Ngày 8/10, UBND tỉnh Bình Định tổ chức hội nghị triển khai giải pháp ổn định sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn.
Hội nghị ghi nhận nhiều ý kiến của người dân, doanh nghiệp về những khó khăn để ổn định sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đồng thời đề xuất các giải pháp để tháo gỡ khó khăn.
Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cam kết hỗ trợ thương nhân, doanh nghiệp và nông dân trong việc thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản.
Ông Tuấn cũng yêu cầu chính quyền các địa phương xác định rõ sản phẩm chủ lực dựa trên điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng của từng vùng; tập trung tổ chức sản xuất theo vùng nguyên liệu lớn, đảm bảo đủ tiêu chuẩn và quy mô sản lượng để cung cấp cho các nhà máy chế biến.
Theo ông Tuấn, người dân và doanh nghiệp tham gia sản xuất phải thay đổi căn bản cách làm, tuân thủ các quy trình và tiêu chuẩn kỹ thuật, đặc biệt là về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
“Chính quyền tỉnh sẽ tập trung mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào các nhà máy chế biến, hỗ trợ về chính sách và nguồn lực cho sản xuất. Sau hội nghị này, tôi hy vọng nông dân tỉnh Bình Định không còn cảnh được mùa mà phải giải cứu nông sản”, ông Tuấn kỳ vọng.
Theo bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Tổng Giám đốc Công ty CP Vinanutrifood Bình Định, Việt Nam là đất nước nông nghiệp, 63 tỉnh, thành đều có hoạt động sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, nếu không tạo được sự khác biệt, Bình Định sẽ khó thu hút được nhà đầu tư cũng như đối tác thu mua.
“Chúng tôi có nhiều đối tác ở Trung Quốc đang bao tiêu vùng nguyên liệu lớn ở các tỉnh Tây Nguyên, kể cả vùng dừa lớn ở Bến Tre. Nhưng khi điều hướng về Bình Định, điều đầu tiên nhà đầu tư muốn biết là sản lượng, sản phẩm có đạt tiêu chuẩn xuất khẩu…”, bà Hằng nói.
Bà Hằng nhận định Bình Định có thế mạnh về phát triển cây dừa vì có vùng trồng rộng, đặc biệt dừa xiêm Tam Quan, Bình Định nước rất ngọt. Trong khi đó, mỗi năm riêng thị trường Trung Quốc đã thiếu nguồn 21 triệu tỷ quả dừa.
Bà Hằng cũng thông tin, doanh nghiệp của bà đã đầu tư dự án Khu sản xuất, chế biến nông, lâm sản tập trung huyện Tây Sơn (Bình Định) với diện tích 10ha, tổng vốn đầu tư gần 500 tỷ đồng.
Theo bà Hằng, dự kiến khi nhà máy đi vào hoạt động, có thể chế biến 5 tấn ớt/ngày, để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Dây chuyền có thể chế biến ớt quả với tổng sản lượng hơn 5.550 tấn/năm, khoảng 200 tấn/ngày. Dừa uống nước có công suất 20.000 trái/ngày, dừa sọ là 30.000 trái/ngày và dừa cùi là 20.000 trái/ngày…
“Vừa rồi chúng tôi làm việc với đối tác Hàn Quốc và đã có các đơn hàng cần nguồn nguyên liệu sản xuất”, bà Hằng nói thêm.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm