Không còn nhộn nhịp như trước
Hơn 14h, khu chuyên doanh vàng mã tại Chợ Thiếc (quận 11, TPHCM) bắt đầu có khách lui tới. Dù đã vào cao điểm buôn bán mặt hàng phục vụ cho tháng “cô hồn” (tháng 7 âm lịch), các sạp tại đây vẫn kém cảnh nhộn nhịp so với thông lệ.
Đang loay hoay soạn hàng ở quầy, bà Kiều (70 tuổi) ngán ngẩm khi nói đến tình hình kinh doanh vàng mã trong năm nay.
Bà Kiều cho hay, dù vật giá leo thang, bà vẫn không tăng giá sản phẩm để níu chân khách. Các mặt hàng tại sạp vẫn giữ giá dao động từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng.
Tuy nhiên, tình hình kinh doanh vẫn không mấy khả quan.
“Tôi bán hàng tại chợ đã hơn 50 năm, chưa từng thấy cảnh buôn bán đìu hiu như năm nay. Thời điểm này những năm trước, tôi và 4 nhân viên phải quay từ sáng đến tối để chuẩn bị hàng, không có thời gian nghỉ ngơi, bán “sướng tay”. Nhưng giờ rõ ràng sức mua giảm mạnh. Tháng 7 năm nay, doanh thu của tiệm dự kiến hụt hơn một nửa”, bà Kiều nói.
Vì nhu cầu của người dân không còn như trước, một số mối sỉ của bà Kiều đã dần… biến mất. Những mối hàng còn liên lạc cũng giảm số lượng đặt hàng vì sợ tồn kho.
Năm nay, các sản phẩm có tạo hình nhà lầu, xe hơi không còn được ưa chuộng. Thay vào đó, người dân chọn mua giấy bạc, vàng mã đơn giản để đốt trong tháng “cô hồn” vì giá thành rẻ hơn.
Theo nhận định của bà, nguyên nhân là do tình hình kinh tế khó khăn, người dân cắt giảm chi tiêu cho các mặt hàng không cần thiết. Ngoài ra, chùa chiền cũng hạn chế đốt vàng mã trong tháng “cô hồn” này.
Chị Thương (40 tuổi), tiểu thương chuyên doanh vàng mã tại khu chợ, cũng lắc đầu ngao ngán khi cả buổi sáng chỉ có vài ba khách lui tới.
“Vì lượng khách giảm, chúng tôi không dám nhập hàng số lượng lớn như trước, giờ chủ yếu bán hết món nào mới nhập thêm hàng đó về bán. Tình hình kinh doanh khó khăn thế này đã kéo dài từ đầu năm đến nay”, chị Thương than thở.
Làm 3 tháng, ăn cả năm
Buôn bán ở khu chợ Thiếc đã hơn nửa thế kỷ, bà Kiều bộc bạch, sạp hàng vàng mã này là “chén cơm” của cả gia đình. Bà chủ sạp càng không nỡ sa thải những nhân viên đã gắn bó hàng chục năm, dù doanh thu bán ra chỉ vừa đủ gồng gánh các chi phí.
“Đối với mặt hàng này, chúng tôi chỉ trông chờ vào tháng Tết Nguyên đán, Tết Thanh minh và rằm tháng 7 âm lịch. Việc kinh doanh có thể nói là “làm 3 tháng, ăn cả năm”. Nhưng giờ, cả 3 tháng mùa vụ chủ chốt đều gặp khó. Tết vừa rồi tôi còn lỗ vốn”, bà Kiều bộc bạch.
Chị Mỹ Lệ (ngụ tại TPHCM) là người chuyên nhận gia công các mặt hàng vàng mã trong tháng “cô hồn”, cung cấp hàng cho các tiểu thương tại chợ cho biết mỗi ngày có thể kiếm khoảng 120.000 đồng cho việc gia công giấy màu. Chị chia sẻ, công việc không quá nặng nhọc nhưng đòi hỏi tính tỉ mỉ, kiên nhẫn.
“Thời gian qua, tình hình kinh tế khó khăn, các mặt hàng vàng mã không còn bán chạy như trước nên thu nhập của tôi cũng bị ảnh hưởng không ít”, chị Lệ chia sẻ.
Lái xe từ quận Tân Phú sang quận 11, bà Muối (70 tuổi) cho hay, vào các tháng đặc biệt như này, bà thường lấy sỉ hàng về bán cho khách vãng lai. Năm nay, bà dự định chỉ nhập số lượng ít về bán vì thấy nhu cầu sử dụng của người dân giảm, sợ sẽ tồn kho.
“Tiền lãi bán được chỉ đủ đi chợ, không lãi nhiều nên tôi cũng không kỳ vọng. Tôi cũng như các tiểu thương khác mong qua thời điểm khó khăn này để việc kinh doanh tốt hơn”, bà Muối nói.
Quanh khu chợ Thiếc, các sạp hàng kinh doanh vàng mã nhìn chung chỉ lác đác khách. Phía bên trong quầy, tiểu thương kiên nhẫn ngồi chờ khách, ai nấy đều thấm tình hình khó khăn.
Trước đây, tiểu thương có thể đóng cửa, hết hàng sớm vẫn có doanh thu “khủng”, nay nhiều sạp cố mở đến chiều tối cũng không “vớt” được thêm đáng kể.
Mới đây, báo cáo tài chính tổng hợp quý III của Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái (mã chứng khoán: CAP) cho thấy, trong cấu phần doanh thu xuất khẩu, sản phẩm giấy vàng mã chỉ mang về 30,7 tỷ đồng, bằng 57% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm