Bán hàng “đã tay”
“Còn rau cải, rau ngót không?”, người phụ nữ trung niên dừng xe trước cửa hàng của gia đình chị Hảo hỏi.
Chị lắc đầu báo đã hết sạch rau xanh, chỉ còn vài kg khoai tây sót lại. Từ sáng đến giờ, chị Trần Thị Hảo – tiểu thương bán hàng ở quận Ba Đình (Hà Nội) – không kịp thở vì quá đông khách hàng đến mua thịt, rau tích trữ trước siêu bão số 3 có tên quốc tế Yagi.
Theo dự báo thứ bảy bão sẽ đổ bộ vào đất liền, chiều hôm trước, chị đã nhập hàng để bán nhiều hơn mọi khi khoảng 30kg rau, 10kg thịt. Bởi chị lường trước được có thể người dân mua hàng tích trữ trong vài ngày mưa bão.
Quả như dự đoán, 7h hôm nay, rất nhiều người dân sinh sống trong khu vực này đã đến mua hàng. Quay cuồng cân đong, gói ghém, tính tiền từ sáng sớm, chị Hảo có lúc không kịp ngẩng đầu lên để thở.
Bình thường, tiểu thương này bán hàng khá chậm, chưa kể nhiều hôm ế ẩm. Hôm nay, chị có thể dọn dẹp cửa hàng để trở về quê Mê Linh nghỉ ngơi.
“Nếu mai mưa bão lớn, có thể tôi cũng đóng cửa, không bán hàng. Tôi nhập hàng rau, thịt tại quê nhà ở Mê Linh. Sau đó vận chuyển xuống đây để bán lẻ cho người dân”, chị Hảo chia sẻ.
Bán hàng hơn 10 năm tại đây, tiểu thương này cũng nắm được nhu cầu mua bán của người dân trước những diễn biến thời tiết bất thường. Chính vì vậy, chị đã chủ động trong việc nhập và phân phối hàng hóa.
Theo chị Hảo, người tiêu dùng cũng rất thông thái. Họ theo sát giá cả mỗi ngày, nếu biết được tiểu thương tăng giá đột biến trước bão sẽ không tiếp tục mua nữa. Chính vì vậy, muốn giữ khách chị phải bán đúng giá, không được “té nước theo mưa” trong những dịp này.
Người dân mua nhiều hơn mọi khi
Sáng nào cũng vậy, vợ chồng chị Ngọc Lan ngồi chen chúc trên chiếc xe máy thồ thịt lợn, thịt gà từ Đan Phượng đến chợ Ngọc Hà (Hà Nội) để bán.
Hôm nay, chị mang theo 20kg thịt lợn, gần 10kg thịt gà bày bán từ sáng sớm. Lượng khách ghé qua sạp hàng của chị ngày càng đông. Đắt hàng, chị bán hết sớm và dọn dẹp trở về quê nhà.
Có những ngày vắng khách, tiểu thương này ngồi xây xẩm mặt mày đến chiều muộn vẫn chưa bán hết hàng. Trước thông tin siêu bão sắp đổ bộ, người dân ồ ạt đi mua đồ ăn nhiều hơn, tích trữ cho 2-3 ngày tới.
“Bình thường, nhiều người họ chỉ mua 5 lạng, 1kg thịt về ăn trong ngày. Nhưng hôm nay có những ngày mua 2-3kg thịt một lúc. Chính vì vậy tôi hết hàng sớm hơn mọi khi”, chị Lan chia sẻ.
Ngày nào cũng vậy, chị dậy từ 4h để đến lò mổ lấy hàng. Sau đó vợ chồng đèo nhau trên chiếc xe máy cà tàng xuống phố trung tâm bán hàng. Ngày mai bão về, chị phải căn cứ tình hình thời tiết cụ thể mới quyết định tiếp tục bán hay nghỉ.
Bởi quãng đường 30km di chuyển, vợ chồng chị phải đi qua không ít đoạn tắc, ngập. Để đảm bảo an toàn cho bản thân, chị phải theo sát thông tin dự báo về thời tiết.
Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khuyến cáo người dân trước khi bão đổ bộ cần thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo bão; giữ liên lạc giữa tàu, thuyền và đất liền.
Đặc biệt, người dân cần gia cố, chằng chống nhà cửa, cắt tỉa cành cây; xác định vị trí an toàn để trú ẩn; chủ động sơ tán khỏi các nhà không đảm bảo an toàn, vùng ven biển, cửa sông đề phòng nước dâng; bảo vệ lồng bè, tài sản, gia súc, gia cầm; tranh thủ thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp.
Bên cạnh đó, người dân cần dự trữ nước uống, lương thực thực phẩm, thuốc men, các vật dụng cần thiết đủ để dùng ít nhất 7 ngày; đề phòng mưa, lũ, lũ quét trước, trong và sau bão; chấp hành sự chỉ đạo của chính quyền.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm