Năm 2013, ông Chris Putro (55 tuổi), một chuyên viên phân tích tài chính, đã bị công ty công nghệ sa thải.
Cầm tấm bằng cử nhân và thạc sĩ chuyên ngành hóa học, cùng kinh nghiệm 15 năm làm việc, Chris vô cùng tự tin rằng bản thân sẽ nhanh kiếm được công việc mới. Ông không nộp đơn ứng tuyển ngay mà chờ 2 năm để suy nghĩ về định hướng tương lai.
Sau một thời gian đắn đo, ông quyết định sẽ tiếp tục làm chuyên viên phân tích tài chính. Thế nhưng, suốt 9 năm, ông không được bất kỳ công ty nào trong ngành nhận vào làm, dù đã rải đơn khoảng 40 doanh nghiệp/tháng.
Chris nhận được 4 thư mời phỏng vấn trực tuyến, nhưng 3 trong số 4 nhà tuyển dụng đã “hủy kèo”. Công ty còn lại thì từ chối khéo rằng bằng cấp và kinh nghiệm của anh quá “dư thừa” cho vị trí cần tuyển.
“Tôi kiệt sức vì phải chờ một thời gian dài, lúc nào cũng hi vọng rằng sẽ có sự thay đổi trong bộ máy nhân sự của công ty. Các nhà tuyển dụng hầu như đều từ chối với lý do ở độ tuổi này thì tôi dễ đưa ra những nhận định sai lầm. Thay vào đó, họ trao cơ hội cho những người trẻ tuổi hơn, thậm chí là cho những người có đạo đức nghề nghiệp kém”, Chris nói.
Ông chia sẻ bản thân đã tìm việc trên các nền tảng Indeed, LinkedIn và những trang web của các nhà tuyển dụng địa phương lớn như CBS, NBCUniversal.
Không tìm được việc, Chris phải sống bằng tiền tiết kiệm suốt 16 năm đi làm. Khoản tiền này đủ cho ông trang trải trong 11 năm tới. Ông còn đầu tư vào thị trường chứng khoán để kiếm thêm, duy trì cuộc sống sinh hoạt thêm vài năm nữa.
May mắn, Chris không có gia đình hay vay nợ nên cuộc sống đỡ thiếu thốn. 10 năm qua, ông đi làm diễn viên hài độc thoại ở Los Angeles, được trả lương 50 USD/tuần.
Putro nằm trong số những người Mỹ đang gặp khó khăn trong việc tìm việc làm. Phần lớn các doanh nghiệp ở Mỹ đã giảm đáng kể nhu cầu tuyển dụng. Các công ty hạn chế tuyển dụng đang khiến nhiều người khó trở lại thị trường lao động so với cách đây vài năm.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm