Chungxiang (52 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) là một lao công cho các trung tâm mua sắm, tòa nhà chính phủ và các văn phòng cao cấp tại Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông.
Những lao công như bà Chungxiang đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn vệ sinh, bảo trì và vận hành thành phố, nhưng thường bị xem là người “vô hình”. Nhìn những văn phòng luôn bóng bẩy, sạch sẽ, hiếm có ai nghĩ đến cảnh người lao công đã phải hì hục dọn dẹp chất bẩn với rất nhiều tâm sức.
Hằng ngày, bà Chungxiang bắt đầu công việc với 30 dụng cụ dọn dẹp khác nhau như cây lau nhà, xô, đồ hốt rác, máy hút bụi, máy làm sạch bằng hơi nước nhiệt độ cao,…
Chiếc xô đựng tất cả những dụng cụ của bà nặng gần 5 kg. Việc mang vác nó suốt thời gian làm việc khiến bà bị đau vai, đến mức có lúc không với tay mở được cửa kính cầu thang trong tòa nhà.
Vào ca làm việc buổi sáng, bà Chungxiang thường bắt đầu bằng công việc xịt và lau sạch bệ của những chiếc bồn cầu, gương, tường và khung cửa. Dù vết bẩn có “cứng đầu” đến đâu, bà vẫn phải dốc sức dọn cho sạch.
Sau đó, bà sẽ đổ chất khử trùng vào từng bồn cầu và chà rửa chúng. Bà Chungxiang được yêu cầu phải hoàn thành việc vệ sinh 24 chiếc bồn cầu trước 9h, trung bình 3 phút/bồn cầu. Vì thế, cô chấp nhận không đeo găng tay cao su để làm việc linh hoạt hơn.
Theo nữ lao công, bồn cầu không phải nơi dơ bẩn nhất đối với bà mà chính là thùng rác trong nhà vệ sinh. Đó là nơi mà một số người thẳng tay đổ thức ăn thừa, lá trà ướt, vỏ trái cây hòa lẫn với những thứ rác khác. Vào cuối ngày, rác trong thùng sẽ bắt đầu phân hủy, tạo thành thứ nước thối rữa chảy ra mỗi khi bà Chungxiang vào thay túi.
Đối với bà, điều tệ nhất chính là những cốc trà sữa bị uống dở rồi vứt đi. Trà sữa sẽ tụ lại thành thứ chất lỏng đặc sệt, rỉ ra dính vào các thứ rác khác và nhỏ giọt xuống thảm. Những lần như vậy, nữ lao công bất lực đến mức bật khóc.
Dù dốc sức dọn dẹp sạch sẽ đến mức nào, bà Chungxiang vẫn không tránh được nhiều lần bị trách mắng vô lý.
“Trong lúc nghỉ trưa, ăn cơm, tôi bị phàn nàn là để bệ ngồi của bồn cầu dính một ít nước. Sự thật là trước đó, tôi đã cố chờ một người đi vệ sinh để vào dọn dẹp trước khi nghỉ trưa.
Tôi chờ rất lâu, thậm chí gõ cửa nhưng vẫn bị phớt lờ. Vì thế, tôi đã bỏ cuộc và rời đi”, cô giải thích, dù bản thân dọn dẹp cả buổi sáng nhưng vẫn bị khiển trách nếu một vết bẩn xuất hiện trong giờ nghỉ trưa của mình.
“Hãy thông cảm cho chúng tôi. Nếu bạn ở trong phòng vệ sinh và nghe thấy lao công gõ cửa, hãy nhanh lên và đừng để họ phải chờ”, bà Chungxiang tha thiết, nói.
Theo nữ lao công, có nhiều nhân viên trẻ tuổi còn vào nhà vệ sinh ngồi hơn 30 phút để né tránh áp lực hoặc thậm chí là lén nộp đơn xin việc ở công ty khác, khiến công việc dọn dẹp của cô gặp trở ngại.
Tuy nhiên, bà Chungxiang không được phép góp ý trực tiếp với họ vì sẽ vi phạm quy tắc ứng xử của nhân viên vệ sinh. Hiệu suất của một lao công được đánh giá bằng một hệ thống kỷ luật phức tạp. Mọi thứ không chỉ dừng lại ở yêu cầu về đồng phục, quy tắc ứng xử mà còn quy định về hành vi, bao gồm biểu cảm khuôn mặt, dáng đi, tư thế khi ngồi,… với hơn 100 điều phải ghi nhớ.
Họ không được nói to, sử dụng điện thoại trong giờ làm việc. Bà Chungxiang đã nhiều lần từ chối các cuộc gọi khẩn cấp từ người thân ở quê nhà. Tùy thuộc vào thời gian trong ngày, lao công còn bị bắt phải xưng hô, chào hỏi kính trọng với những người trong tòa nhà dù họ có nhỏ tuổi hơn.
Dù công việc vô cùng áp lực và vất vả, những lao công như Chungxiang lại được trả mức lương rất thấp so với công sức của họ.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm