Ôm con nhỏ, “phiêu lưu” qua 4 tỉnh, thành
Với 3ha diện tích đất nông nghiệp ở xã Hoài Đức, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng, gia đình anh Bùi Ngọc Châu (44 tuổi) chia thành nhiều phân khu để canh tác gần 30 loại cây trồng khác nhau. Điều đặc biệt, toàn bộ cây trên vườn được canh tác theo mô hình nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn.
Anh Châu quê gốc ở huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Năm 2006, sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành công nghệ thông tin, anh có được việc làm tại một công ty ở TPHCM với mức lương lên đến 25 triệu đồng/tháng.
Đến năm 2008, anh Châu quyết định nghỉ việc, trở về quê khởi nghiệp với mô hình nông nghiệp.
“Hồi đó, mức lương 25 triệu đồng/tháng là niềm ước mơ của bao người. Vậy nhưng bản thân luôn muốn gắn bó với nông nghiệp nên tôi quyết nghỉ việc để về quê”, anh Châu nói.
Về quê, anh bắt tay vào thực hiện mô hình nuôi bồ câu thương phẩm. Cũng thời gian này, anh tự học hỏi, nghiên cứu cách sản xuất phân bón hữu cơ, vi sinh để phục vụ sản xuất.
Theo anh Châu, nơi anh sinh sống vốn là vùng thuần nông, phế phụ phẩm nông nghiệp nhiều, việc thu mua nguyên liệu làm phân bón không những gia tăng giá trị cho sản xuất mà còn góp phần bảo vệ môi trường.
“Ban đầu, tôi ủ phân bón để trồng cà tím và phục hồi một số diện tích đất hoang hóa. Về sau, tôi xây dựng ra quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ và chính điều này đã giúp khu vườn của gia đình được nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến”, anh Châu nói.
Sau 5 năm miệt mài, anh nổi tiếng về nông nghiệp sạch, hữu cơ và được nhiều đơn vị mời đến các tỉnh tư vấn quy trình sản xuất cho nông dân.
“Họ cứ mời mình đi miết và tôi “lạc trôi” qua nhiều tỉnh, thành. Năm 2014, tôi đặt chân đến Đà Lạt (Lâm Đồng) và ấp ủ gây dựng vườn rau tại đây vì khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho trồng trọt. Đến 2017, tôi quyết đưa vợ con lên thành phố này sinh sống, thuê đất làm vườn”, anh Châu chia sẻ.
Chị Võ Thị Kim Huệ (vợ anh Châu) thổ lộ: “Đó thực chất là cuộc phiêu lưu đáng nhớ. Trong 6 năm, vợ chồng tôi ôm con nhỏ chuyển qua 4 tỉnh, thành: TPHCM, Quảng Nam, Đà Nẵng, Đà Lạt để tìm kiếm cơ hội phát triển”.
Cũng theo chị Huệ, đến năm 2020, khi hợp đồng thuê 0,7ha đất tại thành phố Đà Lạt hết hạn, gia đình chị chuyển về xã Hoài Đức (huyện Lâm Hà), quyết định vay vốn mua 3ha vườn để trồng rau, cà phê, chăn nuôi.
Nhà khoa học của nhà nông
Trên 3ha vườn, gia đình anh Châu dành 0,8ha trồng cà phê, còn lại chia thành các phân khu để trồng 30 loại rau, củ, quả khác nhau. Theo anh Châu, khu vườn được thực hiện theo mô hình “biển, ruộng, rừng, vườn, ao, chuồng”.
Trong đó, yếu tố “biển” là sự đóng góp nguồn đạm cá, muối khoáng phục vụ trồng trọt; “ruộng” giúp điều hòa không khí, tạo môi trường cho thiên địch, vi sinh vật trong đất; “rừng” giữ lớp đất mặt, nguồn nước đầu nguồn; “vườn” tạo ra hệ thực vật giữ ẩm, đáp ứng nguyên liệu thức ăn trong chăn nuôi, thủy sản; “ao” giúp điều hòa khí hậu, cung cấp nước tưới; “chuồng” tạo phân bón.
Các yếu tố này có sự liên kết chặt chẽ, tạo ra hệ sinh thái hoàn chỉnh cho sự phát triển.
Hiện nay, để phòng trừ sâu, bệnh hại, giảm chi phí trong sản xuất, anh Bùi Ngọc Châu cũng nghiên cứu, sản xuất các loại chế phẩm sinh học từ cúc quỳ; hạt neem; ớt; giấm gỗ từ vỏ, thân, cành cà phê…
Được biết, hiện nay mỗi năm gia đình anh Châu cung ứng ra thị trường từ 70-80 tấn rau, củ, quả hữu cơ các loại với mức giá cao hơn thị trường từ 30-40%.
Anh Hoàng Minh Đức, Phó chủ tịch Hội nông dân xã Hoài Đức xác nhận, mô hình nông nghiệp hữu cơ của gia đình anh Bùi Ngọc Châu là mô hình tiêu biểu trong phát triển kinh tế của địa phương. Song song với sản xuất, anh Châu tự nghiên cứu và hợp tác cùng một số đơn vị sản xuất phân bón, chế phẩm sinh học, xây dựng bộ quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn.
Anh Hoàng Minh Đức nói: “Cách làm của gia đình anh Châu vừa mang hiệu quả cao về kinh tế vừa đảm bảo sức khỏe cho con người, vừa góp phần bảo vệ môi trường. Hiện nay, gia đình anh Châu cũng tạo công ăn, việc làm ổn định cho 10 lao động địa phương với mức lương từ 6-10 triệu đồng/tháng”.
Theo vị Phó chủ tịch Hội nông dân xã Hoài Đức, hiện anh Bùi Ngọc Châu được Trung ương Hội nông dân Việt Nam bình chọn là một trong 63 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024; một trong 56 tác giả được bình chọn “Nhà khoa học của Nhà nông năm 2024”.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm