Thời điểm này của những năm trước, làng hoa An Thới (quận 12, TPHCM) luôn rộn ràng những công đoạn cuối cho một mùa Tết bội thu. Thế nhưng năm nay, mặc dù đã cận Tết, các chủ vườn hoa vẫn đang “nín thở” chờ khách đến giải cứu.
Bà Trịnh Thị Kim Lan (49 tuổi, chủ vườn hoa) cho biết, gia đình bà có truyền thống trồng hoa kiểng đến nay đã hơn 30 năm, nhưng năm nay tình hình mua bán hoa khá buồn.
“Năm ngoái, vườn của tôi trồng 10.000 chậu nhưng năm nay dự đoán trước tình hình kinh tế khó khăn, thị trường hoa Tết không mấy khả quan nên tôi đã giảm chỉ còn 8.000 chậu. Năm nay tôi trồng chủ yếu là hoa cúc đại đóa, cúc pha lê, hướng dương, cát tường…”, bà Lan cho biết.
Không chỉ giảm số lượng hoa, vườn của bà Lan còn hạn chế tối đa thuê lao động thời vụ. Mỗi ngày, các thành viên trong gia đình phải làm cật lực từ sáng tới đêm để tiết kiệm chi phí. Dù vậy, bà Lan vẫn cảm thấy khá lo lắng vì khả năng hoa “ế” là rất cao.
“Thời điểm này của những năm trước, thương lái đến các vườn xem rồi đặt với số lượng lớn nhưng đến giờ này, các thương lái vẫn chỉ mới đi xem chứ chưa đặt hoa. Càng gần Tết càng lo!”, bà Lan thở dài, nói.
Cùng chung cảnh ngộ, ông Trịnh Văn Đực cho hay, năm ngoái vườn của gia đình ông trồng gần 10.000 chậu nhưng năm nay chỉ trồng 3.000 chậu.
Theo ông Đực, những năm gần đây, thị trường hoa Tết luôn bấp bênh, người trồng hoa luôn trong tình trạng hồi hộp chờ đợi giá và thị trường tiêu thụ.
“Gần Tết rồi mà vườn của tôi chưa có thương lái nào đến xem hoa, đặt hàng cả. Không chỉ mỗi vườn của tôi mà đa số các chủ vườn đang rơi vào cảnh “dài cổ” chờ người mua”, ông Đực nói thêm.
Không chỉ nhà vườn trồng hoa lo lắng, năm nay thương lái cũng chung tình cảnh. Chủ vựa hoa kiểng Thủy Nga (quận Gò Vấp) chia sẻ, thời điểm đầu tháng 12 Âm lịch, vựa đã đặt hàng các vườn với số lượng lớn nhưng giờ chỉ dám lấy một phần nhỏ.
“Năm nay tình hình kinh tế khó khăn, người dân cắt giảm chi tiêu nên cửa hàng chỉ chọn những loại hoa có giá vừa phải để bán chứ không dám nhập nhiều như những năm trước”, chủ vựa hoa Thủy Nga chia sẻ.
Làng hoa Thới An có hơn chục vườn hoa, là một trong những nơi cung cấp hoa Tết chủ yếu cho người dân thành phố cũng như các tỉnh lân cận.
Mỗi mùa hoa Tết, các chủ vườn đều thuê nhân công làm thời vụ từ sáng đến chiều (khoảng 8-10 tiếng), tiền công trả mỗi người là 200.000 đồng.
11h, đang thoăn thoắt đôi tay ngắt lá, bẻ nụ giữa trời nắng nóng, bà Hạnh (47 tuổi, quê Sóc Trăng) công nhân làm vườn chia sẻ: “Công việc này không đòi hỏi kiến thức kinh nghiệm, chỉ cần học hướng dẫn 5-7 phút là thuần thục. Tuy nhiên, công việc này phải phơi nắng cả ngày, ngồi lâu rất mỏi lưng”.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm