Khi Vân Tiên đang mò mẫm bắt hải sản ở độ sâu 24m so với mặt nước biển, chiếc bình oxy đột nhiên gặp sự cố. Chàng trai 16 tuổi khi ấy cố giãy giụa, thở gấp rồi mọi thứ trước mắt mờ dần. Vài chục giây sau, Tiên nghĩ cuộc đời mình đã kết thúc rồi từ từ ngất lịm.
Cược tính mạng, lấy “chén cơm”
“Tiên ơi, dậy đi em. Dậy về với gia đình!”, trong bóng tối, Tiên nghe thấy tiếng gọi của đồng hương.
Hít từng đợt oxy từ chiếc bình cấp cứu, Tiên thấy phổi mình căng phồng. Anh cố mở mắt để xác định mình đã chết hay chưa.
Thấy ánh mắt của chàng thợ lặn trẻ dần hé, các thợ lặn khác thở phào nhẹ nhõm, đưa anh vào bên trong để nghỉ ngơi.
Chỉ sau 1 ngày, Tiên khỏe lại. Đối mặt với biển khơi một lần nữa, anh ngạc nhiên vì mình không thấy sợ. Đổi lại, những suy nghĩ về công việc, cuộc sống trở nên nghiêm túc hơn. Tiên từ một cậu thanh niên 16 tuổi non nớt, mới vào nghề, cũng trở nên trưởng thành từ đó.
“Vụt khỏi tay thần chết mấy lần, tôi đã thấy quen”, anh Tiên tâm sự.
Anh Đặng Văn Tiên (25 tuổi, ngụ tại đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận) làm nghề thợ lặn được 7 năm. Theo anh Tiên, thợ lặn là một trong những công việc vất vả nhất trong ngành biển, bởi người thợ luôn phải đứng ở ranh giới sinh tử.
Bên cạnh đó, những kỹ năng lặn biển đòi hỏi người thợ phải tập luyện nhiều lần. Làm việc ở môi trường nước áp suất cao cũng dễ khiến người thợ lặn có thể mắc các bệnh như bại liệt, giảm áp, thủng màng nhĩ,…
Mỗi tháng, số lần “ra khơi” của thợ lặn tùy thuộc vào tình hình thời tiết. Trong các tháng biển động, người thợ lặn không được đi làm nhưng cũng có tháng biển êm, anh Tiên có thể sẽ phải xa nhà 25 ngày.
Trong đó, người thợ sẽ làm việc từ tờ mờ sáng hoặc tối muộn. Mỗi phiên lặn thường kéo dài 2-3 giờ tùy vào thể lực của từng thợ lặn. Các phiên làm việc luôn có người đứng trên thuyền túc trực để phản ứng nhanh khi có trục trặc.
Được biết, thu nhập của thợ lặn biển như anh Tiên lên đến gần 40 triệu đồng/tháng.
Tình yêu của người con xứ biển
“Mỗi lần bước lên ghe, tôi ngỡ mình bước vào cửa tử. Chẳng có thợ lặn nào dám hứa chắc chắn sẽ an toàn quay trở về với vợ con. Nhưng để đổi lấy chén cơm cho gia đình, chúng tôi phải đánh liều tính mạng”, anh Tiên bộc bạch.
Năm 14 tuổi, Tiên bày tỏ với bố mẹ rằng mình muốn theo nghề lặn khi việc học vẫn còn dang dở. Lo cho con, nhưng bố mẹ anh đành đồng ý vì cuộc sống của dân biển chỉ có thể quanh quẩn những công việc hiểm nguy này.
Thời gian đầu, anh theo các thợ lặn chuyên nghiệp để tập làm quen ở các vùng nước nông. Sau 1 tháng, chàng trai dần “lành nghề hơn”. Nhưng mãi đến năm 16 tuổi, Tiên mới thật sự trở thành thợ lặn chuyên nghiệp, theo các chiếc ghe lớn ra các vùng nước sâu.
Nhiều đêm xa nhà nhớ vợ, chàng trai chưa từng nghĩ sẽ mang vợ theo bên mình vì ghe đã chật ních người. Các thợ lặn phải ngủ san sát nhau.
Thấu hiểu nỗi vất vả của công việc, anh Tiên càng lấy đó làm động lực để phấn đấu. Bởi anh không muốn vợ mình trải qua cảm giác tương tự, càng không để con anh nối nghiệp bố.
“Tôi muốn con có một tương lai, công việc đỡ vất vả hơn. Có thể con sẽ là nhân viên văn phòng hay kinh doanh gì đó, miễn là làm ở trên bờ. Vì lênh đênh trên biển thật sự rất khổ nhọc”, anh Tiên chia sẻ.
Anh cho hay mình vẫn có thời gian dành cho gia đình và chưa từng ăn tết xa quê. Nhưng một số đồng nghiệp của anh không may mắn như thế vì phải nghe tin người thân qua đời khi đang lênh đênh trên biển. Những khoảnh khắc đau đớn ấy, các thợ lặn biển chỉ có thể tự an ủi, lau nước mắt cho nhau.
Không dừng lại ở đó, anh Tiên cũng từng có những kỷ niệm không mấy vui vẻ khi xảy ra mâu thuẫn với đồng nghiệp. Sau các cuộc cãi vã, anh chỉ có thể im lặng vì cuộc sống mưu sinh.
Mọi khoảnh khắc đối đầu với “thần chết” hay ngâm mình trong làn nước lạnh buốt, anh Tiên từng lóe lên ý nghĩ đổi nghề.
Thế nhưng, khi trở về với túi đựng đầy ắp hải sản và tình yêu biển cả ngay từ bé, Tiên một lần nữa khẳng định không thể rời xa công việc này. Bởi anh cảm thấy biết ơn biển cả, vì đã cho gia đình anh một cuộc sống đủ đầy.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm