Hôm nay 28.8, đánh dấu kỷ niệm 79 năm ngày thành lập ngành LĐ-TB-XH (28.8.1945 – 28.8.2024). Đây cũng là dịp để nhìn lại, xem xét vai trò thiết yếu của lĩnh vực này và ảnh hưởng sâu rộng của nó đến nhiều khía cạnh phát triển quốc gia. Ngành LĐ-TB-XH không chỉ đảm bảo quyền lợi của người lao động, bảo vệ những người yếu thế mà còn đóng góp quan trọng vào việc giảm thiểu khoảng cách kinh tế và xã hội, thúc đẩy sự công bằng và phát triển bền vững.
Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, cho biết ngày 28.8.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Tuyên cáo về việc thành lập Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong đó có các bộ phụ trách công tác LĐ-TB-XH. Tháng 2.1987, Bộ LĐ-TB-XH được thành lập để kế thừa và phát huy nhiệm vụ của các bộ tiền thân.
Sở LĐ-TB-XH TP.HCM được thành lập vào năm 1988, trên cơ sở hợp nhất Sở Lao động và Sở Thương binh Xã hội, có chức năng tham mưu, giúp UBND TP.HCM quản lý các lĩnh vực như lao động, tiền lương, bảo trợ xã hội, bảo vệ trẻ em, và phòng chống tệ nạn xã hội. Hiện nay, ngành có 4.319 cán bộ với trình độ chuyên môn ngày càng cao.
Đi đầu cả nước nhiều chính sách, mô hình
* Với bề dày lịch sử, ông có thể chia sẻ về những chương trình, chính sách nổi bật của Sở đã có tác động lớn đến xã hội?
– Ông Lê Văn Thinh: Trải qua 36 năm, ngành LĐ-TB-XH TP.HCM đã đạt nhiều thành tựu, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội của thành phố và đất nước, được Đảng, Nhà nước ghi nhận bằng nhiều danh hiệu cao quý.
Về lĩnh vực người có công, Sở LĐ-TB-XH đã tham mưu ban hành nhiều cơ chế và chính sách riêng, nhiều chính sách cao hơn mức của Trung ương để chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người có công và gia đình họ. Điển hình là Nghị quyết số 126 năm 2016 về chế độ hỗ trợ đối với người có công với cách mạng và thân nhân trên địa bàn TP.HCM. Hiện nay, TP.HCM đang quản lý 278.517 hồ sơ, thực hiện chi trợ cấp ưu đãi hằng tháng cho 35.275 lượt người với tổng kinh phí hơn 74,7 tỉ đồng/tháng. Tuy nhiên, hiện nay chế độ hỗ trợ chưa theo kịp giá cả thị trường. Do đó, Sở LĐ-TB-XH đang tham mưu ban hành chính sách đặc thù nhằm phù hợp với tình hình thực tế.
Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về trẻ em được tăng cường, đảm bảo đời sống văn hóa, tinh thần, vui chơi, giải trí, và phúc lợi xã hội. Nổi bật nhất là mô hình thí điểm “Mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em trên địa bàn TP.HCM”, nhằm can thiệp và hỗ trợ ngày càng tốt hơn cho phụ nữ và trẻ em. Đây là giải pháp mới chưa có tiền lệ trên cả nước. Mô hình này được UBND TP.HCM trao giải nhì (không có giải nhất) Giải thưởng Sáng tạo TP.HCM năm 2023.
Ở lĩnh vực bảo trợ xã hội, hiện nay, TP.HCM đang trợ cấp xã hội hằng tháng cho 137.903 người với số tiền hơn 97 tỉ đồng/tháng; tiếp nhận, quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng 6.434 người diện bảo trợ xã hội. Đơn vị cũng đã tham mưu ban hành quyết định về cơ chế phối hợp thực hiện công tác tập trung trẻ em, người lang thang xin ăn và các đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác; tham mưu nghị quyết về chính sách đặc thù chăm lo, hỗ trợ người cao tuổi và trẻ em mồ côi do dịch Covid-19.
Đặc biệt, chương trình Giảm nghèo bền vững được khởi xướng tại TP.HCM từ năm 1992 và luôn được điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội, với chuẩn nghèo cao hơn từ 1 – 2 lần so với quốc gia. TP.HCM luôn hoàn thành mục tiêu giảm nghèo trước 1 – 2 năm so với nghị quyết đề ra. Năm 2021, TP.HCM có 58.019 hộ nghèo, cận nghèo với 227.743 nhân khẩu. Sau hơn 3 năm thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, TP.HCM còn 21.454 hộ nghèo, cận nghèo với 86.662 nhân khẩu. Các hộ này đã được tiếp cận các chính sách an sinh xã hội như hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế, vay vốn, học phí, chi phí học tập và sửa chữa, xây dựng nhà tình thương để từng bước thoát nghèo bền vững.
Lĩnh vực lao động, đào tạo nghề và giải quyết việc làm đã có bước tiến vượt bậc. Mỗi năm, thành phố giải quyết trên 300.000 việc làm, tạo hơn 135.000 việc làm mới và giữ tỷ lệ thất nghiệp dưới 3,8%.
Ngoài các lĩnh vực chuyên môn, hiện nay Sở LĐ-TB-XH đang dốc toàn lực cải cách hành chính để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.
Cán bộ phải có trách nhiệm, đồng cảm với dân
* Sở LĐ-TB-XH TP.HCM tập trung vào các lĩnh vực xã hội. Ông đánh giá thế nào về các nguyên tắc của cán bộ trong ngành LĐ-TB-XH khi thực hiện nhiệm vụ đối với nhân dân?
– Đội ngũ cán bộ, công chức TP.HCM, đặc biệt là Sở LĐ-TB-XH, ngày càng được chuẩn hóa về kỹ năng và trình độ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. LĐ-TB-XH là ngành đòi hỏi đội ngũ không chỉ có kiến thức chuyên môn sâu rộng, linh hoạt, sáng tạo để tham mưu các chính sách kịp thời mà còn phải giữ vững đạo đức nghề nghiệp.
Với tính chất công việc phức tạp, liên quan đến nhiều mối quan hệ đa dạng trong xã hội và hoạt động kinh tế – xã hội, cán bộ ngành LĐ-TB-XH, nhất là những người tiếp xúc trực tiếp với dân, cần thể hiện phong cách ứng xử lịch thiệp, cởi mở, nhiệt tình và trách nhiệm. Họ phải làm việc nghiêm túc, tận tâm, giữ vững tinh thần nhân văn, tinh thần của người làm công tác xã hội.
Trong mỗi nhiệm vụ, cán bộ cần nêu cao tinh thần phục vụ, đồng cảm với hoàn cảnh của người dân, đặc biệt là những đối tượng yếu thế để hỗ trợ họ một cách hiệu quả nhất.
* Hiện nay, ở TP.HCM, ngành LĐ-TB-XH đang đối mặt với những thách thức gì và Sở sẽ làm gì để khắc phục?
– Việc thực hiện chính sách an sinh xã hội đã đạt nhiều thành tựu, nhưng ngành LĐ-TB-XH TP.HCM cũng đối mặt với không ít thách thức phải giải quyết. Điển hình là mức trợ cấp xã hội hiện nay chưa theo kịp với sự biến động giá cả thị trường. Một số chỉ số thiếu hụt xã hội như nhà ở, bảo hiểm xã hội và trình độ giáo dục của người lớn còn chưa đạt mức cao, đặc biệt trong khu vực phi chính thức và hộ lao động tự do. Tình trạng trốn, nợ, chậm đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế cũng ảnh hưởng đến hệ thống an sinh xã hội…
Chúng tôi ý thức sâu sắc về vinh dự và trách nhiệm trong việc giải quyết các vấn đề xã hội. Thời gian tới, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM sẽ đổi mới phương pháp truyền thông và tham mưu hoàn thiện các chính sách nhằm cải thiện và mở rộng chính sách an sinh xã hội. Trước mắt, chúng tôi sẽ tham mưu UBND TP.HCM đề xuất Bộ LĐ-TB-XH điều chỉnh cách tính chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt giáo dục của người lớn và tình trạng đi học của trẻ em.
Chúng tôi cũng sẽ bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có chuyên môn và tâm huyết với nghề; bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và thành phố; và tăng cường hợp tác quốc tế, liên ngành nhằm tạo ra sự thay đổi bền vững trong xã hội.
* Xin cảm ơn ông!
Lao động – Tin Tức Việc làm