Xã Đức Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) nổi danh với các món ăn được chế biến từ thịt chuột. Nếu trước đây, chuột được săn bắt để chống phá hoại mùa màng, làm các món ăn “chơi chơi” thì nay chuột đã trở thành hàng hóa, mang lại thu nhập khá cho người dân.
Ông Hà Văn Công – Chủ tịch UBND xã Đức Thành – cho biết: “Nghề săn, bán chuột đồng mang lại thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ dân. Có những hộ kiếm 1-1,5 triệu đồng/đêm nhờ đi bắt chuột bán. Trên địa bàn xã có 2 cơ sở thu mua chuột đồng, ngày cao điểm có thể nhập gần 1 tấn chuột sống”.
Anh Cung Đức Mậu (xóm Thọ Bằng, xã Đức Thành) là một trong 2 cơ sở thu mua chuột tại đây. Trung bình mỗi ngày, cơ sở của anh thu mua 5-6 tạ chuột sống, có ngày lên tới 1 tấn.
“Vào thời điểm mưa rét như thế này, người dân đi bẫy được nhiều chuột hơn. Chuột cũng như các mặt hàng khác, cung nhiều thì giá sẽ giảm”, anh Mậu cho hay.
Chuột được mang tới nhập chủ yếu là chuột đồng và chuột cống nhung, trong đó chuột đồng là chủ yếu. Chuột còn sống và khỏe mạnh là yêu cầu tiên quyết.
Bà Phan Thị Nhiên (xóm Thọ Bằng) chất 3 thùng chuột lên chiếc xe đạp, đưa tới nhập cho cơ sở anh Mậu. 18kg chuột là “chiến lợi phẩm” của chồng bà Nhiên sau một đêm đi đặt bẫy.
“Có hôm ông ấy bẫy được vài yến chuột, có hôm cũng chỉ được vài ba cân thôi. Già rồi, vợ chồng túc tắc kiếm tiền chợ thôi. Làng tôi có những hộ đi bẫy chuột chuyên nghiệp, mỗi đêm bắt cả tạ đấy”, bà Nhiên nói.
Ông Hoàng Trọng Dần (xã Minh Châu, Diễn Châu, Nghệ An) phấn khởi với thành quả một đêm đi bẫy chuột. 3 năm nay, người nông dân này có thêm nghề phụ là bẫy chuột bán. Gọi là nghề phụ nhưng thu nhập từ bắt chuột cao hơn từ trồng lúa và hoa màu.
“Tôi có gần 100 cái bẫy. Ngoài mồi để dụ chuột vào bẫy thì quan trọng là phải đoán được luồng đi của chuột. Đặc tính của loài chuột đồng là cứ đầu hôm rời hang kiếm ăn, tầm 21-22h sẽ về, mình cứ đặt bẫy đón lõng, có hôm một lồng được 2 con, còn hầu như mỗi lồng chỉ bẫy được một con thôi”, ông Dần tiết lộ.
Mùa săn chuột đồng bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 12 hàng năm, trong đó tháng 10 là cao điểm. Chuột được săn bằng bẫy, quá trình săn bắt không làm ảnh hưởng đến sức khỏe của chuột bởi các cơ sở chỉ thu mua hàng tươi sống.
Chuột sau khi được gom, sẽ vận chuyển ra Hà Nội tiêu thụ. Theo anh Cung Đình Mậu, tại các đại lý, chuột sẽ được làm thịt và phân phối cho các cửa hàng chuyên bán thịt chuột.
Để đủ hàng nhập cho 2 cơ sở thu mua trong xã, tại xã Đức Thành đã hình thành các nhóm săn chuột đồng. Họ sắm dụng cụ, đánh bẫy ở cánh đồng các huyện lân cận, có khi sang tận Thanh Hóa hay Hà Tĩnh. Cũng bởi đi theo nhóm đông người, đặt nhiều bẫy nên mỗi đêm có nhóm bắt được 4-5 tạ chuột đồng.
“Nghề này thì không có bí quyết gì cao siêu đâu. Quan trọng nhất là chịu khó, kiên trì, đi đêm về hôm, vất vả lắm, nhất là những dịp mưa rét. Nhưng bù lại, đêm ra đồng là có tiền. Nhiều hộ dân ở làng Thọ Bằng, xã Đức Thành xây được nhà to, mua ô tô cũng nhờ săn chuột đồng”, ông Cung Đình Phong cho hay.
Ông Phong được đánh giá là tay săn chuột cự phách của làng Thọ Bằng. Có đêm, người đàn ông này bắt được gần 6 tạ chuột.
Chuột sau khi cân, được cho vào lồng sắt và tắm rửa sạch. Vào ngày nóng, trong quá trình vận chuyển bằng ô tô, chủ hàng phải chèn thêm đá cây giữa các lồng chuột để duy trì nhiệt độ mát, tránh chuột bị chết, hao hụt trong quá trình vận chuyển.
Để đảm bảo việc thu mua, phân loại, vận chuyển chuột, cơ sở của anh Vương Đình Mậu thuê thêm 3 lao động.
“Chuột được bán theo trọng lượng và kích cỡ. Chuột nhỏ có giá khoảng 35.000 đồng/kg, loại lớn giá 50.000-55.000 đồng/kg, cao điểm 60.000 đồng/kg. Chúng tôi thu mua chuột của người dân trong xã và cả người dân ở huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, trung bình mỗi ngày 5-7 tạ chuột sống”, chị Loan – vợ anh Mậu – cho hay.
Ngoài các cơ sở thu mua chuột đồng lớn, tại Đức Thành, nhiều hộ dân làm thịt chuột bán lẻ, phục vụ nhu cầu của người dân trong xã.
Các hộ dân ở đây tự hào về công việc khiến nhiều người ám ảnh này, bởi ngoài việc mang lại nguồn thu nhập ổn định, họ góp phần giúp nông dân diệt trừ nạn chuột phá hoại mùa màng.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm