Quy chế được ký kết với 4 nội dung trọng tâm, nhằm tăng cường trách nhiệm và sự phối hợp giữa các cơ quan về vấn đề lao động, việc làm trong bối cảnh các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM gặp nhiều khó khăn, nhiều người lao động bị thoát ra khỏi lưới an sinh xã hội.
4 nội dung trọng tâm của quy chế phối hợp: Phối hợp hướng dẫn và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật lao động, việc làm, an toàn vệ sinh lao động, BHXH, công đoàn trong doanh nghiệp. Phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật. Phối hợp thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động, các bộ luật và luật có liên quan. Phối hợp trong công tác chăm lo đời sống công đoàn viên, công nhân lao động.
Hơn 46% người lao động làm việc trong khu vực phi chính thức
Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết, hiện nay TP.HCM là đô thị đặc biệt, là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ… có vị trí quan trọng đối với sự phát triển chung của cả nước.
Theo ông Lê Văn Thinh, trong 6 tháng đầu năm 2023, TP.HCM ghi nhận gần 100.000 trường hợp nghỉ việc tại các doanh nghiệp và đề nghị giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Thống kê cho thấy, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên tại TP.HCM là hơn 4,6 triệu người, trong đó lao động đang làm việc là hơn 4,5 triệu người, lao động làm việc trong khu vực phi chính thức chiếm 46,6%.
Trong thời gian qua, để thúc đẩy ổn định tình hình quan hệ lao động trên địa bàn thành phố, nhiều giải pháp được TP.HCM triển khai thực hiện.
“Với mong muốn tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các cơ quan trong vấn đề lao động, việc làm, thông qua quy chế phối hợp này, chúng tôi đặt mục tiêu nâng cao hơn nữa hiệu quả trong công tác phối hợp, giám sát, tạo sự đồng thuận trong công tác hoạt động chung, góp phần hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao”, ông Lê Văn Thinh nhấn mạnh.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Lò Quân Hiệp, Giám đốc BHXH TP.HCM, bày tỏ trăn trở về số liệu lao động chuyển từ chính thức sang phi chính thức hiện chiếm hơn 46%, đây là con số rất lớn và đáng lo ngại. Theo ông, đứng dưới góc độ là đơn vị tổ chức các chính sách BHXH, bảo hiểm thất nghiệp…, thì điều này cho thấy rất nhiều người đã thoát ra lưới an sinh xã hội.
“Ra khỏi lưới an sinh thì ốm đau, thai sản…, người lao động không được hưởng các chính sách, chế độ. Nhiều lao động chuyển từ không có việc làm ở các doanh nghiệp bắt đầu đi chạy xe ôm công nghệ, giao hàng, bán hàng online… hoàn toàn không tham gia đóng BHXH, dẫn đến nhiều thiệt thòi”, Giám đốc BHXH TP.HCM cho hay.
Đại diện BHXH TP.HCM mong muốn trong bối cảnh trên, thông qua quy chế phối hợp, thời gian tới BHXH TP.HCM sẽ có nhiều buổi phối hợp làm việc để đưa các lao động này vào thị trường chính thức. Bên cạnh đó, BHXH phối hợp các tổ chức đoàn thể, LĐLĐ TP.HCM để mở rộng người tham gia BHXH tự nguyện, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Hạn chế doanh nghiệp phải tiếp nhiều đoàn thanh tra
Tại hội nghị, ông Phạm Minh Tuấn, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, đồng tình với sự chủ động của Sở LĐ-TB-XH TP.HCM trong phối hợp các cơ quan thông qua hội nghị ký kết quy chế, đây cũng là sự kiện có ý nghĩa lớn trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố gặp khó khăn.
Theo ông Phạm Minh Tuấn, các nội dung phối hợp sẽ là kênh thông tin để MTTQ Việt Nam TP.HCM, LĐLĐ TP.HCM tiếp tục tăng cường hơn công tác giám sát của mình, đặc biệt là trong quá trình thực hiện chủ trương liên quan đến vấn đề lao động, việc làm.
Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM kỳ vọng quy chế phối hợp sẽ đẩy mạnh công tác kiểm tra liên ngành trong thời gian tới.
“Khi chúng tôi tiếp cận doanh nghiệp, các doanh nghiệp thường nói trong 1 năm hết đoàn này đến đoàn khác tới kiểm tra. Thực trạng không chỉ có 2, 3 ngành mà nhiều ngành khác, thậm chí bộ phận khác kiểm tra doanh nghiệp. Chúng ta nên tăng cường phối hợp thanh tra, kiểm tra trên nhiều nội dung để vừa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hạn chế doanh nghiệp phải tiếp xúc với nhiều đoàn; mặt khác giúp tăng cường xử lý vi phạm của doanh nghiệp có hiệu quả”, ông Phạm Minh Tuấn cho hay.
Đồng tình và nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra, ông Lò Quân Hiệp, Giám đốc BHXH TP.HCM cho biết, BHXH mong muốn Sở LĐ-TB-XH và BHXH phối hợp thanh tra liên ngành để hạn chế nhiều đoàn xuống doanh nghiệp.
“Khi lựa chọn đơn vị có dấu hiệu vi phạm để thanh tra, việc đi cùng nhau xử lý đồng bộ sẽ hiệu quả hơn. Điều này giúp hạn chế xuống doanh nghiệp nhiều lần, nhiều đoàn; đồng thời xử lý vi phạm nhanh chóng, hiệu quả”, ông Hiệp nhấn mạnh.
Lao động – Việc làm | Tổng hợp tin tức việc làm 24h