Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Nuôi loài cá “nhìn như rắn”, nông dân đổi đời chỉ sau 3 năm
Ông Nguyễn Phưởng (63 tuổi) đã có trên 15 năm kinh nghiệm nuôi cá chình bông ở ven đầm Trà Ổ thuộc huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định.
Theo ông Phưởng, các hộ nuôi cá chình thương phẩm ở ven đầm Trà Ổ chủ yếu là chình hoa (chình bông), còn chình mun tỷ lệ rất ít.
Các loại cá chình nói chung có chu kỳ sống rất đặc biệt, sinh trưởng trong môi trường nước ngọt, đến tuổi trưởng thành lại di cư ra vùng biển sâu để sinh sản. Trứng sau khi thụ tinh sẽ nở thành ấu trùng, sống phù du trong nước biển.
Khoảng tháng 10, 11 âm lịch, ấu trùng cá chình theo các dòng hải lưu trôi dạt vào cửa biển, cửa sông nở thành cá chình con (gọi là chình bột). Sau đó, cá chình con theo dòng nước ngọt di cư lên thượng nguồn các sông, suối để sinh sống.
“Mỗi khi cá chình bột vào đến cửa sông, cửa biển, ngư dân dùng vợt bắt rồi bán cho cơ sở chuyên ươm nuôi chình giống. Cá chình bột được chăm sóc thêm 2-3 tháng rồi bán cho các hộ nuôi cá chình thương phẩm”, ông Phưởng nói.
Ông Phưởng cho biết thêm, cá chình rất thích nghi với môi trường nước ở đầm Trà Ổ, dễ nuôi, ít bị bệnh, tỷ lệ hao hụt thấp, thức ăn đơn giản (chủ yếu là cá rô phi) nhưng hiệu quả kinh tế cao.
“Quan trọng nhất vẫn là cá chình giống phải được mua từ các cơ sở uy tín. Trong quá trình nuôi, cần chú trọng đến chất lượng nước ao nuôi, tránh trường hợp để thức ăn dư thừa gây ô nhiễm”, ông Phưởng chia sẻ.
Cũng theo ông Phưởng, trước đây ông nuôi cá chình bông kiểu quảng canh với diện tích ao nuôi nhỏ nên hiệu quả không cao. Vì vậy, nguồn thu chính của gia đình chủ yếu dựa vào khai thác nguồn lợi thủy sản trong đầm Trà Ổ.
Năm 2021, được hỗ trợ kinh phí từ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định, ông Phưởng mới bắt tay vào thực hiện mô hình nuôi cá chình thương phẩm trong ao nước ngọt.
“Ban đầu tôi thả 500 con giống cá chình, kích cỡ 100g/con, trên diện tích ao nuôi 300m2. Sau 15 tháng thả nuôi, cá chình sinh trưởng tốt, tỷ lệ sống đạt 90%, trọng lượng 1-1,2 kg/con.
Thời điểm đó tôi bán cho thương lái giá 500.000 đồng/kg, thu về trên 200 triệu đồng (chưa trừ chi phí). So với một số vật nuôi khác, tôi thấy nuôi cá chình mang lại hiệu quả cao hơn”, ông Phưởng nói.
Nhận thấy nuôi cá chình có triển vọng, ông Phưởng đầu tư mở rộng lên 2 ao nuôi, với diện tích khoảng 2.000m2 và thả khoảng 4.000 con cá chình, cá bống tượng.
Chỉ sau hơn 3 năm nuôi và chăm sóc, mô hình nuôi cá chình kết hợp cá bống tượng, giúp gia đình ông Phưởng vươn lên khá giả với mức thu nhập bình quân hơn 100 triệu đồng/năm.
Tuy nhiên, ông Phưởng cho rằng do cá chình sinh sản ở môi trường tự nhiên, chưa thể nhân giống nhân tạo nên giống cá này rất cao gây khó khăn cho người nuôi.
“Hiện cá chình giống giá là 150.000 đồng/con 100g, thời gian nuôi dài 1-2 năm mới xuất bán. Trong khi đó, giá cá chình thương phẩm tăng giảm theo thị trường, thời điểm cao bán 600.000-700.000 đồng/kg, nhưng hiện chỉ 450.000 đồng/kg”, ông Phưởng nói.
Theo ông Phan Văn Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Thắng, toàn xã có trên 20 hộ dân nuôi cá chình bông thương phẩm với diện tích hơn 2ha. Mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế cao, hầu hết các hộ nuôi cá chình đều vươn lên thoát nghèo, qua đó góp phần hoàn thành tiêu chí thu nhập về xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Nghề đóng “thuyền chiến”, nhìn mật hiệu để gọi tên thợ
Đã gần qua tuổi 75, sức khỏe có phần giảm sút nhưng ông Phạm Nhứt (ở thôn Đông Thạnh Tây, xã Tam Hòa, huyện Núi Thành, Quảng Nam) vẫn chưa rời cái bào, cái đục cùng nghề đóng thuyền đua.
Chưa một lần cầm chèo thi thố tài năng, nhưng được sinh ra trong một gia đình có truyền thống đóng thuyền đua hiếm hoi ở Quảng Nam, ông Phạm Nhứt luôn được các đội đua thuyền nể phục bởi kỹ thuật đóng thuyền điêu luyện.
Những chiếc thuyền qua bàn tay tài hoa của ông đã giành chiến thắng ở nhiều giải đua lớn nhỏ; không chỉ ở phạm vi vùng sông nước xứ Quảng mà còn ở nhiều tỉnh, thành miền Trung.
Nghề đóng thuyền đua của gia đình ông Nhứt đã truyền qua nhiều đời, hơn 150 năm phát triển và 2 con trai ông hiện là thế hệ thứ 5 giữ nghề.
Ông Phạm Nhứt kể lại, cha ông lúc sinh thời là một người mê đua thuyền. Hễ có hội đua thuyền ở đâu, dù trong nhà có cưới hỏi, giỗ chạp, cụ đều phải dừng việc để đi xem.
Mê đến nỗi cụ dặn dò con cháu, nếu có ngày hội đua thuyền, dù có là đám giỗ cũng phải… đình lại hôm khác để con cháu được đi xem. Niềm đam mê ấy được truyền qua các thế hệ của gia đình có nghề truyền thống đóng thuyền đua này.
Theo lời ông Phạm Nhứt, đây là nghề gia truyền từ bao đời, các thế hệ đều tự học, tự mày mò để đóng được những chiếc thuyền vừa nhẹ, vừa chắc, đảm bảo uy lực trên sóng nước.
Ban đầu, gia đình ông chỉ đóng thuyền cho một vài đội đua ở huyện Núi Thành. Thấy thuyền ông đóng có tiếng, nhiều đơn vị khác tìm đến đặt hàng. Giờ đây, hễ nói đến thuyền đua xứ Quảng là phải nhắc đến ông Phạm Nhứt.
Ông Nhứt không nhớ mình đã đóng bao nhiêu chiếc thuyền đua, chỉ biết con số ấy rất lớn. Theo ông, đóng ghe làm nghề trên biển, trên đầm cần độ chính xác cao đã khó, đóng thuyền đua càng đòi hỏi cao hơn.
Chiếc thuyền nhẹ, hạn chế tối đa lực cản của nước và gió, đạt vận tốc cao nhất sẽ góp khoảng 50% vào chiến thắng trong mỗi cuộc đua.
Anh Phạm Phú Phước, con trai đầu của ông Nhứt, cũng là một người mê đua thuyền như cha. Theo cha học nghề từ tuổi đôi mươi, giờ đây anh Phước cùng em trai có thể tự đóng hoàn chỉnh chiếc thuyền đua.
Ông Phạm Nhứt rất tự hào về những người con của mình, bởi cuộc sống hiện đại có quá nhiều thứ để quan tâm, quá nhiều điều thu hút giới trẻ mà các con vẫn một lòng theo đuổi nghề truyền thống của gia đình. Ông Nhứt bảo đó là cái phúc của gia đình.
Mỗi năm, cơ sở của gia đình ông Nhứt cung ứng cho các đội đua 7-16 chiếc thuyền. Từ năm 2019 đến nay, số lượng đặt hàng luôn tăng. Giá các loại thuyền đua ở mức 45-100 triệu đồng/chiếc tùy kích thước. Thuyền đua của gia đình ông cung ứng khắp Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi)…
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Bị che khuất tầm nhìn, người lái máy gặt lúa cán chết chủ ruộng
Chiều 13/5, lãnh đạo UBND xã Hưng Lĩnh (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) cho biết, vụ tai nạn xảy ra trong quá trình gặt lúa khiến một người phụ nữ trên địa bàn xã tử vong.
Thông tin ban đầu cho biết, sáng cùng ngày, bà Nguyễn Thị Ph. (hơn 60 tuổi, trú xã Hưng Lĩnh) thuê máy gặt đập liên hoàn về gặt lúa cho thửa ruộng của gia đình ở khu vực xứ Đồng Danh.
Khoảng 9h30 cùng ngày, máy gặt sắp hoàn thiện việc thu hoạch lúa, do thiếu bì tải đựng lúa nên bà Ph. đưa đến. Sau đó, người phụ nữ này phát hiện lúa rơi vãi nên cúi xuống nhặt. Đúng lúc này, người lái máy gặt lúa không quan sát thấy nên đã lùi máy trúng vào người bà Ph.
Phát hiện sự việc, người dân xung quanh đã hô hoán và đưa nạn nhân lên bờ ruộng. Tuy nhiên, do vết thương nặng, bà Ph. đã tử vong.
Nhận được tin báo, cơ quan công an, chính quyền địa phương đã có mặt tại hiện trường điều tra làm rõ nguyên nhân sự việc.
Đến chiều 13/5, sau khi làm các thủ tục cần thiết, cơ quan chức năng đã bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình đưa về quê mai táng.
Được biết, hoàn cảnh gia đình bà Ph. khó khăn. Nhiều năm trước con gái bà Ph. bị bệnh hiểm nghèo mất nên vợ chồng bà đưa cháu ngoại về chăm.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Công sở với những cữ cầu nguyện, tiệc… nước lọc trong mùa “nhịn chay”
Góc hành lễ giữa văn phòng, khách sạn
12h, văn phòng im ắng, tắt hết đèn, các nhân viên trở về bàn làm việc của mình để nghỉ trưa. Cả phòng chỉ có Amin (28 tuổi, ngụ tại quận 8, TPHCM) nhẹ nhàng dọn gọn khu vực quanh bàn làm việc, rồi trải xuống sàn một chiếc thảm với hoa văn rực rỡ.
Amin quay mặt về phía bức tường, bắt đầu nhắm mắt, chắp tay cầu nguyện. Hành lễ khoảng 10 phút, xong chàng trai mới dọn dẹp để nghỉ trưa cùng các đồng nghiệp.
Amin là nhân viên của một công ty văn phòng phẩm gần 10 năm. Là một tín đồ Hồi giáo, có nhiều quy định, nghi thức tôn giáo cậu thực hiện hàng ngày tạo tò mò, khác biệt thú vị nơi công sở. Thời gian đầu, cậu nhiều lần phải giải đáp những thắc mắc mà những người xung quanh đặt ra cho mình.
“Đôi lúc đang trò chuyện với đồng nghiệp, tôi phải xin dừng một lát vì tới giờ cầu nguyện. Lúc đầu mọi người thấy lạ, nhưng sau đó cũng quen, rất tạo điều kiện để tôi thực hiện những nghi lễ tôn giáo của mình”, Amin kể.
Chàng trai cho hay, người theo đạo Hồi phải hành lễ, cầu nguyện 5 lần mỗi ngày, sử dụng lịch riêng. Trước khi hành lễ, mỗi tín đồ đều cẩn trọng tìm một không gian thật sạch sẽ, rửa tay, chân, mặt để thanh tẩy cơ thể, tâm trí.
Đôi lúc công ty có những cuộc họp khẩn cấp, buộc phải bỏ lỡ giờ hành lễ thì Amin sẽ cầu nguyện “bù” ở nhà.
“Có một quy định là trong giờ cầu nguyện, nếu đang đi ngoài đường mà nghe tiếng chuông từ thánh đường, tín đồ Hồi giáo phải chạy ngang đến đó để hành lễ. Chuyện này tôi đã gặp nhiều lần, dù có đang bận rộn công việc cỡ nào tôi cũng nghiêm túc thực hiện”, Amin nói.
Hah Sanat (26 tuổi, ngụ tại quận 8), nhân viên của một khách sạn ở TPHCM, cho hay cô cũng thông báo trước cho người quản lý về những hoạt động tín ngưỡng của mình.
“May mắn, người quản lý rất thấu hiểu, tôn trọng. Các đồng nghiệp còn dọn sạch một chỗ trống ở khách sạn để tôi có thể cầu nguyện khi đến giờ hành lễ”, Sanat cho hay.
Kỷ niệm đáng nhớ nơi công sở
Theo Sanat, giáo luật quy định việc uống rượu, bia, ăn thịt heo là điều tối kỵ đối với tín đồ Hồi giáo. Ngoài ra, người theo đạo Hồi cũng chỉ ăn hải sản và thịt động vật được chính tay các tín đồ Hồi giáo giết mổ.
Vì thế, Sanat luôn tự nấu đồ ăn ở nhà mang đến công ty. Điều này tạo cho cô thói quen ít có những bữa ăn, cuộc vui bên ngoài với đồng nghiệp.
Đặc biệt, cô gái càng hạn chế ra ngoài cùng đồng nghiệp, bạn bè khi bước vào tháng Ramadan – tháng nhịn chay (diễn ra trong vòng 1 tháng, năm nay bắt đầu từ ngày 11/3). Vào tháng này, cô sẽ không ăn, uống từ 5h đến 18h10.
Thời gian đầu, Sanat không ít lần cảm thấy mệt mỏi, choáng váng giữa buổi làm việc. Thế nhưng, chỉ ít ngày là cô có thể làm quen với lịch sinh hoạt, cảm giác mệt mỏi cũng không còn.
Với Amin, anh chia sẻ bản thân chưa từng uống một giọt rượu, bia nào. Ngay cả khi tham gia những bữa tiệc liên hoan với toàn công ty, anh cũng chỉ uống nước lọc, ăn hải sản. Nếu không, chàng trai chấp nhận để bụng đói, về nhà mới ăn.
“Tôi tôn trọng những người xung quanh nên vẫn sẽ đến. Tuy nhiên, tôi cũng không thể yêu cầu mọi người phải ăn theo ý mình hay bỏ thời gian chuẩn bị cho mình một phần ăn riêng. Mọi người cũng thấu hiểu và thường để tôi về nhà sớm, dùng bữa với gia đình”, Amin bộc bạch.
Amin kể, một người đồng nghiệp từng muốn đãi anh ăn gà trong một dịp anh đến thăm nhà. Vì không thể ăn thịt do người ngoại đạo giết mổ, chàng trai liền nảy ra ý tưởng tự tay làm thịt gà, rồi để người đồng nghiệp chế biến.
“Khoảnh khắc đó vô tình cho tôi một kỷ niệm vui, đáng nhớ trong quá trình đi làm. Nhiều người lo rằng những quy định nghiêm ngặt sẽ khiến tôi cảm thấy bất tiện, nhưng thực tế, tôi rất thoải mái và tự hào về tín ngưỡng của mình. Vui hay buồn thì tùy thuộc vào suy nghĩ của mỗi người thôi”, Amin tâm niệm.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm