Gen Z (Generation Z) là thế hệ trẻ được sinh ra từ khoảng năm 1997 tới 2012; cũng có nhiều người cho rằng gen Z sinh từ năm 1995 đến 2010. Theo dự báo đến năm 2025, nhóm này sẽ chiếm gần một phần ba dân số trong độ tuổi lao động của Việt Nam.
Gen Z – “thế hệ bông tuyết”?
Lớn lên trong thời đại công nghệ bùng nổ, điều kiện vật chất và chất lượng cuộc sống ngày một được cải thiện hơn. Gen Z mang màu sắc riêng với cá tính nổi bật như sáng tạo, dám nghĩ dám làm, tự tin thể hiện bản thân. Tuy nhiên, trong mắt các thế hệ trước, gen Z cũng dính nhiều “tai tiếng” như “cái tôi cao”, “hay nhảy việc”, “dễ tổn thương” (nên thường được ví như thế hệ bông tuyết), “không chịu khó chịu khổ”…
Chị Phạm Thị Kim Dung (31 tuổi, ở TP.HCM), chuyên viên hoạch định tài chính của một công ty bảo hiểm nhân thọ, cho hay công ty của chị khoảng 40% nhân sự gen Z. Trong quá trình làm việc chung với người trẻ, chị Dung chưa bao giờ gặp các trường hợp như “thích thì làm, thích thì nghỉ”, sẵn sàng “bật sếp”.
Chị Dung nhận định, việc thế hệ trước gắn mác xấu cho nhân sự trẻ này khi họ bắt đầu gia nhập thị trường lao động là ý kiến chủ quan. Vì đó là câu chuyện mà thế hệ nào cũng gặp phải, không phải riêng ở thế hệ gen Z mới xuất hiện.
“Các thế hệ trước thường có nhiều mối quan tâm khác như gia đình, con cái nên họ thường ưu tiên tính ổn định và gắn bó lâu dài với công việc. Còn thế hệ gen Z vẫn có gia đình sẵn sàng chu cấp tiền hằng tháng, không bị áp lực kiếm tiền nên họ quan tâm nhiều hơn tới những yếu tố khác của công việc như: trải nghiệm, quyền lợi phù hợp, điều kiện phát triển… để làm bước đệm cho kế hoạch lâu dài. Cho nên việc người trẻ thay đổi môi trường làm việc để phù hợp với bản thân là việc bình thường”, chị Dung nói.
Là một người thuộc thế hệ gen Z, anh Trần Lê Quang (22 tuổi, nhân viên của một trung tâm Anh ngữ) cho rằng, thế hệ nào cũng có cách làm việc, cách sống và cách thể hiện tính cách riêng. Anh Quang khẳng định, trong công việc người trẻ thường thẳng thắn đưa ra quan điểm riêng của mình, sẵn sàng phản kháng lại những điều bất công, không phù hợp.
“Tôi cũng từng “bật” sếp, nhưng “bật” ở đây là đưa ra ý kiến, quan điểm nhằm phát triển công việc với thái độ phù hợp, chứ không phải cãi sếp với thái độ hỗn láo, bảo thủ. Người trẻ muốn phải triển bản thân cần có tư duy phản biện, chủ động nói ra lập trường đúng nơi, đúng chỗ chứ không phải ngồi im để mọi người bắt tay chỉ việc cho làm”, anh nói.
Những cái hay của gen Z đáng học hỏi
Chị Khánh Chi (29 tuổi, ở TP.HCM) đánh giá cao những tư tưởng hay, tiến bộ của thế hệ gen Z mà các thế hệ trước đáng học hỏi. “Các bạn trẻ có khả năng thích nghi với mọi hoàn cảnh, biết chủ động và sẵn sàng làm việc đêm khuya. Ngoài ra, gen Z còn biết cập nhật xu hướng, kiến thức mới để giúp phần làm mới công ty”, chị nói.
Là nhân viên bộ phận hành chính – nhân sự của một cơ sở bảo trợ xã hội, chị Mai (30 tuổi, ở TP.HCM) nhận xét gen Z có nhiều ưu điểm, nhưng chị thích nhất là sự dấn thân, khả năng sáng tạo như được thăng hoa mà những thế hệ gen Y (thế hệ Millennials, sinh từ 1981 – 1996) như chị vì sự an toàn mà không dám thử nghiệm. Cộng thêm lợi thế về ngoại ngữ, khả năng vượt trội về công nghệ của các bạn trẻ đã góp phần làm công việc thêm thuận lợi vượt ngoài khả năng mong đợi.
Chị Mai nói thêm, chị cũng học hỏi nhiều cách làm sáng tạo của đồng nghiệp gen Z như cách sử dụng phần mềm Capcut, Canvas để làm bài thuyết trình với nhiều hiệu ứng bắt mắt, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tìm kiếm thông tin một cách nhanh chóng.
Người trẻ có suy nghĩ độc lập, tự chủ tài chính sớm và biết đầu tư sớm mang lại tài sản. Bên cạnh công việc toàn thời gian ở văn phòng, gen Z còn làm freelancer (người lao động tự do) và đầu tư vốn để tích lũy thêm. Cùng với đó, người trẻ cũng biết cách quan tâm đến sức khỏe tinh thần, yêu bản thân…
Trong quá trình tiếp xúc với nhiều nhân sự, chị Mai thấy, khoảng cách thế hệ là vấn đề hiện hữu tất yếu trong mọi thời đại. Người trẻ có đầu óc sáng tạo, nhạy bén với thời cuộc; thế hệ trước có nhiều kinh nghiệm thực tế. Thay vì chỉ trích, mỉa mai lối sống, nhận thức, tính cách của mỗi thế hệ, chúng ta cần biết tôn trọng sự khác biệt. Từ đó thấu hiểu và hỗ trợ nhau để cùng tiến bộ.
“Gen Z là lực lượng lao động tiềm năng, có sự đột phá và các ưu điểm nổi trội. Mỗi doanh nghiệp cần tạo ra môi trường làm việc thoải mái, sáng tạo, năng động và các chính sách đãi ngộ hợp lý để giữ chân nhóm lao động có chủ lực trong tương lai này”, chị Mai chia sẻ.
Lao động – Tin Tức Việc làm