc nào cũng trữ gần 100 tấn mắm ủ, giá 50.000-150.000 đồng/lít, tùy loại.
“Làm nghề mắm vất vả, không kể ngày đêm. Những tháng cuối năm, nhiều hôm, gia đình tôi làm từ sáng sớm cho tới tận khuya mới nghỉ. Dù khó nhọc nhưng hàng làm ra đến đâu xuất kho, thu tiền đều đều, tôi cảm thấy vui lòng”, bà Nương nói.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm