Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Lương thấp lại bị chèn ép ở chỗ làm, nhiều công nhân nằm mơ vẫn sợ… sếp
Mưu sinh chưa là gánh nặng duy nhất
Trên hội nhóm công nhân có hơn 143.000 người tham gia, một nữ công nhân đăng tải nguyên nhân nghỉ việc khiến nhiều người tranh cãi.
Theo đó, nữ công nhân này cho biết bản thân đang làm việc tại một công ty ở TPHCM. Mỗi ngày đi làm, cô phải tốn ít nhất 10.000 đồng để mua… vé số của quản lý. Thỉnh thoảng, cấp trên còn giao cho một số công nhân “chạy doanh số”, bán hộ nước giải khát, mì gói…
Để hoàn thành chỉ tiêu được giao, các công nhân khác đành ép đồng nghiệp mua giúp, khiến ai nấy cũng mệt mỏi.
“Tôi cảm thấy rất chán nản nên đã quyết định nghỉ việc. Vào thời điểm nộp đơn xin nghỉ, sếp hỏi tôi vì sao lại đưa ra quyết định này, tôi nghĩ thầm là do cảm thấy rất khó chịu khi cứ bị ép mua đồ ở chỗ làm, nhưng lại không tiện nói ra. Lương hằng tháng không đủ chi tiêu, gánh nặng tài chính khiến tôi không còn tâm trí nào ủng hộ đồng nghiệp, cấp trên”, người này nói.
Chưa dừng lại ở đó, nữ công nhân này chia sẻ chị còn bị áp lực với cách chia “bè phái” trong nhà xưởng.
“Nếu không may chọn sai “phe”, sự nghiệp sẽ dang dở thật luôn. Bản thân vì không giỏi nịnh bợ, tâng bốc người khác nên đành chịu, bỏ việc sang làm nghề khác cho nhẹ đầu hơn”, chị nói.
Chị Đoàn Thị Ngoan (quê tại TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) chia sẻ bản thân cũng đã nghỉ việc tại nhà máy ở TPHCM sau nhiều năm gắn bó để về quê lập nghiệp.
Suốt thời gian làm công nhân, chị Ngoan cảm giác đang “bán rẻ” thanh xuân của bản thân. Mỗi ngày chị phải dậy thật sớm đến công xưởng, quần quật làm không kịp nghỉ. Về đến nhà, chị vệ sinh cá nhân rồi lao ngay lên giường để ngủ vì cơ thể kiệt sức, không còn chút thời gian nào trau dồi kiến thức, trải nghiệm cuộc sống.
“Công việc ám ảnh đến mức cả trong giấc mơ, tôi còn thấy cảnh mình bị tổ trưởng bắt lỗi, bị la mắng, trừ lương… Đi làm mà bị quản lý ghét thì xem như bế tắc luôn. Tôi cảm giác nếu thời gian cứ trôi qua như thế, sự nghiệp chẳng những không có phát triển, thăng tiến, cuộc sống cũng trở nên mờ nhạt vì lúc nào cũng cắm mặt ở nhà máy”, chị Ngoan bộc bạch.
Tìm cách níu chân người lao động
Thấu hiểu nỗi niềm của công nhân nói riêng, người lao động nói chung, nhiều doanh nghiệp luôn tìm cách triển khai các biện pháp hỗ trợ, tối ưu “điểm chạm” giữa doanh nghiệp và nhân sự.
Bà Trương Thị Tường Uyên, Giám đốc nhân sự Hirdaramani Vietnam, cho biết công ty có hơn 12.000 lao động, trong đó 80% là nữ và 100 người là lao động khuyết tật. Đội ngũ nhân sự có không ít công nhân đã gắn bó với công ty hơn 15 năm.
Tuy nhiên, việc tạo động lực làm việc và níu chân hàng chục nghìn lao động luôn là bài toán khó và rất cần việc không ngừng cải thiện chất lượng trải nghiệm của nhân viên.
Vì công ty có đông lao động nữ, bà Uyên chia sẻ đơn vị thường xuyên tổ chức tập huấn, phòng tránh vấn nạn xâm hại tình dục, buôn bán người sang biên giới… đặc biệt đối với người lao động làm việc ở các nhà máy tại vùng nông thôn.
“Để giữ chân người lao động, công ty phải đảm bảo nhân viên thích nghi được với công việc từ những ngày đầu tiên. Ngoài đào tạo chuyên môn, chúng tôi còn cho nhân viên thấy họ được quan tâm, đồng hành, thông qua những chương trình đào tạo kỹ năng mềm. Nhân viên sản xuất vẫn được đào tạo cách phát triển bản thân, thăng tiến trong công việc”, bà Uyên nói.
Nghĩa là, người lao động, dù là khối sản xuất hay khối văn phòng, đều cảm nhận được cơ hội thăng tiến trong công ty là bình đẳng. Công ty cũng thường xuyên lắng nghe phản hồi từ trực tiếp người lao động, nhằm hoàn thiện quy trình vận hành, tạo môi trường làm việc tốt nhất. Theo bà Uyên, trong bất kỳ quy trình nào, doanh nghiệp phải xác định con người là yếu tố vô cùng quan trọng.
Ông Hoàng Văn Thắng, Trưởng phòng Phát triển kinh doanh Công ty CP Phát triển công nghệ Mano, chia sẻ doanh nghiệp đang xây dựng một ứng dụng chi lương theo ngày.
Ứng dụng này giải quyết nhiều áp lực cho doanh nghiệp về nguồn nhân lực, giảm tỉ lệ nghỉ việc, tăng hiệu suất làm việc. Với quy mô 1.000 lao động, dịch vụ này đã tiết kiệm chi phí cho đơn vị 55-75 triệu đồng/tháng, giúp doanh thu tăng thêm 200 triệu đồng/tháng.
“Ở các nước Âu – Mỹ, nhiều doanh nghiệp không trả lương theo tháng mà là theo ngày. Chẳng hạn như cầu thủ bóng đá, ngày đầu tuần được nhận lương, tinh thần làm việc và cống hiến của họ rất cao. Thực tế, lao động ngày càng trẻ hóa, đề cao tự do công việc, tài chính, tiền lương… Vậy nên doanh nghiệp cần lưu ý đến vấn đề này nếu muốn tuyển dụng và giữ chân lao động trẻ”, ông Thắng góp ý.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Sau nhiều vấp ngã, vợ chồng lão nông vươn lên thành triệu phú
Đi từ địa đầu Tổ quốc đến mũi Cà Mau mang cây về trồng
Những ngày này, gia đình ông Hoàng Văn Dậu (67 tuổi, thôn Đồng Toàn, xã Hà Long, huyện Hà Trung, Thanh Hóa) phải thuê 10 lao động mới kịp thu hoạch bưởi, ổi, dứa để bán cho thương lái.
Ông Dậu cho biết, vườn cây ăn quả của gia đình rộng hơn 5ha, với nhiều loại cây đặc sản từ nhiều vùng miền của cả nước như: bưởi Diễn (Hà Nội), bơ quả tròn (Đắk Lắk), ổi (Hải Dương), nhãn lồng (Hưng Yên)…
Ông chủ vườn cây cho hay, cách đây gần 40 năm, sau khi rời quân ngũ, vợ chồng ông nhận thầu hơn 5ha đất ở chân núi Dương Lăng, xã Hà Long, huyện Hà Trung để phát triển kinh tế.
Ban đầu, vợ chồng dành một nửa diện tích trên để chăn nuôi lợn, gà, phần đất còn lại ông trồng dứa, mía. Sau thời gian miệt mài, thức khuya dậy sớm làm việc, vợ chồng ông biến khu đất đồi khô cằn thành vựa cây xanh tốt, màu mỡ.
Năm 2016, khi mọi thứ dần ổn định thì các loại cây trồng mất giá. Không để cho đất “chết”, ông Dậu thay đổi kế hoạch trồng trọt, tìm hướng đi mới.
Trong một lần xem truyền hình, đọc báo, ông Dậu thấy nhiều người trở thành triệu phú từ trồng cây ăn quả nên quyết định rủ vợ học cách làm giàu. “Rất may vợ tôi cũng có sở thích ham làm, cùng tôi thực hiện ý tưởng”, ông Dậu bộc bạch.
Gần 10 năm cùng nắm tay nhau đi du lịch kết hợp học hỏi các mô hình kinh tế, vợ chồng ông Dậu đã thực hiện hàng chục chuyến đi, có lúc đi bằng xe khách, có chuyến đi máy bay. Hai vợ chồng cùng nhau đặt chân tới các vựa hoa quả từ địa đầu Tổ quốc đến mũi Cà Mau.
Ông Dậu kể, trước năm 2020, vợ chồng ông chủ yếu di chuyển lên các tỉnh phía Bắc, như: Hà Giang, Tuyên Quang, Hưng Yên, Phú Thọ, Hòa Bình… học cách trồng cam, bưởi, táo,…
Từ năm 2020 trở lại đây, hai vợ chồng đi vào vựa trái cây ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
“Bà con nông dân ở đâu cũng chất phác, thoải mái chia sẻ về bí quyết trồng cây ăn quả với vợ chồng tôi. Họ hướng dẫn tôi áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và quá trình trồng cây ăn quả, quy trình sản xuất an toàn”, ông Dậu nói.
Theo ông Dậu, thực hiện chủ nghĩa xê dịch trong phát triển kinh tế ở tuổi gần 70 là một ý tưởng táo bạo. Tuy nhiên, có đi mới học được cách làm hay, “dắt túi” nhiều kinh nghiệm. Mỗi chuyến đi là một hành trình trải nghiệm, từ đó khiến tinh thần phấn chấn, hăng say hơn trong công việc.
Thu nửa tỷ đồng/năm từ bí quyết trồng cây khác biệt
Bà Nguyễn Thị Hồng Nga (64 tuổi, vợ ông Dậu) cho biết làm nông nghiệp nhưng vợ chồng bà không hề thấy vất vả, mà thấy vui, hạnh phúc.
“Ở cái tuổi này, hai vợ chồng tôi vẫn còn sức khỏe, không trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Làm vườn cũng là để giáo dục con cháu đức tính cần cù, chăm chỉ trong lao động. Thu nhập từ vựa cây không chỉ đỡ đần con cái khi cần mà còn giúp vợ chồng tôi thực hiện được những điều yêu thích”, bà Nga tâm sự.
Bà Nga cho hay, phương pháp trồng cây chủ yếu của gia đình bà luôn hướng đến việc hạn chế dùng phân bón hóa học. Hằng ngày, bà dùng nguồn chất thải chăn nuôi, xay ngô, đậu tương nghiền nhỏ để ngâm ủ bón cho cây. Nhờ đó mà trái cây tại trang trại luôn ngon ngọt, thanh mát, được nhiều thương lái lựa chọn.
Hiện vườn cây của gia đình bà Nga có hơn 1.000 cây ổi Đài Loan, gần 1.000 cây bưởi da xanh và bưởi Diễn, 500 cây mít, hàng trăm gốc hồng xiêm, nhãn, bơ. Mỗi năm, trừ hết các chi phí, vườn cây mang về cho ông bà gần nửa tỷ đồng tiền lãi. Mô hình của gia đình bà Nga cũng tạo việc làm thời vụ cho 25 người dân địa phương, mức lương 300.000 đồng/ngày.
Để có được thành công như ngày hôm nay, vợ chồng lão nông không chỉ đổ công, sức vào khu đất đồi khô cằn mà còn phải nhiều lần mất tiền “đóng học phí”.
Bà Nga kể, năm 2016, bà trồng cây táo ngọt có nguồn gốc từ Hà Giang. Gần 2 năm chờ đợi, 100 cây táo cho quả to, đẹp, bà mang ra chợ bán nhưng chẳng có người mua.
“Quả táo quá to, mẫu mã đẹp, vị ngọt khiến khách hàng nghi ngờ tôi dùng thuốc. Táo không bán được rụng đầy gốc, vợ chồng tôi phải thuê người chặt bỏ. Lần ấy, tôi lỗ cả trăm triệu đồng”, bà Nga nhớ lại.
Hay như năm 2020, vợ chồng bà trồng xoài Thái, cây hợp đất, sinh trưởng, phát triển, cho ra quả đúng kỳ hạn. Tuy nhiên, tán xoài quá lớn, chiếm nhiều diện tích, khiến việc thuê nhân công thu hái gặp khó khăn nên bà phải gọi người đến đào gốc, bán đổ bán tháo cho các nhà vườn.
“Dù nhiều lần mất tiền nhưng vợ chồng tôi không nản chí. Làm nông phải có sự đầu tư, chịu được sự vấp ngã mới trưởng thành”, bà Nga bộc bạch.
Ông Hoàng Việt Dân, Phó Chủ tịch UBND xã Hà Long, cho biết vợ chồng ông Dậu rất chịu khó, sáng tạo trong lao động. Không ngại khó khăn, vợ chồng người nông dân này đã đi đến nhiều vựa trái cây trên cả nước, mang những loài cây có giá trị kinh tế cao về trồng.
Theo ông Dân, nhờ phát triển mô hình kinh tế, hàng trăm lao động ở địa phương có việc làm, thu nhập tốt. Thu nhập bình quân đầu người của xã là 62 triệu đồng/người/năm, thuộc top đầu của huyện.
“Chúng tôi khuyến khích bà con phát triển mô hình trang trại chăn nuôi kết hợp với trồng cây. Đề nghị các cấp có cơ chế ưu đãi hỗ trợ về vốn vay, con giống, cây giống, tạo bước đệm để bà con đầu tư, phát triển mô hình”, ông Dân bày tỏ.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Nhiều địa phương không để xảy ra tai nạn lao động
Ngày 25/9, Ban Chỉ đạo Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) Trung ương vừa tổ chức hội nghị tổng kết Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024 và thảo luận kế hoạch tổ chức Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2025.
Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương chủ trì hội nghị. Cùng tham dự có đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Công thương, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân…
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh, lễ phát động Tháng hành động về ATVSLĐ và Tháng Công nhân năm 2024 đã được Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cùng các cơ quan liên quan tổ chức thành công, trang trọng và ý nghĩa, thu hút đông đảo sự tham gia của các Bộ, ban, ngành cũng như người dân trên cả nước.
Lễ phát động đã tạo ra hiệu ứng truyền thông tích cực, lan tỏa mạnh mẽ từ Trung ương đến cơ sở, thúc đẩy sự quan tâm và nỗ lực của các địa phương, ngành trong việc đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho người lao động. Bên cạnh đó, sự kiện còn kịp thời động viên, hỗ trợ và tôn vinh người lao động vào tháng 5 hàng năm.
Công tác truyền thông về ATVSLĐ trước, trong và sau Tháng hành động đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và doanh nghiệp về phòng chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và sức khỏe tâm thần cho người lao động, giảm thiểu xung đột tại nơi làm việc.
Ngoài ra, lễ phát động còn tăng cường sự hợp tác giữa ngành LĐ-TB&XH và tổ chức Công đoàn, tạo hiệu ứng lan tỏa đến 100% địa phương, ngành và các cấp công đoàn, góp phần tổ chức Tháng hành động về ATVSLĐ với quy mô và tính sáng tạo cao hơn.
Đáng chú ý, một số địa phương như Bình Thuận và Sơn La đã không để xảy ra tai nạn lao động nặng hoặc tử vong trong quý II năm 2024, trong khi một số địa phương khác như Tây Ninh, Sóc Trăng và Phú Thọ đã giảm mạnh tỷ lệ tai nạn lao động so với cùng kỳ năm trước, lần lượt giảm 53,6%, 50% và 30%.
Với chủ đề “Tăng cường đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng”, Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024 nhận được sự quan tâm và tham gia của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan, bộ, ngành, doanh nghiệp và đông đảo người lao động.
Nhiều tập đoàn và tổng công ty lớn đã hưởng ứng mạnh mẽ và gửi báo cáo về cơ quan thường trực. Điểm chung của các đơn vị này là đều chú trọng thực hiện các biện pháp quan trắc môi trường, cải thiện điều kiện làm việc, tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp và chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
Nhiều kết quả tích cực
Báo cáo tại hội nghị, bà Chu Thị Hạnh, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động cho biết, Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024 diễn ra nhiều hoạt động thiết thực, phong phú và được các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người lao động hưởng ứng sôi nổi, đổi mới, sáng tạo phù hợp với điều kiện tình hình thực tế.
Tháng hành động về ATVSLĐ và Tháng Công nhân năm 2024 diễn ra từ 1/5-31/5. Lễ phát động sự kiện được tổ chức trang trọng tại Cung Văn hóa lao động Hữu nghị Việt – Xô nhân Ngày Thế giới An toàn và Sức khỏe tại nơi làm việc (28/4) và kỷ niệm 138 năm Ngày Quốc tế Lao động (1/5).
Tại lễ phát động, Ban Chỉ đạo Trung ương đã tặng quà động viên 8 nạn nhân và gia đình bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, nhằm chia sẻ khó khăn với gia đình các nạn nhân tai nạn lao động.
Xuyên suốt tháng hành động, các thành viên trong Ban Chỉ đạo Trung ương đã đến thăm, tặng quà 12 gia đình nạn nhân tại Hà Nội, Thái Bình và Hà Nam. Các Bộ, ngành cũng tích cực thăm hỏi, tặng quà cho những người lao động gặp tai nạn, bệnh nghề nghiệp.
Tại lễ phát động, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã trao tặng 5 cờ thi đua cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác ATVSLĐ, đồng thời tặng bằng khen cho 38 tập thể và 31 cá nhân.
Cục trưởng Cục An toàn lao động cũng đã trao giấy khen cho 174 tập thể và 203 cá nhân có thành tích nổi bật trong lĩnh vực này. Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng 5 cờ thi đua cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào “Xanh – Sạch – Đẹp, Bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động”; Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã khen thưởng cho 7 tập thể và 17 cá nhân trong ngành y tế có nhiều đóng góp cho công tác ATVSLĐ.
Dự kiến, Tháng hành động về ATVSLĐ và Tháng Công nhân năm 2025 sẽ do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì tổ chức, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, đồng thời triển khai hiệu quả các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp trong năm 2025.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho rằng, Tháng hành động về ATVSLĐ và Tháng Công nhân năm 2025 nên có chủ đề ngắn gọn, súc tích và mang tính khái quát, tập trung vào người sử dụng lao động và bổ sung huấn luyện, trách nhiệm của doanh nghiệp.
Về việc vinh danh, Thứ trưởng gợi ý cần tôn vinh những cá nhân, đơn vị tiêu biểu trong công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, tạo không khí thi đua và lan tỏa tinh thần tích cực. Những tấm gương được vinh danh cần thể hiện sự nỗ lực vượt bậc và là điển hình trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh lao động.
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh rằng việc thi đua khen thưởng sẽ được Bộ Lao động hướng dẫn cụ thể, đồng thời đề nghị các bộ, ngành chọn lọc và giới thiệu hồ sơ đúng quy định, ví dụ như các doanh nghiệp không xảy ra tai nạn lao động hoặc cơ quan thực hiện tốt quy trình an toàn lao động.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Bộ trưởng lý giải chuyện “người nhảy việc chưa bao giờ nhiều như hiện nay”
Những thay đổi này cùng một số bất cập liên quan quy định về bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ đào tạo việc làm, quản lý lao động… đặt ra yêu cầu sửa đổi Luật Việc làm – một dự án luật được đánh giá là rất khó.
Trong phiên họp chiều 24/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Việc làm (sửa đổi) để chuẩn bị cho việc trình Quốc hội lần đầu tại kỳ họp thứ 8 tới đây.
Bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp
Trình dự án luật trước UB Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh sự cần thiết sửa đổi luật nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế quy định của Luật Việc làm về hỗ trợ tạo việc làm, phát triển kỹ năng nghề, bảo hiểm thất nghiệp, đăng ký và quản lý lao động…
Việc sửa đổi luật cần thiết để đáp ứng yêu cầu về nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực việc làm, kịp thời ứng phó, thích ứng trong bối cảnh già hóa dân số, cách mạng công nghiệp 4.0, giải quyết các vấn đề liên quan việc làm bền vững, quản lý nguồn lao động.
Một trong những mục tiêu sửa đổi luật được Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh là tạo điều kiện thuận lợi để tất cả người lao động, trong đó có nhóm lao động không có quan hệ lao động, được tham gia và thụ hưởng các chính sách, chế độ.
So với Luật Việc làm năm 2013, dự thảo luật sửa đổi có một số nội dung điều chỉnh, bổ sung lớn, theo Bộ trưởng LĐ-TB&XH.
Cụ thể, luật sửa đổi quy định về nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, nhằm góp phần tăng cường nguồn vốn và nâng cao hiệu quả cho vay giải quyết việc làm, theo hướng Ngân sách Trung ương cấp cho Ngân hàng chính sách xã hội từ nguồn chi đầu tư phát triển (giải thể Quỹ quốc gia về việc làm để đảm bảo phù hợp quy định Luật Ngân sách nhà nước 2015).
Dự thảo luật cũng mở rộng đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài nhằm tạo cơ hội cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có cơ hội tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi.
Đáng chú ý, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, dự thảo luật lần này mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp (Điều 81), gồm: Người lao động có giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên (quy định hiện hành là từ 3 tháng trở lên); Người làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất, thống nhất với Luật Bảo hiểm xã hội 2024.
Dự thảo luật sửa đổi cũng quy định linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp (Điều 83) theo hướng: Người lao động đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng; Người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp; Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách Trung ương bảo đảm.
Luật cũng sửa đổi chế độ hỗ trợ tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động theo hướng: Mở rộng phạm vi hỗ trợ, không chỉ hỗ trợ người lao động tham gia khóa đào tạo nghề mà cả các khóa bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề; Bổ sung nội dung hỗ trợ (tiền ăn) cho người lao động trong thời gian tham gia đào tạo mà không hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Thẩm tra các nội dung, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, quy định chuyển nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm thành nguồn vốn vay giải quyết việc làm có tác động trực tiếp đến việc quản lý, bố trí nguồn lực, cơ chế phân bổ, sử dụng nguồn vốn này và thay đổi so với khi đề xuất xây dựng luật.
Vì thế, cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục đánh giá tác động, ưu nhược điểm, những vấn đề phát sinh, làm rõ tính hiệu quả khi thực hiện chuyển đổi này.
Liên quan quy định về bảo hiểm thất nghiệp, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung đánh giá tác động, đồng thời có giải pháp để bảo đảm tính khả thi khi mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Lao động tự do cũng được thụ hưởng chính sách
Dẫn nghị quyết Đại hội Đảng XIII xác định đột phá liên quan thị trường lao động là đột phá phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của Luật Việc làm.
Với số lượng điều luật tăng gấp đôi so với luật hiện hành, ông Mẫn gợi ý hướng xây dựng dự thảo luật gọn và rõ hơn, theo nguyên tắc những nội dung thuộc thẩm quyền Quốc hội quyết thì đưa vào, còn những gì thuộc về thông tư, nghị định thì tách ra để Chính phủ và bộ, ngành quy định.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trong phần tiếp thu các ý kiến đã tái khẳng định, đây là dự án luật rất khó.
Sau Bộ luật Lao động, Bộ trưởng nhấn mạnh, Luật BHXH và Luật Việc làm là hai dự án luật nòng cốt, làm xương sống định hình sự phát triển thị trường lao động linh hoạt, đa dạng, bền vững, hội nhập.
Với ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng LĐ-TB&XH cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ rà soát và tiếp thu theo tinh thần “gọn nhất có thể”, dự kiến có thể khuôn trong khoảng 100 điều.
Người đứng đầu cơ quan chủ trì soạn thảo luật nhấn mạnh một số vấn đề quan trọng được sửa đổi lần này.
Thứ nhất, về đối tượng, Bộ trưởng nhấn mạnh yêu cầu quy định để bao quát được cả hai nhóm: Người có quan hệ lao động và người không có quan hệ lao động.
“Vấn đề này rất khó vì chúng ta chưa thiết kế được chính sách đối với người chưa có quan hệ lao động”, Bộ trưởng Dung nói.
Ông phân tích, vấn đề việc làm hiện nay rất khác khi một người có thể ký hợp đồng, có quan hệ lao động với nhiều tổ chức, nhiều đối tượng khác nhau.
Bộ trưởng cũng nhận định, tính chất việc làm hiện nay có sự thay đổi lớn. Trước đây, một người có thể làm bền vững, suốt đời ở một cơ quan, còn bây giờ vừa ký hợp đồng lao động với một đơn vị nhưng tháng sau đã có thể nhảy sang nơi việc khác, chỉ vì lý do đơn giản.
“Nói cách khác, chưa bao giờ tình trạng người nhảy việc nhiều như hiện nay, nhân lực thay đổi liên tục ngay trong một cơ sở, một tập đoàn, một đơn vị. Do đó, chúng tôi đang suy nghĩ để thiết kế lại nội dung điều chỉnh với vấn đề này”, Bộ trưởng Dung trình bày.
Vấn đề thứ hai liên quan bảo hiểm thất nghiệp, Bộ trưởng Dung nhắc lại bài học từ giai đoạn Covid-19, khi Quốc hội cho phép sử dụng 41.000 tỷ đồng từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp chi cho người lao động.
Ông nhấn mạnh, bảo hiểm thất nghiệp là quỹ ngắn hạn mà các nước thường chỉ sử dụng khoản 10% kết dư, còn lại 90% để hỗ trợ cho người lao động một cách nhanh chóng, kịp thời.
Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) gồm 9 chương và 130 điều, tăng 2 chương, 68 điều so với Luật hiện hành. Dự thảo luật dự kiến được trình Quốc hội lần đầu tại kỳ họp thứ 8 và trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9.
Thực tế qua tổng kết, các chính sách hỗ trợ của bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động ở Việt Nam còn ít, gần như chỉ chi cho mỗi việc trợ cấp thất nghiệp, còn để duy trì việc đào tạo, bồi dưỡng, chuyển đổi tay nghề thì gần như chưa có.
“Vừa rồi nội dung chi này có đẩy lên nhưng vẫn rất thấp. Chi hỗ trợ đào tạo nghề mà chỉ có 3-4 triệu đồng, đào tạo sao được?”, Bộ trưởng trăn trở.
Ngoài ra, người đứng đầu ngành cũng nhắc đến các vấn đề cần quan tâm liên quan hoạt động tư vấn, giao dịch việc làm còn nhiều bất cập, và quy định hỗ trợ của Nhà nước với việc chuyển đổi, đào tạo, bồi dưỡng việc làm còn vướng mắc.
“Trước đây chúng ta đưa nội dung này vào Quỹ Quốc gia hỗ trợ việc làm nhưng thực tế không phát huy được hiệu quả. Chúng tôi đã bàn vấn đề này, có thể thiết kế chính sách nhiều hơn, kinh phí nhiều hơn và quản lý linh hoạt hơn thay vì quy định chỉ Trung ương được làm như hiện nay”, Bộ trưởng Dung phân tích.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
- « Previous Page
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- …
- 22
- Next Page »