Bộ LĐ-TB-XH đang lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu theo tháng và theo giờ với lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Theo khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia, Bộ LĐ-TB-XH cũng đề xuất tăng 6% lương tối thiểu vùng từ ngày 1.7, cùng với thời điểm cải cách tiền lương của người lao động ở khu vực Nhà nước.
Có 3 điểm người lao động cần lưu ý về mức lương tối thiểu:
1. Mức lương tối thiểu không phải là mức lương đủ sống
Theo quy định hiện nay, mức lương tối thiểu (minimum wage) được hiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường.
Người sử dụng lao động (công ty) không được trả thấp hơn mức lương tối thiểu. Nói cách khác, đây là mức sàn thấp nhất làm căn cứ để thỏa thuận tiền lương giữa người lao động với công ty.
Bộ luật Lao động năm 2019 quy định mức lương tối thiểu nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội. Nhưng lương tối thiểu không phải là lương đủ sống (living wage).
Hiện nay, pháp luật chưa quy định lương đủ sống là gì. Tuy nhiên, theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), lương đủ sống là mức mà người lao động nhận có thể đảm bảo mức sống cơ bản, trang trải những chi phí cần thiết (như thực phẩm đủ dinh dưỡng, nhà ở, chăm sóc sức khỏe, quần áo, đi lại và giáo dục, quan hệ xã hội…) cùng với một khoản tiền tích lũy phòng thân cho bản thân và gia đình.
Hay theo định nghĩa được nêu ra trong báo cáo “Tiền lương không đủ sống và hệ lụy” của Tổ chức Oxfam thì mức lương đủ sống là đủ để người lao động trang trải một mức sống tử tế cho họ và gia đình họ. Mức lương đủ sống không phải là xa xỉ. Đây là mức mà tất cả mọi người làm việc đều cần có để thoát nghèo.
Liên minh Lương đủ sống toàn cầu (Global Living Wage) định nghĩa lương đủ sống là tiền công mà người lao động nhận được cho một tuần làm việc tiêu chuẩn ở một nơi cụ thể đủ để bảo đảm mức sống tử tế cho người lao động và gia đình họ. Các yếu tố của một mức sống tốt bao gồm thực phẩm, nước, nhà ở, giáo dục, y tế, giao thông, quần áo và các nhu cầu thiết yếu khác, bao gồm cả việc dự phòng cho các sự kiện bất ngờ.
Từ các định nghĩa này, có thể hiểu lương tối thiểu chỉ để người lao động tồn tại được và nhằm mục tiêu ngăn chặn bóc lột sức lao động. Trong khi đó, lương đủ sống hướng đến một cuộc sống tử tế và thịnh vượng hơn.
Theo báo cáo của Liên minh Lương đủ sống toàn cầu năm 2023, tại Việt Nam, lương đủ sống ở vùng 1 là hơn 8,6 triệu đồng/tháng; vùng 2 là hơn 7,8 triệu đồng/tháng; vùng 3 là hơn 7,6 triệu đồng/tháng và vùng 4 là hơn 6,1 triệu đồng/tháng.
2. Yếu tố căn cứ
Hiện nay, mức lương tối thiểu được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng, giờ và được điều chỉnh dựa trên các yếu tố sau:
- Mức sống tối thiểu của người và gia đình họ
- Tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường
- Chỉ số giá tiêu dùng
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế
- Quan hệ cung, cầu lao động
- Việc làm và thất nghiệp
- Năng suất lao động
- Khả năng chi trả của doanh nghiệp
3. Cơ quan quy định
Chính phủ sẽ quy định địa bàn vùng áp dụng, dựa trên đề xuất của cấp tỉnh. Đồng thời sẽ quyết định và công bố mức lương tối thiểu trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia.
Lao động – Việc làm | Tổng hợp tin tức việc làm 24h