

Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
by admin
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
by admin
Được ứng trước thưởng Tết
“Dịp lễ Quốc khánh 2/9, công ty tôi thưởng 500.000 đồng/nhân viên. Đặc biệt, chúng tôi được ứng trước 1/3 thưởng Tết nếu người lao động có nhu cầu. Vì dịp này rơi vào đầu tháng nên nhân viên cũng được ứng trước một nửa tiền lương tháng 9 trước kì nghỉ”, chị Đào Tuệ Mẫn (Hà Nội) chia sẻ.
Đến nay, chị Tuệ Mẫn đã làm việc được 1 năm tại một công ty phát triển phần mềm ở Hà Nội. Thời điểm tuyển dụng vào vị trí quản lý khách hàng nước ngoài, chị cũng phải trải qua vòng xét tuyển, phỏng vấn cạnh tranh gay gắt. Do là công ty cung cấp dịch vụ công nghệ nên vị trí như của chị Mẫn có tỷ lệ đào thải nhân sự rất lớn.
Tuy nhiên, khi chính thức làm việc, nữ nhân viên tự hào vì môi trường chuyên nghiệp, chế độ đãi ngộ tốt. Đây cũng chính là động lực giúp người lao động không ngừng cống hiến cho đơn vị.
Nhiều lao động được nghỉ 4 ngày liên tiếp dịp lễ Quốc khánh 2/9 (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).
Điển hình như dịp lễ Quốc khánh 2/9, chị được nghỉ trọn vẹn 4 ngày liên tiếp, bao gồm 2 ngày nghỉ lễ và 2 ngày nghỉ hằng tuần. Bên cạnh đó, công ty “khá tâm lý” khi tạo điều kiện cho người lao động ứng trước lương, thưởng Tết.
Thông thường trước mỗi kỳ nghỉ lễ, bộ phận nhân sự sẽ xem xét lịch nghỉ và tiến hành khảo sát ý kiến của nhân viên để đưa ra những chế độ đãi ngộ phù hợp cho từng đợt nghỉ.
Chính vì vậy, năm nay, người lao động có thể ứng lương tháng 9 trước kỳ nghỉ và ứng trước thưởng Tết. Dịp này, chị Tuệ Mẫn cũng ứng trước 1/3 thưởng Tết của mình để thực hiện chi tiêu cá nhân, gia đình trong dịp nghỉ lễ dài ngày.
Theo chị Tuệ Mẫn, vì chưa lập gia đình, nên đến Tết Nguyên đán chị chưa phải chi tiêu quá nhiều. Cho nên, việc ứng trước thưởng Tết đợt này không ảnh hưởng quá nhiều đến tài chính dịp cuối năm.
Bên cạnh đó, nữ nhân viên này cũng khá hài lòng với những chế độ đãi ngộ khác của công ty đang làm việc như bắt đầu làm việc 8-9h và kết thúc lúc 15h30-18h30. Bên cạnh đó, công ty cho phép nhân viên có thể làm việc từ xa 8 tiếng/tháng và quỹ thời gian đi muộn của nam là 90 phút và nữ là 180 phút.
Lao động này cho rằng đây là những chế độ khiến nhân viên hài lòng về công ty. Từ đó, người lao động yên tâm làm việc, cống hiến hơn nữa.
Nhận thưởng dịp lễ Quốc khánh 3 triệu đồng
Dịp lễ Quốc khánh 2/9, chị Chiều Xuân, đang làm việc tại công ty về lĩnh vực sản xuất và kinh doanh thực phẩm ăn liền ở Bắc Ninh, cũng được nghỉ 3 ngày liên tiếp. Đặc biệt, chị mới nhận được thông báo mỗi nhân viên sẽ được nhận thưởng 3 triệu đồng dịp lễ này.
Theo đó, nhân sự làm việc đủ 1 năm trở lên sẽ được thưởng 3 triệu đồng, người làm dưới 2 năm được thưởng 50-70% mức trên.
Làm việc ở bộ phận sản xuất 7 năm, đây là năm đầu tiên công ty áp dụng chế độ thưởng lên đến 3 triệu đồng. Trước đó, công ty duy trì mức thưởng 2 triệu đồng/nhân viên.
Nhiều công ty thưởng cho người lao động dịp này (Ảnh minh họa: Tiến Tuấn).
Ngoài dịp lễ Quốc khánh 2/9, các dịp lễ khác theo quy định đều có chế độ thưởng cho người lao động như: dịp nghỉ lễ Ngày Chiến thắng, Quốc tế lao động, thành lập công ty, nghỉ Tết…
“Mới đây, công ty tổng kết 6 tháng đầu năm, chúng tôi cũng nhận được 1 tháng lương cơ bản, kết thúc 6 tháng cuối năm cũng thưởng tương tự. Ngoài ra, công ty sẽ thưởng Tết Nguyên đán bằng 2 tháng lương cơ bản và theo xếp loại từng cá nhân”, chị Xuân chia sẻ.
Tại khu vực tỉnh Bắc Ninh, mức lương của lao động tại công ty chị Xuân đang được chi trả cao hơn nhiều doanh nghiệp khác. Cùng với chế độ đãi ngộ tốt, nhiều lao động gắn bó với công ty 10-20 năm.
Theo quy định của Luật Lao động, người sử dụng lao động sẽ căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động để thưởng cho người lao động.
Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động.
Việc thưởng trong đợt lễ Quốc khánh 2/9 cho người lao động hoàn toàn không mang tính bắt buộc. Công ty quyết định việc thưởng hay không dựa trên kết quả, tình hình sản xuất, kinh doanh và thực hiện theo Quy chế thưởng do công ty công bố.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
by admin
Trân quý ngày nghỉ Tết Trung thu
“Tôi chưa làm việc ở nơi nào có số ngày nghỉ lễ, Tết nhiều nhưng công ty đang làm hiện nay”, chị Nguyễn Thị Thùy Linh chia sẻ đầy tự hào.
Hai năm trước, trong quá trình tìm kiếm việc làm, chị Linh ấn tượng với một thông tin tuyển dụng có số ngày nghỉ lên đến 20 ngày/năm. Ngay lập tức, lao động này đã gọi điện cho bộ phận tuyển dụng của công ty để trao đổi kỹ lưỡng hơn về yêu cầu công việc, lương và chế độ đãi ngộ.
Khá ưng ý với môi trường làm việc, đúng với chuyên ngành đào tạo…, chị mạnh dạn ứng tuyển. Sau khi trải qua vòng tuyển dụng khắt khe, chị chính thức làm việc ở vị trí kỹ sư phát triển phần mềm tại công ty nghiên cứu và phát triển (R&D) trong lĩnh vực ô tô điện tại Việt Nam.
Thông báo tuyển dụng của công ty với 20 ngày nghỉ/năm (Ảnh chụp màn hình).
Đầu năm, mỗi nhân viên sẽ nhận được thông báo qua email về số ngày nghỉ lễ, Tết. Bên cạnh 12 ngày phép, nữ kỹ sư còn được nghỉ 8 ngày riêng biệt của công ty gồm 4 ngày nghỉ mát liên tiếp, Tết Trung thu, lễ Giáng sinh, sinh nhật tập đoàn và công ty. Như vậy, số ngày nghỉ tại công ty nhiều hơn 8 ngày so với quy định của Bộ luật Lao động.
Đó là chính sách áp dụng tại chi nhánh của công ty ở Đà Nẵng, người lao động này thông tin thêm, những chi nhánh khác trên toàn quốc cũng hưởng đãi ngộ tương tự.
Gia đình chị Linh rất coi trọng dịp Tết Trung thu. Trong ký ức của chị, ngày Trung thu mang ý nghĩa của sự đoàn viên, được rước đèn, phá cỗ, trông trăng rất thú vị.
Khi gia đình có con nhỏ, chị càng muốn lưu giữ những nét truyền thống và để các bé có những trải nghiệm ý nghĩa, ký ức đẹp tuổi thơ. Vì vậy, được nghỉ ngày này, chị có thời gian nhiều hơn để chuẩn bị chu tất mọi thứ, cùng gia đình quây quần bên nhau.
Theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, Tết Trung thu không phải là dịp nghỉ lễ trong năm, không bắt buộc doanh nghiệp phải cho người lao động nghỉ trong ngày này.
Song, nhiều doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam cũng bố trí cho người lao động nghỉ, hưởng nguyên lương trong dịp này. Đây là phúc lợi động viên họ làm việc, cống hiến cho công ty.
Lao động Việt tại Hàn Quốc nghỉ 5 ngày
Nếu Tết Trung thu tại Việt Nam dành cho thiếu nhi thì đây lại là dịp lễ quan trọng của Hàn Quốc. Anh Thái Thành (quê ở Nam Đàn, Nghệ An) trải qua 4 kỳ nghỉ Tết Trung thu khi làm việc tại đất nước này.
Sau khi tốt nghiệp đại học, anh Thành có thời gian đầu quân cho công ty tại Việt Nam. Tuy nhiên, với mong mỏi gia tăng thu nhập hơn nữa, anh quyết tìm kiếm công việc đúng chuyên ngành đào tạo về điện ở nước ngoài.
Sau khi nộp hồ sơ, anh phải trải qua vòng sơ tuyển gắt gao với tỷ lệ chọn rất thấp 1/10. Sau khi trúng tuyển, anh Thành phải chờ đợi 1 năm ròng mới đặt chân tới đất Hàn, làm việc với vị trí kỹ sư điện tại một công ty con của tập đoàn đóng tàu.
Anh Thái Thành (giữa) gặp gỡ bạn bè trong những dịp nghỉ lễ (Ảnh: NVCC).
Bên cạnh mức lương khoảng 50 triệu đồng/tháng, nam kỹ sư điện cũng được hưởng nhiều chế độ đãi ngộ hấp dẫn khác. So với Việt Nam, số ngày nghỉ lễ, Tết tại Hàn Quốc nhiều hơn.
Một năm anh có 3 kỳ nghỉ, gồm một nghỉ hè kéo dài 9 ngày, nghỉ Tết Trung thu 5 ngày và nghỉ Tết Âm lịch cũng trọn vẹn 5 ngày. Như vậy, số ngày nghỉ lễ, Tết nhiều hơn 7 ngày so với ở Việt Nam.
Riêng về nghỉ Tết Trung thu, anh Thành cho biết, có những năm được nghỉ từ 12-16 tháng 8 âm lịch, năm lại từ 13-17. Năm nay, 2024, anh đã nhận thông báo nghỉ hưởng nguyên lương từ 12 đến 16 tháng 8 âm lịch, tương đương 14-18/9 dương lịch.
Trong những ngày nghỉ này, lao động Việt Nam tại Hàn Quốc thường tổ chức liên hoan, gặp gỡ hoặc đi du lịch. Đây cũng là dịp mà anh Thành nghỉ ngơi, thư giãn sau chuỗi ngày làm việc. Người lao động cũng có thời gian nhiều hơn để thăm bạn bè, tìm hiểu về văn hóa tại đất nước mình đang làm việc.
Theo quy định tại điều 112 Bộ luật Lao động năm 2019, từ năm 2021, người lao động có tất cả 11 ngày nghỉ lễ, tết và được hưởng nguyên lương.
Cụ thể: Tết Dương lịch nghỉ 1 ngày (ngày 1/1); Tết Nguyên đán nghỉ 5 ngày, Giỗ tổ Hùng Vương nghỉ 1 ngày (ngày 10/3 âm lịch), Chiến thắng 30/4 nghỉ 1 ngày – Quốc tế lao động nghỉ 1 ngày (ngày 1/5), Quốc khánh nghỉ 2 ngày (ngày 2/9 và 1 ngày liền kề trước hoặc sau).
Thời gian tới đây, dịp nghỉ lễ Quốc khánh năm 2024, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sẽ nghỉ 4 ngày, kéo dài từ thứ bảy (ngày 31/8) đến hết thứ ba (ngày 3/9).
Đối với người lao động không phải là công chức, viên chức, người sử dụng lao động quyết định lựa chọn phương án nghỉ lễ Quốc khánh năm 2023.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
by admin
Vào dịp Tết Đoan Ngọ (ngày 5/5 âm lịch), thời tiết tại Nghệ An trở nên nắng nóng, cũng là lúc mùa màng được thu hoạch và lúa mới gieo xong. Do đó, người dân nơi đây thường mua vịt về chế biến các món ăn giải nhiệt và cúng Tết Đoan Ngọ.
Đặc biệt, tại một số địa phương của Nghệ An, Tết Đoan Ngọ còn là dịp để các chàng rể báo hiếu bố mẹ vợ bằng những món quà như chai rượu và cặp vịt, tạo nên không khí gia đình ấm cúng.
Tại các chợ quê, vịt trở thành mặt hàng không thể thiếu bên cạnh các loại hoa quả để phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp tết này.
Anh Cao Văn Hiến chuẩn bị 500 con vịt cho dịp Tết Đoan Ngọ (Ảnh: Hoàng Lam).
Từ sáng sớm, anh Cao Văn Hiến (xóm 8, xã Nghi Kim, thành phố Vinh, Nghệ An) cùng vợ bắt vịt bỏ vào lồng, chia nhau tới các chợ gần nhà để bán.
Anh Hiến mang khoảng 50 con vịt đến chợ Già (xã Hưng Tây, Hưng Nguyên, Nghệ An), thả vào khung lưới rộng hơn. Những con vịt béo múp, chạy khắp chuồng, kêu quang quác khi bị khách tóm cổ xách lên.
“Ngày hôm qua (9/6) tôi bán được hơn 100 con. Hôm nay chính lễ Tết Đoan Ngọ, hi vọng bán được nhiều hơn”, anh Hiến chia sẻ.
Để chuẩn bị cho dịp này, anh Hiến đã nuôi vịt từ 3 tháng trước. Loài vịt super Đại Xuyên, thịt ngon, mềm, nạc nhiều, được nuôi theo hình thức thả đồng nên lớn nhanh. Sau 3 tháng, vịt đạt trọng lượng 2,4-2,7kg/con.
Nhu cầu chế biến các món ăn từ vịt tăng cao trong ngày Tết Đoan Ngọ (Ảnh: Hoàng Lam).
Điều đặc biệt là anh Hiến không bán vịt theo trọng lượng mà bán “quạ”. Khách chỉ con vịt nào, anh Hiến tóm cổ xách lên. Khách dựa vào kinh nghiệm của mình để kiểm tra vịt béo hay nhiều nạc. Vịt to được bán với giá 150.000 đồng/con, vịt nhỏ có giá 140.000 đồng hoặc tùy theo tài mặc cả của khách.
Khoảng giữa buổi, khi đàn vịt trong chuồng đã bán gần hết, anh Hiến gọi điện về nói vợ chở vịt đến. “Vào dịp Tết Đoan Ngọ, nhu cầu ăn thịt vịt thường tăng cao. Tôi hi vọng có thể bán hết cả đàn vịt trong vài ba ngày”, anh Hiến cho hay.
Vợ chồng anh Nguyễn Minh Tâm (trú xã Hưng Đông) nuôi 1.000 con vịt, nhưng chỉ xuất bán 1/4 cho dịp Tết Đoan Ngọ. Khác với anh Hiến, anh Tâm nuôi vịt bầu đất, trọng lượng của mỗi con trưởng thành thấp hơn, khoảng hơn 2kg/con.
“Sau hơn 2 tháng, vịt có thể xuất chuồng. Bán vào dịp Tết Đoan Ngọ, giá nhỉnh hơn ngày thường, tầm 130.000 đồng/con nhưng tôi nuôi nhiều nên chủ yếu bán sỉ hoặc nhập cho các nhà hàng”, anh Tâm chia sẻ.
Tại huyện Thanh Chương (Nghệ An), nhu cầu mua vịt của người dân cũng tăng cao trong dịp Tết Đoan Ngọ. Anh Lê Văn Luật (xã Thanh Liên, Thanh Chương) nuôi gần 100 con vịt cỏ để bán.
“Giống vịt cỏ nuôi lâu hơn nhưng bù lại thịt ngon, nhiều nạc, mềm. Mỗi con đạt trọng lượng trên dưới 3kg, chúng tôi bán 65.000 đồng/kg”, anh Luật cho biết.
Chỉ trong nửa buổi sáng, anh Luật đã bán hết đàn vịt của mình. Hầu hết khách mua theo cặp để về chế biến món vịt xáo măng và tiết canh giải nhiệt trong ngày nắng nóng.
Các món ăn chế biến từ vịt tại các cửa hàng ở TP Vinh hút khách ngày Tết Đoan Ngọ (Ảnh: Hoàng Lam).
Tại thành phố Vinh, để đáp ứng nhu cầu tăng cao, các nhà hàng cũng chuẩn bị các món ăn về vịt trong ngày Tết Đoan Ngọ.
Anh Nguyễn Minh Tuấn, quản lý một nhà hàng khá nổi tiếng ở thành phố Vinh, cho biết trong ngày Tết Đoan Ngọ, nhà hàng chuẩn bị 100 con vịt để phục vụ thực khách.
“So với ngày thường, trong Tết Đoan Ngọ nhu cầu về các món vịt tăng gấp 3 lần. Chúng tôi chủ yếu phục vụ món vịt quay và vịt ủ thảo quả. Riêng món vịt ủ thảo quả lần đầu tiên được thực hiện, nên lượng khách hàng mua nhiều hơn”, anh Tuấn chia sẻ.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
by admin
Cơ sở bán ú tro của gia đình ông Lê Phước Á tại làng Hoán Mỹ (khu Song Mỹ, thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc) đã hoạt động hơn 30 năm nay. Từ mùng 1/5 âm lịch, cả gia đình ông đã rộn ràng đắp lò, ngâm nếp, làm sạch lá… để kịp gói bánh cung ứng ra thị trường trong và ngoài tỉnh Quảng Nam.
Theo ông Á, bánh ú tro được làm từ gạo nếp quê ngâm với nước tro (được lắng từ tro mè). Nếp sau khi ngâm 8 tiếng có màu hơi ngả vàng. Lá để gói bánh được đặt mua từ vùng núi cao huyện Phước Sơn, Đông Giang rồi đem về được phơi nắng, cắt gọn và làm sạch.
Bánh ú tro ở Quảng Nam tất bật vào vụ Tết Đoan Ngọ
Sau khi gói xong, bánh được nấu chín trong khoảng 4-5 giờ để đảm bảo được độ dẻo đặc trưng.
“Công đoạn từ chuẩn bị lá, nguyên liệu đến gói bánh đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo. Dự kiến dịp Tết Đoan Ngọ năm nay, gia đình cung ứng khoảng 40.000 bánh các loại gồm không nhân và có nhân ra thị trường”, ông Á chia sẻ.
Người dân làng Hoán Mỹ tất bật làm bánh ú tro phục vụ thị trường Tết Đoan Ngọ (Ảnh: Ngô Linh).
Hiện nay, ở làng Hoán Mỹ có hơn 70 hộ làm nghề gói bánh ú tro dịp Tết Đoan Ngọ và các dịp ngày rằm, mùng 1 (âm lịch) hằng tháng. Tuy nhiên, dịp Tết Đoan Ngọ và Tết Nguyên đán, lượng bánh được tiêu thụ mạnh nhất.
Đa phần số lượng bánh ú tro cả làng sản xuất đều có bạn hàng đặt trước để bỏ mối ở các chợ. Theo người dân làng Hoán Mỹ, thời điểm này, ai có việc riêng cũng thường tạm gác lại, tập trung cho việc gói bánh phục vụ ngày 5/5 âm lịch.
Dịp Tết Đoan Ngọ, mỗi cơ sở cung ứng từ vài chục nghìn đến cả trăm nghìn bánh tùy quy mô (Ảnh: Ngô Linh).
Các cơ sở cũng huy động tối đa thợ gói bánh để có thể cung ứng đủ số lượng cho khách hàng. Đa phần những thợ bánh này là các bà nội trợ, học sinh, sinh viên đang dịp nghỉ hè muốn kiếm thêm thu nhập. Tiền công được tính theo sản lượng, 1.000 bánh được trả công 300.000 đồng.
Ông Lê Phước Thiện (làng Hoán Mỹ) cho hay, cận Tết Đoan Ngọ, ông phải thuê nhiều người gói mới kịp giao cho khách. Năm nay, cả làng ai nấy đều phấn khởi vì lượng bánh được khách đặt mua khá nhiều. Bánh làm bao nhiêu bán hết bấy nhiêu.
Bánh ú tro được nấu trong khoảng 4-5 giờ đồng hồ để đảm bảo độ dẻo đặc trưng (Ảnh: Ngô Linh).
Bánh ú tro được tiêu thụ khắp các địa phương trong tỉnh Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng… Dù trải qua nhiều giai đoạn lịch sử nhưng người dân xứ Quảng vẫn cố gắng giữ gìn, duy trì nghề làm bánh ú tro truyền thống vào mỗi dịp Tết Đoan ngọ.
Đây không chỉ là nghề giúp cải thiện thêm thu nhập, mà còn thể hiện nét văn hóa ẩm thực lưu truyền bao thế hệ, đặc trưng của người dân Quảng Nam.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
☀ 100% thông tin việc làm được xác thực và kiểm duyệt chặt chẽ
☀ Kết nối nhanh với nhà tuyển dụng, tìm kiếm việc làm dễ dàng
☀ Công cụ hỗ trợ đầy đủ với nhiều mẫu CV đẹp mắt, thông báo việc làm tiện lợi
☀ Tổng đài tư vấn dành riêng cho Người tìm việc
☀ Hàng triệu ứng viên chất lượng
☀ Thông tin hồ sơ ứng viên được kiểm duyệt chặt chẽ, phân loại xác thực theo số điện thoại
☀ Cam kết với chế độ bảo hành chất lượng tuyển dụng
☀ Chăm sóc và tư vấn 1 - 1 với chuyên viên tư vấn
Điền Email mai của bạn để nhận thông báo Việc Làm mới nhất từ Website của chúng tôi