Năm 2018, anh Trần Đức Nam (trú tại xã Xuân Thọ, thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng) sang tận Nhật tham quan vườn sản xuất dâu tây công nghệ cao. Anh nhận thấy mô hình này đạt hiệu quả kinh tế và có thể thực hiện tại Đà Lạt.
Năm 2019, anh bàn với vợ lắp đặt hệ thống nhà kính (nhà được thiết kế bằng khung sắt, lợp kín bằng nylon) trên diện tích 2ha vườn và xây dựng hệ thống giàn sắt cách mặt đất khoảng 1,2m để đặt giá thể xơ dừa.
Cơ sở sản xuất hoàn tất, gia đình anh Nam nhập giống dâu tây từ Nhật Bản về trồng.
Chị Đặng Thu Hiền, 39 tuổi, vợ anh Nam cho biết, dâu tây được trồng trong giá thể xơ dừa, đặt trên giàn sắt nên cây ít bị ảnh hưởng bởi các loại sâu, bệnh hại. Gia đình cũng sử dụng bạt nhựa trải kín nền đất của khu vườn để ngăn chặn cỏ dại và sâu hại phát sinh.
“Dâu tây được trồng trong giá thể xơ dừa, việc cung cấp nước, dinh dưỡng được thực hiện thông qua hệ thống tưới nhỏ giọt. Quá trình bón phân, tưới nước thực hiện theo công thức chặt chẽ, kiểm soát bằng công nghệ hiện đại. Ở các luống dâu, chúng tôi đặt thiết bị cảm biến để nắm bắt thông tin về nhiệt độ, độ ẩm, dưỡng chất trong giá thể…”, anh Nam chia sẻ.
Cũng theo anh Nam, vườn dâu được sản xuất theo công nghệ Nhật Bản, nguồn giống chất lượng nên sau 3 tháng trồng đã bắt đầu cho thu hoạch quả. Trong điều kiện chăm sóc tốt, một lứa dâu có thể cho thu hoạch liên tiếp trong khoảng 5 năm.
Chị Đặng Thu Hiền giới thiệu, đến nay, gia đình đã đầu tư, mở rộng khu vực sản xuất dâu tây lên 3ha. Dâu trồng trong nhà kính, được chăm sóc tốt nên cho thu hoạch quanh năm.
Trung bình, mỗi ngày khu vườn 3ha của gia đình anh Nam cho thu hoạch 200-300kg quả. Hiện gia đình anh Nam cung cấp dâu cho hệ thống siêu thị, các đối tác tại TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương với mức giá 200.000-300.000 đồng/kg.
Để nâng cao giá trị sản xuất, anh Nam cũng mở cửa vườn dâu đón khách tham quan. Trung bình mỗi ngày khu vườn đón khoảng 200 lượt khách tới trải nghiệm, mua sản phẩm.
Ông Nguyễn Đức Bình, Chủ tịch Hội nông dân xã Xuân Thọ, thành phố Đà Lạt cho biết, vườn dâu tây Nhật Bản công nghệ cao của gia đình anh Trần Đức Nam là mô hình điểm ở địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hiện, sản phẩm dâu tây của gia đình anh Nam đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao (chương trình mỗi xã một sản phẩm thế mạnh).
“Đây là mô hình canh tác hiệu quả, cây trồng có giá trị kinh tế cao nên địa phương khuyến khích người dân xây dựng, phát triển. Thời gian qua, các cơ quan đã phối hợp với gia đình anh Nam tổ chức cho nông dân trong, ngoài xã tới tham quan, học hỏi kinh nghiệm sản xuất”, ông Nguyễn Đức Bình nói.
Vườn dâu hiện tạo công ăn việc làm cho 14 lao động địa phương với mức lương 8-9 triệu đồng/người/tháng.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm