Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Bác sĩ làm việc trên xe lăn bị điều chuyển lúc sắp nghỉ hưu
Nhận thông báo điều động khi đang nằm viện
Bác sĩ chuyên khoa 1 Lê Khắc Thu (59 tuổi), Trưởng khoa Khám bệnh – Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) cho biết, ngày 30/8, ông được Đảng ủy, Ban Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc mời làm việc để thông báo về việc luân chuyển công tác.
Do sức khỏe không đảm bảo và hoàn cảnh gia đình, tại cuộc họp, ông mong lãnh đạo đơn vị tạo điều kiện để được ở lại khoa Khám bệnh tiếp tục công việc.
Sau đó, bác sĩ Thu đã làm đơn kiến nghị gửi đến nhiều cơ quan, đơn vị, bao gồm cả Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế, đề đạt nguyện vọng làm việc tại vị trí cũ cho đến đủ tuổi nghỉ hưu.
Tuy nhiên, ngày 26/9, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế có công văn thống nhất với nội dung tờ trình của Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc về việc điều động bác sĩ Lê Khắc Thu đến công tác tại Trạm Y tế xã Lộc Thủy (huyện Phú Lộc), giữ chức vụ Trưởng Trạm.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế cũng thống nhất điều động ông Nguyễn Đằng, Trưởng Trạm Y tế xã Lộc Thủy đến công tác tại Khoa Khám bệnh – Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc, giữ chức vụ Phó trưởng khoa.
Ngày 30/9, ông Lê Viết Cường, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc ban hành quyết định điều động, bổ nhiệm ông Lê Khắc Thu giữ chức Trưởng Trạm Y tế xã Lộc Thủy.
Đến ngày 1/10, trung tâm này tổ chức lễ công bố các quyết định điều động, bổ nhiệm viên chức quản lý.
Điều đáng nói, từ ngày 27/9, do bệnh đau khớp gối tiến triển nặng, bác sĩ Lê Khắc Thu đã phải nhập viện tại Khoa Phẫu thuật khớp và Y học thể thao, Bệnh viện Trung ương Huế nên không thể tham dự lễ công bố.
Kết quả chụp cộng hưởng cho thấy cả 2 khớp gối của bệnh nhân bị thoái hóa khớp, dập dây chằng chéo trước, tụ dịch, nang sương ở mâm chày, cần phải phẫu thuật để điều trị dứt điểm.
Xin làm gần nhà để chăm vợ trong thời gian điều trị bệnh
Trao đổi với phóng viên Dân trí, bác sĩ Lê Khắc Thu cho biết, ông bắt đầu công tác tại Trung tâm Y tế Phú Lộc từ năm 1988, tham gia các đội vệ sinh phòng dịch – phòng chống sốt rét tại nhiều địa bàn cơ sở.
Sau đó ông đi học tại Đại học Y Dược Huế, đến khi tốt nghiệp lại quay về phục vụ quê hương, phụ trách Phòng khám khu vực 3 xã Vinh Giang, một xã ven biển của huyện Phú Lộc trong khoảng thời gian 4 năm 1998-2002.
Từ năm 2002 đến khi có quyết định điều chuyển về Trạm Y tế xã Lộc Thủy, bác sĩ Thu đảm nhận chức trưởng, phó nhiều khoa quan trọng tại Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc.
Riêng chức vụ Trưởng khoa Khám bệnh, bác sĩ Thu đảm nhận từ tháng 4/2021, tức chưa đủ 1 nhiệm kỳ 5 năm.
“Quá trình công tác, bản thân tôi luôn cố gắng thực hiện theo sự điều động, phân công của tổ chức, không vi phạm kỷ luật cơ quan, hoàn thành tốt nhiệm vụ trên các cương vị được giao.
Hiện tôi không đảm bảo sức khỏe để đi công tác xa. Chỉ 2 năm nữa là đến tuổi nghỉ hưu, nguyện vọng của tôi là được ở lại khoa Khám bệnh để được gần nhà và có thời gian chăm sóc, động viên vợ lúc điều trị bệnh, kể cả làm nhân viên”, bác sĩ Thu cho hay.
Về bệnh khớp gối, bác sĩ Thu cho biết bị từ khi còn trẻ nhưng do không điều trị dứt điểm nên khi càng lớn tuổi, bệnh càng nặng, nhiều thời điểm đau không đứng dậy được.
“Tôi đã báo cáo nhiều lần với cơ quan về sức khỏe bản thân. Thậm chí nhiều lúc tôi phải chống nạng đến cơ quan, ngồi trên xe lăn thăm khám cho bệnh nhân, xem hồ sơ bệnh án”, bác sĩ Thu kể.
Bà Trần Thị Mỹ Chi (54 tuổi, vợ bác sĩ Thu) cũng vì bệnh tật mà đã phải xin nghỉ hưu trước tuổi từ tháng 9/2022, khi đang giữ chức Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 Lộc Trì (xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc). Bà mang trong mình căn bệnh viêm gan mạn giai đoạn tiến triển nguy cơ cao, mắt yếu.
“Cả 2 vợ chồng đều đau ốm, thường xuyên phải đi bệnh viện thăm khám, điều trị, con đi làm ăn xa. Mong các cấp xem xét, thấu hiểu cho hoàn cảnh gia đình tôi. Vì giờ có mổ xong, khỏe lại, anh Thu cũng khó mà chạy xe cả chục cây số để đến cơ quan, rồi lúc lỡ may có việc gì đột xuất, phải làm sao?”, bà Chi mong mỏi.
Phóng viên đã cố gắng liên hệ với ông Lê Viết Cường, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc để tìm hiểu sự việc nhưng chưa được hồi đáp.
Ông Lê Viết Bắc, Phó Giám đốc Sở Y tế, Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết đã nhận được phản ánh của người lao động và có báo cáo với giám đốc sở.
Theo ông Bắc, công tác điều động, bổ nhiệm cán bộ là của chính quyền, còn việc Công đoàn bảo vệ quyền lợi đoàn viên, người lao động cần phải có thời gian tìm hiểu đúng, sai rồi mới xử lý được.
Giám đốc, phó giám đốc phân công nhiệm vụ cho nhau tại khoa Khám bệnh
Song song với các quyết định điều động, bổ nhiệm viên chức quản lý tại Trạm Y tế xã Lộc Thủy, Giám đốc và Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc đã ký ban hành các quyết định phân công nhiệm vụ cho nhau tại khoa Khám bệnh, nơi bác sĩ Lê Khắc Thu bị chuyển đi.
Cụ thể, ngày 30/9, ông Lê Thịnh Trị, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc ký quyết định phân công ông Lê Viết Cường tham gia chuyên môn về công tác khám và điều trị bệnh nhân răng hàm mặt tại khoa Khám bệnh, trên 50% thời gian làm việc.
Đến ngày 1/10, Giám đốc Lê Viết Cường tiếp tục ban hành quyết định phân công ông Lê Thịnh Trị điều hành khoa Khám bệnh trong thời gian chờ thực hiện quy trình bổ sung trưởng khoa; tham gia chuyên môn về công tác khám chữa bệnh và chuyên khoa tai mũi họng.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Nhân lực IT đắt giá, mức lương bình quân hơn 70 triệu đồng/tháng
Theo báo cáo thị trường IT (công nghệ thông tin) Việt Nam năm 2024-2025 của Topdev, thị trường việc làm IT tại Việt Nam đang chứng kiến sự bùng nổ chưa từng có, đặc biệt trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây và an ninh mạng.
Nhu cầu tuyển dụng nhân sự công nghệ cao đang tăng mạnh, với mức lương cho các chuyên gia trong các lĩnh vực này liên tục gia tăng.
Theo báo cáo, mức lương trung bình của lập trình viên tại Việt Nam vào năm 2024 ước tính dao động 1.100-3.000 USD/tháng (27-73 triệu đồng), tùy thuộc vào kỹ năng và kinh nghiệm.
Đặc biệt, các vị trí chuyên sâu như kỹ sư AI và chuyên gia bảo mật thông tin có thể nhận được mức lương vượt xa con số trung bình, nhờ vào sự khan hiếm nhân lực và tầm quan trọng của những vai trò này trong các doanh nghiệp.
Sự phát triển nhanh chóng của thị trường công nghệ không chỉ mở ra nhiều cơ hội việc làm mà còn đặt ra những thách thức lớn đối với các doanh nghiệp.
Theo Topdev, một trong những thách thức đáng kể là sự thiếu hụt nguồn nhân lực có kỹ năng chuyên môn sâu. Theo số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, thị trường IT Việt Nam cần bổ sung ít nhất 500.000 lao động công nghệ từ nay đến năm 2025 để đáp ứng nhu cầu. Điều này đặt ra yêu cầu cấp bách đối với doanh nghiệp.
Mặc dù thị trường IT Việt Nam đang có tiềm năng phát triển vượt bậc, nhưng vẫn tồn tại những thách thức lớn mà các doanh nghiệp và nhà đầu tư cần phải đối mặt.
Một trong những thách thức chính được Topdev chỉ ra là hạ tầng công nghệ, đặc biệt trong bối cảnh mạng 5G, các trung tâm dữ liệu và dịch vụ đám mây đang dần trở thành nhu cầu tất yếu.
Để có thể tiếp tục phát triển bền vững, Việt Nam cần phải tăng cường đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, đảm bảo đủ khả năng đáp ứng nhu cầu phát triển công nghệ ngày càng tăng.
Ngoài ra, vấn đề an ninh mạng và bảo mật dữ liệu cũng đặt ra áp lực lớn cho các doanh nghiệp IT. Trong thời đại mà các cuộc tấn công mạng ngày càng tinh vi, việc tuân thủ các tiêu chuẩn an ninh mạng và quy định bảo mật dữ liệu trở thành yêu cầu bắt buộc nếu các doanh nghiệp muốn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp không chỉ cải tiến công nghệ mà còn phải tập trung đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn cao về bảo mật dữ liệu.
Cũng theo báo cáo, một trong những thách thức lớn đối với thị trường lao động IT là sự gia tăng yêu cầu tuyển dụng các vị trí có kinh nghiệm, đặc biệt trong các lĩnh vực phức tạp như an ninh mạng và trí tuệ nhân tạo. Nhu cầu về những chuyên gia giàu kinh nghiệm vượt xa nguồn cung, tạo áp lực lớn lên các doanh nghiệp trong việc thu hút và giữ chân nhân tài.
Điều này khiến các doanh nghiệp không chỉ cần tập trung tuyển dụng mà còn phải triển khai các chương trình đào tạo nội bộ để phát triển và nâng cao tay nghề của đội ngũ nhân viên
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
“Lộc biển” tấp vào bờ, người dân vớt một lúc đã kiếm tiền triệu
Từ chiều 22/9 đến sáng nay, rất nhiều người dân đã đổ xô đến bãi biển xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) để vớt “lộc biển” khi một lượng sò huyết lớn dạt vào gần bờ sau những ngày mưa bão.
Anh Nguyễn Văn Dũng, trú xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới, cho hay, sau khoảng 1 giờ đồng hồ mang lưới ra biển vớt sò huyết, anh và nhóm bạn đã thu được gần 1 tạ.
“Sò huyết dạt vào bờ rất nhiều, cầm lưới xúc một lúc đã được cả tạ. Anh em chúng tôi rủ nhau vớt về để ăn, còn nhiều người dân địa phương sau khi vớt sò huyết họ bán ngay cho thương lái. Lần đầu tiên tôi thấy sò huyết dạt vào bờ biển nhiều như vậy”, anh Dũng chia sẻ.
Tại bãi biển xã Bảo Ninh, khi biết thông tin người dân vớt được lượng lớn sò huyết, nhiều tiểu thương đã tìm đến để thu mua. Đây là loài nhuyễn thể 2 mảnh có giá trị dinh dưỡng cao, được nhiều người ưa chuộng.
Sò huyết sau khi vớt được, người dân loại bỏ những con chết và phân loại, đãi sạch cát rồi bán cho thương lái với giá 10.000-20.000 đồng/kg. Rất nhiều người dân đã thu tiền triệu sau một lúc dùng lưới xúc sò huyết trên bãi biển.
Theo người dân địa phương, loại sò huyết này sống sâu dưới đáy biển, vào mùa, để bắt 100kg sò huyết, ngư dân phải dùng thuyền công suất 70-90CV đánh bắt nhiều giờ đồng hồ liền mới đạt được. Tuy nhiên 2 ngày qua, có thể do ảnh hưởng của thời tiết, biển động nên sò huyết bị sóng đánh dạt vào bờ.
Ông Đào Xuân Vinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bảo Ninh, cho hay, khi biết thông tin sò huyết dạt vào bờ với số lượng lớn, không chỉ người dân địa phương mà bà con vùng lân cận cũng tìm đến để vớt “lộc biển”.
Nhiều gia đình ngư dân nhờ vớt sò huyết đã kiếm thu nhập khá trong thời điểm biển động, chưa thể ra khơi.
Được biết, xã Bảo Ninh và đơn vị môi trường cũng tiến hành kiểm tra, lên phương án để thu gom, xử lý sò chết dạt vào bờ để làm sạch bãi biển, đảm bảo vệ sinh.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Ngành vận tải – kho bãi tăng tới 80% nhu cầu nhân lực ở TP.HCM
Ngày 22.9, bà Nguyễn Hoàng Hiếu, Giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM (Sở LĐ-TB-XH TP.HCM), cho biết theo kết quả khảo sát tại 19.405 doanh nghiệp với 71.778 chỗ làm việc, thị trường lao động quý 3/2024 sôi động hơn so với cùng kỳ năm 2023. Nhu cầu nhân lực phục vụ sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực tăng 2,61% so với quý 3/2023.
Trong đó, khu vực thương mại – dịch vụ chiếm phần lớn với 52.871 chỗ làm việc, chiếm 73,66% trong tổng nhu cầu nhân lực (tăng 2,60% so với quý 3/2023). Khu vực công nghiệp – xây dựng có 18.060 chỗ làm việc, chiếm 25,16% (giảm 1,87%), trong khi khu vực nông – lâm – ngư nghiệp ghi nhận 847 chỗ làm việc, chiếm 1,18% (tăng 5,95%).
Theo bà Nguyễn Hoàng Hiếu, các ngành có nhu cầu nhân lực cao trong quý 3/2024 bao gồm: bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy với 17.764 chỗ làm việc, chiếm 24,75% tổng nhu cầu nhân lực (tăng 3,99% so với quý 3/2023); công nghiệp chế biến, chế tạo với 15.497 chỗ làm việc, chiếm 21,59% (tăng 0,84%); hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ với 6.553 chỗ, chiếm 9,13% (giảm 8,96%); kinh doanh bất động sản cần 5.857 chỗ, chiếm 8,16% (giảm 16,6%); thông tin và truyền thông cần 4.099 chỗ, chiếm 5,71% (giảm 32,26%); xây dựng cần 2.333 chỗ, chiếm 3,25% (giảm 15,78%); dịch vụ lưu trú và ăn uống cần 2.074 chỗ, chiếm 2,89% (giảm 13,8%)…
Đáng chú ý, ngành hành chính và dịch vụ hỗ trợ cần 5.563 chỗ làm việc, chiếm 7,75% (tăng 34,8%); tài chính – ngân hàng – bảo hiểm có nhu cầu 4.673 chỗ, chiếm 6,51% (tăng 62,94%). Đặc biệt, ngành vận tải – kho bãi ghi nhận mức tăng trưởng nhu cầu tuyển dụng mạnh nhất với 3.287 chỗ làm việc, chiếm 4,58% (tăng 80,01%).
Trong tổng nhu cầu nhân lực thì 4 ngành công nghiệp trọng điểm và 9 ngành dịch vụ chủ yếu của TP.HCM tiếp tục chiếm ưu thế với 59.832 chỗ làm việc, tương đương 83,36% tổng nhu cầu.
Trong đó, 4 ngành công nghiệp trọng điểm (cơ khí; điện tử – công nghệ thông tin; hóa dược – cao su; chế biến tinh lương thực, thực phẩm) cần 13.143 chỗ làm việc, chiếm 18,31%.
9 ngành dịch vụ chủ yếu (thương mại; vận tải – kho bãi; du lịch; bưu chính – viễn thông và công nghệ thông tin; tài chính – ngân hàng – bảo hiểm; bất động sản; dịch vụ tư vấn khoa học – công nghệ; giáo dục và đào tạo; y tế) cần 46.690 chỗ làm việc, chiếm 65,05%.
Xem hai bảng cụ thể dưới đây từ dữ liệu của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM:
Lao động – Tin Tức Việc làm
- « Previous Page
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- …
- 16
- Next Page »