“Chúng tôi được các cơ quan văn hóa, các trường học khắp miền Tây thuê biểu diễn quanh năm. Những đợt cao điểm như Tết Trung thu, 1/6… chúng tôi phải di chuyển liên tục, luôn kín lịch.
Đoàn có 16 thành viên, anh em thay phiên nhau đi diễn. Mỗi suất diễn thường cần 8 diễn viên, kéo dài gần 1 giờ, thù lao 5-10 triệu đồng tùy tiết mục và quãng đường di chuyển. Chúng tôi luôn cảm nhận được sự thích thú, hào hứng của khán giả trong những chuyến đi”, anh Phạm Tấn Vũ (34 tuổi, ngụ tỉnh Bến Tre), trưởng đoàn nghệ thuật múa rối nước Dừa Xanh, chia sẻ.
Anh Vũ kể, bản thân anh đam mê văn hóa dân gian từ nhỏ, rất mê nghệ thuật rối nước. Tuy nhiên vì miền Tây trước đây không có bộ môn nghệ thuật này nên từ bé đến lớn anh chỉ được xem múa rối trên tivi.
Mãi đến khi lên TPHCM học đại học anh Vũ mới được xem múa rối ngoài đời thật nên mê và mơ ước có đoàn múa rối của riêng mình. Dù vậy, anh Vũ chỉ biết ấp ủ giấc mơ vì không có vốn, cũng không có kỹ thuật.
Năm 2019, một dịp tình cờ, anh Vũ gặp ông Nguyễn Tiến Hòa, cựu công chức văn hóa có cùng đam mê. Như cá gặp nước, anh Vũ và ông Hòa quyết tâm xây dựng đội múa rối nước ở miền Tây. Hai người đã góp vốn hơn 100 triệu đồng rồi ra Hà Nội mua 30 con rối đầu tiên.
Rối về đến Bến Tre, ông Hòa viết kịch bản cho các vở diễn, anh Vũ tuyển diễn viên và bắt đầu luyện tập.
“Anh em đều yêu múa rối nhưng là tay ngang, người là công nhân, người là kỹ sư, có người là giáo viên, tài xế. Thời gian đầu tập rất khó vì chưa ai biết việc, phải 3 tháng mới thành thục một vở diễn, dù vậy không ai chán nản”, anh Vũ chia sẻ.
Vẫn là những con rối nước truyền thống như rồng phun lửa, chú tễu, cô tiên, thợ săn, nông dân… Tuy nhiên nhóm của anh Vũ sửa đổi đôi chút để nhân vật và kỹ thuật biểu diễn phù hợp với văn hóa, đời sống Nam Bộ.
Sau 2 năm thành lập, vì muốn được tự do sáng tạo, đoàn múa rối nước Dừa Xanh bắt đầu tự đục đẽo rối cho riêng mình. Những hình nhân mới được cho mặc áo bà ba, quấn khăn rằn. Họ cũng xây dựng những vở diễn đậm chất miền Tây sông nước, tiêu biểu như việc đưa truyện Lục Vân Tiên – Kiều Nguyệt Nga của cụ Đồ Chiểu lên sân khấu.
Dừa Xanh hiện có 3 sân khấu cố định ở Bến Tre. Tuy nhiên lịch diễn chủ yếu của đoàn được tổ chức theo các tour khách hàng đặt.
Anh Vũ tự nhận xét, nhóm đã đạt mục đích ban đầu là biểu diễn để thỏa đam mê và làm phong phú đời sống văn hóa. Dù không phải công việc chính, nhưng những buổi múa rối cũng giúp các thành viên trong nhóm có thu nhập tăng thêm đáng kể.
Ông Hòa cho biết, nhờ gặp anh Vũ mà ước mơ của ông cũng như đam mê của các thành viên khác mới trở thành sự thật. Người viết kịch bản cho Dừa Xanh chia sẻ, đoàn đang hướng đến xây dựng các tiểu phẩm mang nét riêng như diễn về cuộc đời cụ Đồ Chiểu, bác Ba Phi, các điệu lí của miền Tây.
Trong các tháng cuối năm, đoàn múa rối nước Dừa Xanh đã ký hợp đồng biểu diễn tại các sự kiện lớn như festival gốm đỏ Vĩnh Long, Lễ hội Okbombok Trà Vinh, chương trình Sắc Xuân miệt vườn và Tết Nguyên đán tại Cần Thơ…
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm