Số liệu thống kê đến hết ngày 31/5 trên Cổng thông tin Việc làm TPHCM (vieclamhcm.com.vn), trong tháng 5, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố có nhu cầu tuyển dụng 15.374 lao động phổ thông. Tuy nhiên, số lao động phổ thông tìm việc chỉ có 2.736 người, chưa đạt 1/5 nhu cầu của doanh nghiệp.
Thực tế tuyển dụng lao động phổ thông tại TPHCM khá khó khăn, nhất là các ngành thâm dụng lao động như may mặc, da giày… Thời điểm đầu năm, công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, TPHCM) chấp nhận tuyển cả lao động trung niên để đáp ứng nhu cầu sản xuất.
Phát biểu tại một hội nghị vào tháng 5, bà Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Nhân sự công ty TNHH may mặc Quảng Việt (huyện Củ Chi, TPHCM), cũng cho biết rất khó tuyển dụng lao động để bổ sung cho số công nhân nghỉ việc vào cuối năm ngoái.
Trong tháng 5, các doanh nghiệp ngành da giày, may mặc trên địa bàn TPHCM có nhu cầu tuyển dụng 7.039 vị trí việc làm nhưng chỉ có 645 hồ sơ ứng tuyển trên Cổng thông tin Việc làm TPHCM. Ngành thực phẩm, đồ uống cần 6.968 lao động nhưng chỉ có 257 hồ sơ tìm việc.
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM (đơn vị trực thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thành phố), trong 5 tháng đầu năm, phân theo trình độ chuyên môn thì nhu cầu tuyển dụng công nhân kỹ thuật không bằng cấp của doanh nghiệp chiếm gần 36% tổng nhu cầu lao động. Trong khi đó, nguồn cung rất thấp.
Thống kê của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi) về tình hình lao động, việc làm quý I/2024 cũng cho thấy có sự chênh lệch rất lớn về cung cầu lao động phổ thông trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông trong quý I/2024 là 11.168 chỗ làm việc, chiếm 13,52% tổng nhu cầu tuyển dụng. Trong khi đó, nhu cầu tìm việc làm thuộc nhóm lao động phổ thông chỉ có 1.039 người, chiếm 2,79% tổng số lượt tìm việc.
Trong chiến lược lao động, việc làm đến năm 2030, TPHCM cũng đã dự báo khó khăn về nguồn cung lao động cho nền kinh tế thành phố khi gặp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ của các địa phương lân cận.
Những trung tâm công nghiệp xung quanh đang dần bắt kịp TPHCM về phát triển kinh tế, cạnh tranh với thành phố để hấp dẫn nguồn nhân lực từ các tỉnh miền Tây, miền Trung, Tây Nguyên… Lao động nhập cư ngày trước chỉ có một sự lựa chọn là TPHCM thì nay có nhiều điểm đến để lựa chọn.
Trong khi đó, thị trường lao động TPHCM vẫn còn hạn chế khi tiền lương nhiều ngành chưa đáp ứng đầy đủ mức sống tối thiểu ở khu vực thành thị, an sinh xã hội hạn chế, lao động nhập cư hầu như không có cơ hội mua nhà ở…
Từ đó, thành phố dự báo trong giai đoạn 2024-2030, tốc độ gia tăng của nhu cầu lao động nhanh hơn so với nguồn cung, đặc biệt là từ năm 2027 trở đi. Điều này có thể tạo nên tình trạng thiếu lao động, gây ra áp lực cạnh tranh giữa các công ty.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm