Bán vài con rùa đủ tiền xây nhà tầng
Căn nhà 3 tầng khang trang của ông Đỗ Hữu Nhung (69 tuổi) nằm sát triền đê xã Thiệu Hợp, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Ông Nhung cho biết, hơn 10 năm trước, ông là một trong 4 người đầu tiên đưa giống rùa câm về nuôi ở xã Thiệu Hợp, mang lại thu nhập hàng tỷ đồng mỗi vụ. Căn nhà hiện tại của ông cũng nhờ nuôi rùa câm mà có.
“Thời đó kiếm tiền tỷ là chuyện bình thường. Nếu ngày ấy tôi bán hết số rùa câm trong trang trại, số tiền thu về có thể xây vài căn nhà cao tầng”, ông Nhung nói.
Năm 1992, trong một lần đi chơi ở huyện Thường Xuân (Thanh Hóa), thấy có giống rùa câm đẹp, ông mua về nuôi chơi. Sau một thời gian, thấy giống rùa này sinh sản, sinh trưởng tốt nên ông xây chuồng trại nuôi rùa kết hợp ba ba.
Đến năm 2009, giống rùa câm bất ngờ được các thương lái Trung Quốc săn mua với giá thành cao, tạo nên cơn sốt rùa ở vùng quê xã Thiệu Hợp.
“Có đợt tôi bán được cả tỷ đồng tiền rùa. Họ thu mua rùa với giá đắt như vàng, 1kg rùa đực có giá 35 triệu đồng, rùa cái giá 25 triệu đồng, bán vài con rùa có thể xây được nhà. Thậm chí, có thời điểm rùa con mới nở được thu mua với giá 3-4 triệu đồng. Ngày ấy kiếm tiền dễ lắm”, ông Nhung kể lại thời kỳ rùa câm là mặt hàng đắt đỏ ở vùng quê nghèo.
Ông Nhung cho biết “cơn sốt” rùa câm kéo dài khoảng 5 năm (2009-2014). Thời điểm đó, thấy rùa câm được thương lái Trung Quốc tìm mua nhiều, người dân xã Thiệu Hợp đổ xô xây dựng chuồng trại, nuôi rùa câm.
Ông Quản Văn Hải, Chủ tịch Hội làm vườn xã Thiệu Hợp, cho biết khi cơn sốt rùa câm tràn về địa phương, nhà nhà đổ xô nuôi rùa. Thậm chí, cả xã có 397 hộ dân thì có gần 200 hộ nuôi rùa câm. Nhờ nuôi rùa câm mà nhiều người làm giàu.
“Thời điểm rùa câm đang sốt, các thôn trong xã đều nuôi rùa, thương lái Trung Quốc thường xuyên túc trực ở địa phương để đợi mua rùa. Lúc bấy giờ, đất đai ở Thiệu Hợp đắt như ở trung tâm huyện, nhà cửa cao tầng mọc lên san sát”, ông Hải nói.
10 năm giữ rùa không bán được một con
Ông Hải cho hay, rùa câm là loài dễ nuôi, không tốn nhiều công chăm sóc, giá thành cao nên lúc bấy giờ số lượng người dân nuôi rùa câm ngày một nhiều. Thậm chí, nhiều người nuôi còn tính đến phương án găm hàng để kiếm lợi nhuận cao.
“Xã Thiệu Hợp có nhiều lợi thế nuôi con đặc sản khi có nguồn thức ăn và nguyên liệu dồi dào. Khi rùa câm được giá, vào mỗi buổi tối, người dân thắp đèn đổ xô ra đồng bắt giun, cá về nuôi rùa”, ông Hải nói.
Theo ông Hải, đợt cao điểm, xã Thiệu Hợp có quá nhiều người nuôi rùa câm, lực lượng kiểm lâm phải về từng nhà dân để kiểm soát, cấp giấy phép nuôi rùa.
Đột ngột, đầu năm 2015, rùa câm bắt đầu rớt giá thảm hại. Không còn thương lái Trung Quốc nào về tìm mua rùa nữa, người nuôi rơi vào cảnh dở khóc, dở cười.
“Nhà ít thì vài chục con, nhà nhiều thì hàng trăm con rùa không thể xuất bán. Từng là con đặc sản đem về thu nhập tiền tỷ, giờ đây rùa câm bán chẳng ai mua, nhiều người nuôi đem đi cho, bỏ chuồng”, ông Hải kể.
Theo ông Hải, hiện nay trên địa bàn xã chỉ còn khoảng 50 hộ nuôi rùa câm, số còn lại đã chuyển sang nuôi ba ba.
Khi việc nuôi rùa câm nở rộ, ông Hải cũng đầu tư chuồng trại để nuôi, nhưng chưa kịp xuất bán thì thương lái ngừng mua. Bởi vậy, hàng trăm con rùa câm tại bể của gia đình suốt 10 năm qua vẫn chưa thể xuất bán.
“Giờ chúng tôi chỉ mong sao có người mua, giá rẻ như ba ba cũng bán. Số lượng rùa ngày một nhiều mà không bán ra thì mất công chăm sóc, bỏ đi thì tiếc”, ông Hải nói.
Rùa câm hay còn gọi là rùa đẹp, thuộc phân loài của rùa ao vàng. Rùa câm có mai màu nâu hoặc nâu gụ, đầu màu nâu xám, hai bên má màu vàng nhạt, trên đầu có hai sọc màu vàng nhạt, yếm màu vàng có các tấm đen ở mỗi tấm yếm.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm