Đây là thông tin đáng chú ý trong “Báo cáo nghề nghiệp kế toán, kiểm toán trong bối cảnh mới” được Navigos Group công bố ngày 12.7.
Báo cáo dựa trên thống kê dữ liệu của 128 trường đại học, 7 chi nhánh đào tạo nhóm ngành kế toán, kiểm toán trên cả nước và kết quả khảo sát của 471 doanh nghiệp, hơn 800 cá nhân làm việc trong lĩnh vực này.
Theo báo cáo, công nghệ tác động rõ rệt đến doanh nghiệp và cá nhân người làm công tác kế toán, kiểm toán. Có 78,2% doanh nghiệp và 83,4% cá nhân người làm công tác kế toán, kiểm toán được khảo sát đánh giá ảnh hưởng của sự phát triển công nghệ đến nghề nghiệp ở mức độ quan trọng và rất quan trọng.
Báo cáo chỉ ra rằng nhu cầu tuyển dụng trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán còn khá hạn chế. Có tới 44,2% doanh nghiệp được khảo sát cho biết chưa có nhu cầu tuyển dụng kế toán, kiểm toán trong năm 2024.
Tuy nhiên, phân tích nhu cầu tuyển dụng theo quy mô doanh nghiệp thì các doanh nghiệp có quy mô lớn hơn có nhu cầu tuyển dụng cao hơn. Cụ thể là 64,1% doanh nghiệp có quy mô từ 100 đến dưới 1.000 lao động có kế hoạch tuyển dụng trong năm tới và con số này ở các doanh nghiệp quy mô trên 1.000 lao động là 66,7%.
Nhu cầu tuyển dụng tập trung vào nhân viên và trưởng nhóm, giám sát. Sinh viên mới ra trường không được quan tâm nhiều, chỉ có 7,2% doanh nghiệp được khảo sát cho biết có nhu cầu này.
Công việc cần tuyển trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán được rải khá đều cho các lĩnh vực. Các doanh nghiệp nhỏ có khuynh hướng tuyển nhiều về kế toán tài chính và kế toán thuế. Trong khi đó, các doanh nghiệp có quy mô lớn hơn quan tâm đến kế toán quản trị, quản trị rủi ro và kiểm soát nội bộ.
Đáng chú ý, khá nhiều doanh nghiệp cho biết thách thức họ gặp phải là ứng viên không đáp ứng yêu cầu chuyên môn (54,6%). Rất ít doanh nghiệp gặp khó khăn do không đủ ứng viên (7,2%) hoặc cạnh tranh giữa các nhà tuyển dụng (8,7%).
Bên cạnh mối quan tâm thường trực về sự thay đổi các quy định nghề nghiệp, người làm công tác kế toán, kiểm toán còn lo lắng đến các vấn đề liên quan đến cuộc sống như: cắt giảm nhân sự (62,3%) và chi phí cho cuộc sống (57,1%).
Mặc dù chỉ có 9,6% người được hỏi cho biết họ chắc chắn thay đổi công việc trong thời gian tới nhưng có đến 41,7% trả lời sẽ thay đổi khi có điều kiện và 21,6% có nghĩ đến nhưng cho rằng chưa đến thời điểm thích hợp. Chỉ có 16,7% không có ý định và 10,4% chưa có suy nghĩ về vấn đề thay đổi công việc.
Các lý do không hài lòng với công việc hiện tại khá đa dạng bao gồm khối lượng công việc lớn, yêu cầu trách nhiệm cao, thu nhập thấp và không có khả năng phát triển bản thân… Các lý do giữ chân người làm công tác kế toán, kiểm toán với công việc hiện tại cũng rất phong phú; trong đó nổi bật là cân bằng giữa cuộc sống và công việc, cơ hội học hỏi để phát triển năng lực bản thân và sự đam mê nghề nghiệp.
Bà Chu Thị Ngọc Hạnh, Giám đốc Tài chính của Navigos Group, đồng thời là cố vấn của báo cáo, cho biết: “Báo cáo nghề nghiệp kế toán, kiểm toán trong bối cảnh mới mang lại rất nhiều giá trị thực tiễn, không chỉ đối với sinh viên, nhà trường, mà còn dành cho người lao động, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước. Trong đó, điểm đáng chú ý nhất có lẽ là báo cáo đã cho thấy khoảng cách giữa yêu cầu thực tế và đào tạo đối với ngành kế toán, kiểm toán tại Việt Nam”.
Từ kết quả báo cáo, theo bà Hạnh, phía nhà trường có thể nâng cao chất lượng đào tạo, cập nhật bổ sung những yêu cầu mới của doanh nghiệp vào chương trình. Doanh nghiệp có thể cân nhắc hài hòa lợi ích giữa nhà tuyển dụng và người tìm việc. Cả sinh viên và người lao động đều có thể chủ động học hỏi, phát triển thêm các kỹ năng cần thiết để hoàn thiện bản thân, nâng cao lợi thế cạnh tranh của mình trên thị trường lao động.
Lao động – Tin Tức Việc làm