Năm 2010, anh Trần Thế Hiển (39 tuổi, ở xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) bắt đầu công việc giảng dạy môn chế tạo máy tại một trường cao đẳng nghề quân đội ở thành phố Đà Nẵng.
Trong quá trình công tác, anh Hiển nhận thấy việc thực hành của học viên gặp khó do thiếu trang thiết bị. Từ đó, anh Hiển nung nấu ý tưởng chế tạo chiếc máy ứng dụng công nghệ cao.
Năm 2014, chiếc máy gia công gỗ trầm, điêu khắc tự động ứng dụng công nghệ cao do anh chế tạo ra đời.
Anh Hiển chọn chế tạo máy gia công gỗ trầm, vì đây là một trong những sản vật quý của tỉnh Quảng Nam nhưng việc gia công còn tự phát, thô sơ, thời gian cho ra một sản phẩm khá lâu, mẫu mã kém đa dạng. Vì vậy, anh đã lên ý tưởng chế tạo ra chiếc máy.
Từ chiếc máy tự chế đó, anh Hiển bắt đầu nhận gia công trầm hương cho một số cơ sở kinh doanh để tăng thêm thu nhập. Bên cạnh đó, anh còn đào tạo thêm cho các học viên về chế tạo máy móc, thực hành điều khiển thiết bị.
“Lúc đó lương giáo viên còn thấp, tôi phải mất nhiều tháng dành dụm, tiết kiệm để mua phế liệu về làm”, anh Hiển chia sẻ.
Đến năm 2017, nhận thấy cơ hội khởi nghiệp đã đến, anh Trần Thế Hiển lựa chọn rẽ lối hẳn sang nghề gia công, kinh doanh trầm hương. Từ đây, anh quyết định rời môi trường học đường để theo đuổi mục tiêu mới.
Anh Hiển lựa chọn Đà Nẵng làm nơi mở xưởng, xây dựng cơ sở sản xuất và kinh doanh. Anh cũng tích cực học hỏi, tìm tòi để nắm vững kiến thức sản xuất các dòng sản phẩm mỹ nghệ từ trầm hương thân thiện môi trường, phát triển sản xuất kinh doanh theo hướng bền vững.
Năm 2021, anh Trần Thế Hiển xây dựng thêm xưởng sản xuất tại quê nhà Duy Xuyên và huyện Nông Sơn (Quảng Nam). Để đảm bảo hoạt động của các xưởng, anh Hiển lặn lội đến các vùng tại Quảng Nam như Tiên Phước, Nông Sơn, Phước Sơn và nhiều tỉnh, thành trên cả nước để tìm nguồn nguyên liệu.
“Nhờ ứng dụng máy móc công nghệ cao đã giúp rút ngắn thời gian sản xuất, đa dạng mẫu mã sản phẩm, tiết kiệm sức lao động, giúp sản phẩm có giá trị hơn…”, anh Hiển cho hay.
Cơ sở của anh sản xuất đa dạng các loại sản phẩm từ trầm hương như: vòng tay, tượng phong thủy, tranh trang trí, nhang, bút… với giá dao động từ vài nghìn đến hàng chục triệu đồng.
Trong đó, sản phẩm bút trầm hương đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao (chương trình mỗi xã một sản phẩm thế mạnh) của tỉnh Quảng Nam năm 2022.
Anh Hiển cho hay, máy móc hiện đại chỉ hỗ trợ một phần sản xuất, điều quan trọng là người thợ phải sáng tạo trong cách tạo hình sản phẩm mỹ nghệ.
Ngoài ra, tùy vào phân khúc khách hàng mà anh nghiên cứu, chế tác dòng sản phẩm phù hợp theo thị hiếu, văn hóa đặc trưng.
Trung bình mỗi tháng, cơ sở xuất bán hàng nghìn sản phẩm, doanh thu khoảng 4 tỷ đồng/năm, sau khi trừ chi phí thu lãi 10-20%. Cơ sở cũng tạo việc làm ổn định cho 20 lao động tại địa phương với mức lương 5-7 triệu đồng/người/tháng.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm