Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Thi sáng tạo các sản phẩm truyền thông về phòng, chống ma túy
Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, Cuộc thi sáng tạo các sản phẩm truyền thông về phòng, chống ma túy diễn ra từ ngày 28.7 đến hết ngày 10.10.2024. Các đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động, cán bộ công đoàn đang sinh sống, làm việc ở trong nước và người lao động Việt Nam lao động, học tập tại nước ngoài có thể gửi tác phẩm truyền thông để tham dự cuộc thi.
Nội dung các tác phẩm tuyên truyền về hậu quả, tác hại của ma túy; các thủ đoạn lôi kéo, dụ dỗ người dân sử dụng ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp và ma túy “núp bóng” các loại thực phẩm như bánh kẹo, đồ uống, thảo mộc, thuốc lá điện tử; các mô hình hay, cách làm tốt của các cấp công đoàn trong tuyên truyền phòng, chống ma túy và các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn.
Các tác giả, nhóm tác giả có thể sản xuất, sáng tạo các sản phẩm truyền thông gửi dự thi theo các hình thức: video ngắn, infographic, chùm ảnh, bài viết.
Cuộc thi được tổ chức nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về hậu quả, tác hại của ma tuý; phương thức, thủ đoạn của tội phạm ma túy nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng ngừa của công nhân lao động.
Cạnh đó, phát huy ý tưởng sáng tạo và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đoàn viên, người lao động trong công tác phòng, chống ma túy. Qua cuộc thi sẽ lựa chọn ra các sản phẩm truyền thông cụ thể, có chất lượng, có tính cổ động, tuyên truyền cao, làm sản phẩm tuyên truyền về phòng, chống ma túy trong đoàn viên, người lao động; đồng thời khẳng định vai trò của tổ chức công đoàn trong công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy.
Ban tổ chức cuộc thi sẽ trao 5 giải tập thể (giấy chứng nhận của Tổng LĐLĐ Việt Nam kèm tiền mặt), gồm 1 giải nhất trị giá 5 triệu đồng, 2 giải nhì trị giá 3 triệu đồng/giải, 3 giải ba trị giá 2 triệu đồng/giải.
Ngoài ra, ban tổ chức cũng trao 21 giải cá nhân, gồm 1 giải nhất trị giá 5 triệu đồng, 2 giải nhì trị giá 3 triệu đồng/giải, 3 giải ba trị giá 2 triệu đồng/giải và 15 giải khuyến khích trị giá 1 triệu đồng/giải. Cùng với giải thưởng tiền mặt, các giải thưởng còn được nhận giấy chứng nhận của Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Cuộc thi không chỉ là cơ hội để đoàn viên, công nhân lao động thể hiện sự sáng tạo mà còn là bước quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và tuyên truyền về phòng, chống ma túy. Tổng LĐLĐ Việt Nam kêu gọi sự tham gia tích cực từ mọi cá nhân và tập thể để cuộc thi đạt kết quả tốt nhất, góp phần bảo đảm an ninh xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động.
Lao động – Tin Tức Việc làm
Vợ chồng người Cơ Tu vượt rừng đưa con trai vừa tốt nghiệp đi tìm việc
Sáng 9/8, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế chủ trì, phối hợp với UBND huyện Nam Đông tổ chức ngày hội tư vấn, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp cho học sinh, người lao động năm 2024.
Ngày hội thu hút rất đông người lao động, học sinh, sinh viên trên địa bàn huyện miền núi Nam Đông tham dự, tìm hiểu thông tin thị trường lao động, ngành nghề tuyển sinh của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Anh Hồ Văn Reo (40 tuổi, người Cơ Tu, trú thôn 3, xã Thượng Quảng, xã xa nhất huyện Nam Đông) cho biết khi nghe tin có sự kiện về lao động, việc làm tổ chức tại trung tâm huyện, anh đã vận động vợ, con cùng đến dự để tìm hiểu thông tin.
Sau khi tìm hiểu, nghiên cứu thông tin vị trí việc làm, mức thu nhập, yêu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, anh Reo cùng vợ là chị Hồ Thị Phiên, quyết định đăng ký ứng tuyển vào một công ty may mặc ở khu công nghiệp Phú Bài (thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế).
Theo quy trình, vợ chồng anh Reo sẽ được hẹn thời điểm phỏng vấn, tham quan nhà máy, xem điều kiện làm việc rồi mới tiến tới ký hợp đồng lao động.
Được biết trước đây vợ chồng anh Reo đã từng làm công nhân may cho một doanh nghiệp tại huyện Nam Đông, nhưng ít việc, thu nhập không cao.
Sau đó, hai vợ chồng nhận hàng về may tại nhà, kết hợp làm nông nghiệp. Do diện tích đất sản xuất nông nghiệp hạn chế nên gia đình anh Reo còn nhiều khó khăn.
“Chúng tôi muốn tìm một công việc ổn định với mức thu nhập phù hợp với năng lực của bản thân, có điều kiện lo cho con cái ăn học. Dịp này tôi cũng rủ thêm con trai đi cùng để cháu có thêm thông tin, định hướng nghề nghiệp cho tương lai. Cháu mới thi tốt nghiệp trung học phổ thông xong”, anh Reo chia sẻ nguyện vọng.
Theo ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế, ngày hội lần này thu hút hơn 20 trường cao đẳng, trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp tham gia trực tiếp, với gần 5.000 chỉ tiêu tuyển sinh, tuyển dụng vị trí lao động các cấp trình độ trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề.
Cùng với Nam Đông, ngày hội tư vấn, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp cho học sinh, người lao động tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 còn diễn ra tại huyện miền núi A Lưới và thành phố Huế.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Vợ bụng bầu vượt mặt quặn thắt nghe tin chồng tử nạn trong hầm lò
Chia sẻ với đoàn công tác Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đến thăm hỏi, chia buồn chiều 30/7, đại diện gia đình công nhân Vũ Văn Hiệp – một trong 5 công nhân của Công ty Than Hòn Gai (Quảng Ninh) tử nạn – cho biết, hoàn cảnh của nam công nhân rất khó khăn. Căn nhà đang sinh sống ở huyện Ninh Giang, Hải Dương cũng là của ông bà ngoại cho mượn.
Anh Hiệp là thợ lò bậc 5/5, có hơn 20 năm công tác tại Công ty Than Hòn Gai. Vợ anh là chị Hà Thị Thu trước đây làm công việc giao hàng. Tuy vậy, từ khi mang bầu con thứ ba, chị phải nghỉ việc để đảm bảo sức khỏe.
Bố mẹ đẻ của anh Hiệp đã mất từ lâu. Chị Thu quẩn quanh ở nhà với vườn vải, ao cá, làm công việc tự do để tiện chăm sóc cho gia đình.
Trước cú sốc, nỗi mất mát tột cùng này, chị vẫn không tin nổi mình đã mất đi người chồng, các con đã mất đi người cha. Ngay tuần trước, anh Hiệp còn về thăm vợ con và tính toán sẽ nghỉ hưu sớm để về cùng vợ làm việc, chăm sóc gia đình. Song sự cố này khiến anh dang dở dự định, bỏ lại vợ cùng con thơ.
Đoàn công tác của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam do ông Nguyễn Văn Bắc – Trưởng ban Tài chính làm trưởng đoàn đã kịp thời có mặt tại gia đình anh Vũ Văn Hiệp để thăm hỏi và chia buồn.
Tại buổi thăm hỏi, ông Bắc đã gửi lời chia buồn sâu sắc đến chị Hà Thị Thu cùng các thành viên trong gia đình và mong gia đình sớm vượt qua nỗi đau thương này.
Đoàn cũng khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành cùng gia đình để đảm bảo các quyền lợi và hỗ trợ trong quá trình xử lý các vấn đề hậu sự. Thay mặt đoàn công tác, ông Bắc cũng đã trao hỗ trợ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho gia đình anh Hiệp.
Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam cho biết, đơn vị hỗ trợ 20 triệu đồng/người tử vong; Công đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam hỗ trợ 20 triệu đồng/người tử vong. Công ty Than Hòn Gai giải quyết các chế độ theo quy định của Nhà nước; thu xếp các chi phí hậu sự cho công nhân; và hỗ trợ các gia đình công nhân với mức ban đầu 100 triệu/gia đình.
Trước đó, vào 22h10 ngày 29/7, tại lò chợ chống bằng giá thủy lực dạng khung ZH1600/16/24 mức -110 vỉa 12 thuộc Dự án khai thác hầm lò phần mở rộng mỏ Suối Lại (Giai đoạn I), Công ty Than Hòn Gai – TKV, TP Hạ Long, Quảng Ninh nhóm công nhân gồm 5 người trong quá trình làm việc thì đột ngột xảy ra sự cố khiến 5 công nhân tử vong, trong đó có anh Vũ Văn Hiệp.
Hải Đăng
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Kỳ tích từ 4 con dê của vợ chồng trẻ
Học đại học ra bôn ba làm công nhân
Sau gần 2 tiếng đồng hồ vượt qua những cung đường cheo leo, một bên núi cao, một bên vực sâu, chúng tôi mới đến được nhà của Bí thư Đoàn xã Mường Ải. Đây là một trong những xã xa nhất của huyện biên giới Kỳ Sơn.
Tiếp chúng tôi với nụ cười tươi rói, anh Moong Bá Nghĩa (SN 1991), vừa rót nước vừa kể: “Năm 2015 tôi tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp, về quê không xin được việc. Sau đó tôi ra Bắc Ninh xin làm công nhân, thu nhập thấp quá, tôi lại vào miền Nam tiếp tục làm công nhân. Ở đây tôi gặp và yêu vợ bây giờ. Sau đó cả hai bàn nhau về quê lập nghiệp”.
Năm 2017, anh Nghĩa và chị Lô Thị Thảo kết hôn. Chị Thảo tốt nghiệp Trường Đại học Vinh, nhưng không xin được việc. Vợ chồng cưới nhau trong hoàn cảnh hết sức khó khăn. Bố mẹ làm nông nghiệp không đủ ăn, sau khi cưới, vợ chồng anh Nghĩa sống chung với bố mẹ và các em trong ngôi nhà sàn.
Do hoàn cảnh khó khăn, nên vợ chồng anh Nghĩa được bản và xã đề xuất và được Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An cấp 4 con dê giống để lập nghiệp.
Đến thời điểm này, từ 4 con dê được cấp, vợ chồng anh Nghĩa đã cho sản sinh được 100 con.
“Ban đầu khó khăn lắm vì không hiểu đặc tính của con dê. Vợ chồng phải sang Đồn Biên phòng hỏi các chú bộ đội cách chăm nuôi và lên mạng Internet tìm hiểu. Phải hơn 1 năm, dê mới ổn định sức khỏe và lớn nhanh”, chị Lô Thị Thảo tâm sự.
Sau khi hiểu được các tập tính của con dê và các bệnh thường mắc, biết cách phòng và chữa trị, vợ chồng anh Nghĩa bàn nhau vay ngân hàng chính sách xã hội 50 triệu đồng mua thêm 12 con dê giống. Chăm sóc, phòng bệnh đúng cách, đàn dê của gia đình anh Nghĩa lớn rất nhanh và sinh sôi liên tục.
“Vợ chồng tôi nghĩ mãi, cuối cùng kết luận chăn nuôi là cách duy nhất để thoát nghèo. Đồi núi cao như thế, phát nương trồng lúa cũng không lên được vì đất này phải 5 năm trồng lúa một lần đất mới đủ chất dinh dưỡng cho lúa phát triển.
Mà con dê, con bò nó chỉ ăn cỏ, cây trong rừng, sao mình không cố gắng học hỏi để nuôi. Giờ thì không đủ dê mà bán, ngày nào cũng có người gọi điện hỏi mua”, anh Nghĩa tâm sự.
Cần gì phải đi làm công nhân cho khổ
Với việc nỗ lực lập nghiệp trên mảnh đất khó, anh Nghĩa được các đoàn viên tin tưởng bầu làm Bí thư Chi Đoàn bản Xốp Phong sau đó được bầu làm Bí thư Chi bộ, rồi Bí thư Đoàn xã Mường Ải.
Sau khi nuôi thành công con dê, vợ chồng anh Nghĩa mua thêm bò giống, lợn bản địa và gà đen về nuôi và tự nhân giống các loại. Đến nay, gia đình anh đã có đàn bò gần 20 con, đàn lợn hơn 20 con và gà đen hơn 200 con.
“Hằng ngày đi vào các bản công tác hoặc đến xã, gặp đoàn viên thanh niên, tôi thường xuyên vận động đoàn viên khởi nghiệp bằng nghề chăn nuôi. Rừng núi bát ngát, cây cỏ không thiếu, nuôi con dê, con bò, thịt ngon, bán dễ, cần gì phải đi làm công nhân cho khổ. Các đoàn viên đến mua con giống đều được tôi bán rẻ cho để khuyến khích”, anh Nghĩa chia sẻ thêm.
Biết được đặc tính của con dê ăn phải sạch, mùa mưa hay bị bệnh nên buổi sáng phải chờ lá cây khô hết sương hoặc nước mưa, mới thả dê ra, chiều 16h phải gọi dê về chuồng.
Theo anh Nghĩa, các bệnh thường gặp ở dê là lở mồm long móng, chướng bụng đầy hơi; mùa rét hay bị bệnh phổi, cho nên phải che bạt, đốt lửa sưởi ấm. Hằng ngày, vợ chồng anh Nghĩa dùng muối để tạo thói quen gọi đàn dê và bò về chuồng.
Hiện nay giá dê 120.000-150.000 đồng/kg, mỗi con dê trưởng thành được bán 3-4 triệu đồng. Mỗi năm dê đẻ 2 lứa, mỗi lứa 3-4 con. Với cách chăn nuôi ổn định, gia đình anh Nghĩa thu nhập gần 200 triệu đồng/năm. Từ một cử nhân hai bàn tay trắng, giờ gia đình anh Nghĩa đã có nhà cửa khang trang, thu nhập ổn định.
Ông Nguyễn Viết Hùng, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, cho biết: “Mô hình khởi nghiệp của Bí thư Đoàn xã Mường Ải Moong Bá Nghĩa rất tốt, huyện đã đến thăm nhiều lần.
Vợ chồng anh Nghĩa chăn nuôi, sản xuất rất khoa học, thu nhập ổn định. Huyện cũng rất nhiều lần dùng mô hình chăn nuôi này tuyên truyền cho các xã, bản khác để học hỏi, khởi nghiệp tại quê nhà, thu nhập cao hơn rất nhiều so với đi làm công nhân”.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
- « Previous Page
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- …
- 8
- Next Page »