680.000 tỉ đồng thực hiện cải cách tiền lương
Đặt nhiều kỳ vọng vào cải cách tiền lương từ 1/7 tới, chị Nguyễn Thị Thu Hương, giáo viên Trường tiểu học Nghĩa Phú (Nam Định), cho biết: Nhiều năm công tác trong ngành giáo dục, đây là lần đầu tiên chị cảm nhận sự thay đổi về lương lớn như vậy.
“Theo thông tin tôi nhận được, mức lương sắp tới của tôi sẽ tăng từ 10 – 30%. Sau khi điều chỉnh, thu nhập của tôi có thể tăng thêm khoảng 3 triệu đồng/tháng, giúp cải thiện đáng kể đời sống”.
Từ trước tới nay, đây là lần thứ 5 Việt Nam thực hiện cải cách tiền lương (năm 1960, 1985, 1993, 2003 và 2024). Cải cách lần này được nhìn nhận có nhiều điểm đột phá, khắc phục những hạn chế, bất cập của chính sách tiền lương trước đây. Không chỉ đơn thuần là tăng lương, cải cách chính sách tiền lương lần này thay đổi cách thức trả lương theo vị trí việc làm, chức vụ và chức danh lãnh đạo với mức lương cụ thể, rõ ràng.
Thực tế, ngay sau khi Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 được thông qua, Chính phủ, Quốc hội và Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đã triển khai nhiều công việc để có thể thực hiện cải cách, áp dụng chế độ tiền lương mới thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong toàn bộ hệ thống chính trị từ năm 2021. Tuy nhiên, nhiều khó khăn khi đương đầu với đại dịch Covid-19 khiến việc này phải lùi lại.
Trong bối cảnh kinh tế chưa thực sự phục hồi sau đại dịch, hiện thực hóa việc cải cách tiền lương từ 1/7/2024 thể hiện quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị suốt thời gian qua, đặc biệt là chuẩn bị sẵn sàng nguồn kinh phí.
Theo báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế – xã hội và ngân sách trình Quốc hội khi khai mạc kỳ họp thứ 7 ngày 20/5 vừa qua, tính đến hết năm 2023, cả nước đã dành được khoảng 680.000 tỉ đồng để thực hiện chính sách tiền lương mới. So với báo cáo hồi tháng 10/2023, con số này tăng thêm 120.000 tỉ đồng. Đây là nỗ lực rất lớn.
Nhìn lại chặng đường dài suốt thời gian qua có thể thấy, cải cách tiền lương là một trong những mối quan tâm, trăn trở hàng đầu của Chính phủ.
Lãnh đạo Chính phủ liên tục có chỉ đạo, yêu cầu các bộ, ngành chuẩn bị kỹ, báo cáo cấp có thẩm quyền để thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7/2024, bảo đảm công bằng, tổng thể, thống nhất; không tăng giá vào thời điểm tăng lương; xây dựng thang bảng lương trên tinh thần lương mới phải cao hơn lương cũ…
Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2024, cơ quan điều hành rốt ráo chỉ đạo Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Lao động – Thương binh và Xã hội khẩn trương hoàn thiện hồ sơ báo cáo Bộ Chính trị về cải cách chính sách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, ưu đãi người có công với cách mạng và trợ cấp xã hội.
Không để tăng lương dẫn đến tăng giá bất hợp lý
Cải cách tiền lương lần thứ 5 được kỳ vọng sẽ thực sự tạo được cú huých lớn trong việc đổi mới hiệu quả của bộ máy, tạo động lực, khí thế mới cho người lao động, thu hút nhiều nhân tài vào khu vực công, từ đó cộng hưởng, tác động tích cực vào sự phát triển của đất nước.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế đặt vấn đề lo ngại lạm phát tăng lên. Khi thực hiện quá trình cải cách chính sách tiền lương, tổng lượng tiền lưu thông sẽ nhiều hơn, dẫn đến chỉ số giá sinh hoạt tăng lên. Nhiều ý kiến cảnh báo đưa ra, nếu Chính phủ không có các giải pháp để kiềm chế lạm phát, ổn định giá cả thị trường thì việc cải cách tiền lương hay tăng thêm thu nhập cho người lao động sẽ không còn ý nghĩa.
Ngay tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội diễn ra ngày 6/6 vừa qua, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) nêu vấn đề, thời gian qua, Chính phủ đã rất nỗ lực kiểm soát chặt chẽ lạm phát. Tuy nhiên, áp lực điều hành lạm phát vẫn còn rất lớn, nhất là thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1/7.
Trả lời đại biểu, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, lạm phát liên quan nhiều đến các mặt hàng thiết yếu, trong khi Việt Nam là nền kinh tế mở nên nhập khẩu khá nhiều vật tư, nguyên liệu, điều này phụ thuộc vào thị trường thế giới.
Thời gian qua, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành triển khai quyết liệt các giải pháp đồng bộ, thông suốt trong bảo đảm sản xuất, cung ứng, lưu thông và phân phối, bảo đảm các mặt hàng, nhất là mặt hàng Chính phủ quản lý, kiểm soát giá, được điều chỉnh theo lộ trình, thời gian phù hợp.
Chính sách tài khóa quan hệ chặt chẽ với chính sách tiền tệ, ví dụ như xử lý biến động giá vàng vừa rồi mục đích là kiểm soát ổn định giá trị đồng tiền. Cùng đó, Chính phủ thúc đẩy đưa ra chính sách kích cầu tiêu dùng như du lịch, mua sắm; đồng thời, có chính sách tăng đầu tư khu vực công, hạ tầng thiết yếu để bảo đảm sản xuất, kinh tế phát triển.
Với điều chỉnh nhịp nhàng giữa tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát, điều chỉnh giữa chính sách tiền tệ và tài khóa, hoàn toàn có thể điều chỉnh giá cả.
Ngay tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 12/6, lãnh đạo Chính phủ cũng nhấn mạnh yêu cầu, khi thực hiện tăng lương vào 1/7 tới cần làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra quá trình niêm yết thực hiện các chính sách, quy định về giá. Trong đó, kiểm tra yếu tố hình thành giá, không để tăng lương dẫn đến tăng giá bất hợp lý, làm mất đi ý nghĩa của việc tăng lương. Bên cạnh đó, phải kiểm tra, kiểm soát, giám sát, đặc biệt là đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu…
Ánh Dương
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm