Nghịch lý nông sản “xanh” khó bán, hạn chế tăng ca thì công nhân bỏ xưởng!
Sau nhiều năm nghiên cứu, tham gia đánh giá các dự án phát triển bền vững, PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội (Social Life), khẳng định nếu không thống nhất nhận thức chung của xã hội, những tiêu chuẩn mới như ESG rất khó đâm chồi, nảy lộc, phát triển tốt ở Việt Nam.
Ông dẫn chứng một dự án phát triển sản xuất xanh cho ngành điều. Tổ chức nước ngoài tài trợ, vận động nông dân tham gia chuỗi sản xuất, cam kết thực hiện các tiêu chuẩn về trồng trọt, sử dụng phân bón, bảo vệ môi trường, nguồn lao động… Nhưng rốt cuộc, khâu thu mua, tiêu thụ sản phẩm thì không cạnh tranh được với thương lái.
Những vườn điều tham gia dự án muốn xuất được sang các thị trường khó tính phải tuân thủ nhiều tiêu chí xanh, sản phẩm xét nghiệm đạt tiêu chuẩn mới bán được. Còn thông qua thương lái để tiêu thụ sản phẩm thì dễ dàng, không cần tuân thủ yêu cầu kỹ thuật khắt khe vẫn bán được giá.
Vậy là dự án thất bại.
Ở ngành may mặc, TS Nguyễn Đức Lộc kể chuyện một doanh nghiệp Hàn Quốc ở Bình Dương. Do nhãn hàng quy định hoạt động sản xuất phải đạt tiêu chuẩn ESG, doanh nghiệp cần minh chứng về việc thực hiện trách nhiệm xã hội đối với người lao động, không được phép tổ chức tăng ca quá nhiều, đảm bảo các tiêu chuẩn đời sống với nhân công…
Ai cũng biết hạn chế tăng ca, giảm giờ làm thì người lao động có thêm thời gian nghỉ ngơi, chăm lo gia đình, tái tạo sức lao động… Tuy nhiên, người lao động Việt Nam lại thích tăng ca để có thêm thu nhập. Vậy là, khi doanh nghiệp triển khai quy định hạn chế tăng ca thì công nhân “chạy” sang doanh nghiệp cho tăng ca.
Ở bình diện quốc gia, PGS.TS Nguyễn Đức Lộc đề cập đến xu hướng thu hút đầu tư có chọn lọc. Thực tế, có những địa phương đặt yêu cầu cao thì doanh nghiệp bỏ sang địa phương khác đầu tư.
Ông nói: “Có những doanh nghiệp không vào được tỉnh này vì rào cản kỹ thuật, môi trường, chính sách đãi ngộ lao động… thì họ chuyển sang tỉnh kế bên. Tỉnh kế bên do áp lực thu hút đầu tư nên đặt ra tiêu chuẩn thấp hơn, nhà đầu tư dễ vào hơn”.
Những trường hợp trên cho thấy, để thay đổi, để doanh nghiệp tự nguyện thực hiện những tiêu chuẩn mới theo định hướng phát triển bền vững như ESG, cần thay đổi nhận thức của cả xã hội.
Ông Lộc nêu tình huống đáng buồn, một hộ nông dân trồng lúa sinh thái nhưng ruộng kế bên cứ vô tư phun xịt thuốc hóa học thì chuột bọ, côn trùng chạy hết sang cánh đồng tiêu chuẩn cao kia, thiệt hại người làm tốt phải chịu.
“Ông này làm mà ông kia không làm, giống như một người phải kéo cả guồng quay nặng nề. Nếu cả xã hội chung một nhận thức, nhà nước đưa ra tiêu chuẩn, giám sát thực hiện tiêu chuẩn đó thì cả xã hội sẽ vận hành theo”, TS Nguyễn Đức Lộc nhận định.
Đồng bộ chính sách
Quay trở lại câu chuyện giảm giờ làm của doanh nghiệp may mặc ở Bình Dương, Social Life từng tư vấn chủ công ty bù phần thu nhập sụt giảm do giảm giờ làm của công nhân bằng các chế độ phúc lợi khác.
Mục tiêu của chính sách này là thu hút người lao động, để dù không được thu nhập cao như những doanh nghiệp có tăng ca nhưng làm ở đó thì chi phí, gánh nặng đời sống sẽ giảm bớt.
Gợi ý đó đã được biến thành giải pháp. Công ty cho cải tạo một khu xưởng trong nhà máy, chuyển thành nhà trẻ, hỗ trợ công nhân gửi con tại đây, giúp gia đình người lao động đỡ tốn chi phí gửi trẻ.
PGS.TS Nguyễn Đức Lộc nhớ lại: “Câu chuyện này giờ nhắc tới thấy đơn giản, hiện Bình Dương khuyến khích thực hiện đồng bộ. Nhưng thời điểm nhiều năm trước, đơn vị tiên phong làm rất rối vì doanh nghiệp không được cấp phép, không có chức năng giữ trẻ. Vậy nên ý tưởng thế, Phòng Giáo dục tại địa phương cũng nhiệt tình giúp đỡ nhưng chính sách chưa có, công ty may buộc phải hợp tác với nhà trẻ bên ngoài mới thực hiện được chính sách đãi ngộ này…”.
Đó là một ví dụ thực tiễn cho thấy tính quan trọng của việc đồng bộ về chính sách. Có những yếu tố mới tích cực, xu hướng phát triển bền vững nhưng doanh nghiệp muốn làm cũng khó vì chưa có quy định, chính sách.
Doanh nghiệp muốn chuyển đổi cũng cần chính sách ủng hộ, tạo điều kiện pháp lý để thực hiện (Ảnh minh họa: Sơn Nguyễn).
Bộ tiêu chuẩn ESG với hàng chục tiêu chí, đặc biệt là tiêu chuẩn xã hội (Social) liên quan đến lĩnh vực lao động, nhân lực, đầu tư bền vững cho cộng đồng… càng phức tạp trong thực tế vì có không ít chính sách điều chỉnh. Việc đồng bộ chính sách, theo đó, là để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp muốn làm, muốn đi theo con đường phát triển bền vững phải được ưu tiên.
Theo ông Lộc, rất nhiều doanh nghiệp muốn làm, khát vọng đóng góp tích cực cho xã hội nhưng chưa có hàng lang chính sách đồng bộ, chưa có nguồn nhân lực, có nhận thức tiến bộ thì rất khó thực hiện.
Ông nói một cách hình tượng: “Hiện tại, khi người làm người không thì người làm sẽ đuối sức, giống như đang bơi ngược dòng. Nhiều doanh nghiệp e ngại càng làm càng… chết”.
Về người lao động, PGS.TS Nguyễn Đức Lộc khẳng định, dù ở bất cứ ngành nghề nào cũng có một bộ phận người lao động có tinh thần cầu tiến, mong muốn phát triển kinh nghiệm, kỹ năng của mình để đi lên vị trí mới với mức lương cao hơn, cuộc sống tốt hơn.
“Tôi làm việc với nhiều lao động nghề may, nhận thấy một số điểm chính là các chị em phụ nữ rất gắn bó với nghề, đa phần các chị yêu thích nghề may, làm nghề liên tục nhiều năm liền, có khát vọng bứt phá. Các chị muốn học tiếng Anh, đồ họa để được ngồi trong phòng lạnh làm thiết kế mẫu, lương cao hơn…”, ông Lộc cho biết.
Người lao động luôn sẵn sàng để học tập nâng cao năng lực, tìm kiếm cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp (Ảnh minh họa: Sơn Nguyễn).
Theo ông Lộc, chỉ cần có chính sách phù hợp, người lao động sẵn sàng tham gia các chương trình đào tạo, đào tạo lại, nâng cao tay nghề để thay đổi chính mình. Tuy nhiên, chi phí, thời gian ở đâu để họ học tập trong khi vẫn phải lo “cơm áo gạo tiền” hằng ngày? Ngoài doanh nghiệp tạo điều kiện, nhà nước cũng cần chính sách hỗ trợ.
Môi trường đồng thuận để cùng chuyển đổi
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, hiện có nhiều doanh nghiệp mong muốn đi theo con đường phát triển bền vững, đầu tư cho lao động, cộng đồng để thúc đẩy tiến bộ xã hội. Tuy nhiên, tự nguyện làm ESG, nếu xét trong ngắn hạn rõ ràng không có nhiều thuận lợi.
“Thực hành ESG, doanh nghiệp phải cam kết và có trách nhiệm thực hiện, phải bỏ chi phí, đầu tư nhân lực… Đầu tư ban đầu nhiều mà lợi ích ngắn hạn chưa thấy rõ thì lợi nhuận giảm… Trong khi họ nỗ lực thực hiện cam kết thì đối thủ cạnh tranh có thể đã giành mất đơn hàng. Cuối cùng, nhiều người đi trên hành trình ấy bỏ cuộc”, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội cho biết.
Ông Lộc khẳng định, người đi theo định hướng phát triển bền vững sẽ phải đầu tư, kiến tạo nhiều nhưng không được lợi trước mắt. Điều quan trọng là người đầu tư có chịu được đến lúc hái quả hay không. Thực tế, nhiều doanh nghiệp chết vì không đủ sức đi đường dài, bản thân quá nhỏ chống chịu một áp lực rất lớn, nếu không có chương trình hành động chung quốc gia.
Người lao động được hưởng lợi nhiều nếu doanh nghiệp triển khai tốt ESG (Ảnh minh họa: Sơn Nguyễn).
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, đa phần doanh nghiệp tại Việt Nam chỉ đang tuân thủ nghĩa vụ pháp lý của Việt Nam, nghĩa là luật quy định như thế nào thì chấp hành như thế. Ngay cả nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng hầu hết tìm đến Việt Nam vì một thị trường dễ tính, nhân công rẻ để triển khai các nhà máy gia công thâm dụng lao động.
“Các FDI tuân thủ các quy định pháp lý tại Việt Nam nhưng thực tế là các quy chuẩn này còn khá thấp. Các tiêu chuẩn phát triển bền vững mới chỉ dừng ở mức khuyến khích thực hiện”, ông Lộc đánh giá.
Do đó, để thúc đẩy việc thực hành ESG cũng như các tiêu chuẩn phát triển bền vững khác, ngoài nhận thức xã hội, chính sách đồng bộ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp triển khai thì còn cần chương trình hành động chung quốc gia để môi trường đồng thuận, tạo bầu không khí quốc gia cho tất cả cùng chuyển đổi.
Ông Lộc khẳng định, chuyển đổi là xu thế tất yếu hiện nay, là con đường để “đi tắt, đón đầu”. Hiện tiêu chuẩn phát triển bền vững áp dụng tại Việt Nam còn rất thấp, doanh nghiệp dễ dàng đáp ứng. Tuy nhiên, đối diện với các thị trường, đối tác khó tính, doanh nghiệp Việt phải tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế. Đó là luật chơi chung.
“Trong chuỗi sản xuất toàn cầu, nhiều quốc gia cùng làm một phân đoạn như Việt Nam thì nơi đâu đáp ứng được luật chơi chung thì mới có đơn hàng, nếu không đáp ứng được, đối tác sẽ chuyển sang quốc gia khác. Không ai cấm, không ai ép nhưng muốn làm ăn chung trong môi trường toàn cầu thì phải làm thôi”, TS Nguyễn Đức Lộc nhấn mạnh.
Hội thảo “Nhân lực bền vững – Trung tâm chữ “S” trong ESG?” diễn ra vào sáng 30/10, tại Hà Nội, nằm trong chuỗi hoạt động của Diễn đàn ESG Việt Nam do báo Dân trí tổ chức từ năm 2024. Hội thảo có sự đồng hành của các đơn vị: Vietjet Air, tập đoàn FPT, Gamuda Land, Nam A Bank, Bac A Bank, HD Bank, Acecook Việt Nam, Toyota Việt Nam, Phú Long.
Độc giả đăng ký tham dự TẠI ĐÂY.
Diễn đàn ESG Việt Nam có nhiều hoạt động trong năm nhằm thúc đẩy và phát triển chuẩn mực ESG, gồm các hội thảo, tọa đàm, diễn đàn kết hợp lễ vinh danh, cuộc thi viết Sáng kiến ESG vì một Việt Nam phát triển bền vững.
Ban tổ chức kỳ vọng với sự quan tâm của cộng đồng kinh doanh tại Việt Nam cũng như các địa phương, Diễn đàn sẽ được tổ chức thường niên, nhằm đồng hành cùng cơ quan quản lý, cộng đồng, doanh nghiệp nhân rộng mô hình phát triển bền vững, mang lại giá trị tích cực cho môi trường, xã hội, đóng góp vào sự phát triển thịnh vượng của đất nước.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm