Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Vụ nhiều giáo viên thắng kiện nhà trường: Mòn mỏi chờ bồi thường
Theo nguồn tin của phóng viên Dân trí, mới đây, ông Đinh Xuân Diệu, Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) đã ký văn bản về việc thi hành khoản bồi thường cho các giáo viên bị chấm dứt hợp đồng lao động trái luật và nộp án phí vào ngân sách nhà nước theo đề nghị của Chi cục Thi hành án Dân sự huyện này.
Trước đó, ngày 9/10, Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Krông Pắk có văn bản về việc thi hành khoản tiền UBND huyện phải liên đới bồi thường cho các giáo viên bị chấm dứt hợp đồng lao động trái luật.
Nhận được văn bản của Chi cục Thi hành án Dân sự, UBND huyện Krong Pắk đã phê bình Phòng Nội vụ và Ban Giám hiệu Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai, THCS Ea Kly vì không chấp hành việc tham mưu thi hành bồi thường cho các giáo viên bị chấm dứt hợp đồng lao động và nộp án phí theo chỉ đạo vào ngày 20/8 vừa qua của huyện.
Qua đó, UBND huyện Krông Pắk chỉ đạo Phòng Nội vụ chủ trì, phối hợp với các phòng, đơn vị liên quan khẩn trương tham mưu UBND huyện thi hành dứt điểm 2 bản án của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk.
UBND huyện Krông Pắk cũng yêu cầu Phòng Nội vụ chỉ đạo Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai và Trường THCS Ea Kly căn cứ các quy định của pháp luật, tình hình thực tế của trường khẩn trương thực hiện, thi hành dứt điểm 2 bản án và báo cáo đầy đủ về huyện.
Như Dân trí đã phản ánh, cuối năm 2021, bà Nguyễn Thị Bình, giáo viên Trường THCS Ea Kly khởi kiện nhà trường ra tòa vì bị chấm dứt hợp đồng lao động trái luật. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là UBND huyện Krông Pắk.
Kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử yêu cầu Trường THCS Ea Kly và UBND huyện Krông Pắk có trách nhiệm liên đới bồi thường cho giáo viên này hơn 175 triệu đồng, đóng bảo hiểm cho bà Bình 3 năm (tháng 11/2018-11/2021).
Đầu năm 2022, 5 giáo viên Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai (huyện Krông Pắk) cũng đã khởi kiện trường này vì bị chấm dứt hợp đồng lao động trái quy định.
Kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử yêu cầu Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai và UBND huyện Krông Pắk liên đới bồi thường cho các thầy cô giáo tổng cộng hơn 1,2 tỷ đồng.
Sau khi bản án có hiệu lực, 6 thầy cô ở các đơn vị trường học nêu trên đã rời bục giảng, tìm đủ nghề để kiếm sống và mỏi mòn chờ phía huyện Krông Pắk thi hành án.
Tháng 10/2023, UBND huyện Krông Pắk có tờ trình gửi UBND tỉnh Đắk Lắk và Sở Tài chính đề nghị bổ sung hơn 2,1 tỷ đồng (tiền bồi thường và án phí) để chi trả cho giáo viên bị chấm dứt hợp đồng lao động tại Trường THCS Ea Kly và Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai.
Tuy nhiên, đề nghị nêu trên của UBND huyện Krông Pắk đã bị tỉnh Đắk Lắk bác bỏ.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Kỹ sư xây dựng bỏ việc lương cao về quê “tất tay” nuôi con ngủ nhiều, ăn ít
Kỹ sư bỏ việc lương 20 triệu đồng về quê nuôi chồn
Tốt nghiệp ngành kỹ sư xây dựng, anh Vũ Văn Cử (37 tuổi, trú xã Xuân Lam, Hưng Nguyên, Nghệ An) vào Quảng Ngãi làm việc với mức lương hơn 20 triệu đồng/tháng. Công việc đang thuận lợi, người đàn ông này trở về quê khởi nghiệp cùng 25 con chồn giống trong sự ngỡ ngàng của người thân.
“Trong quá trình làm việc ở Quảng Ngãi, tôi thấy nhiều hộ dân giàu nhờ nuôi chồn nên tò mò. Càng tìm hiểu, tôi thấy mô hình này có nhiều tiềm năng nên quyết định bỏ việc về quê nuôi chồn”, anh Cử kể.
Toàn bộ số tiền tích lũy của gia đình trong nhiều năm được hơn 300 triệu đồng, anh Cử mang vào Bạc Liêu mua 25 con chồn hương giống. Thế nhưng, kế hoạch khởi nghiệp của anh không được gia đình ủng hộ bởi thời điểm đó không ai dám chắc anh sẽ thành công với con vật còn lạ ở địa phương.
Anh Vũ nghiên cứu, đọc thêm tài liệu, bắt tay vào xây dựng chuồng trại để chăn nuôi. Thấy rõ sự quyết tâm của anh, gia đình từng bước ủng hộ, hỗ trợ anh Cử trong quá trình chăm sóc đàn chồn giống.
Sau vài lần cải tiến chuồng trại, với kinh nghiệm của một kỹ sư xây dựng, anh Vũ đã tìm ra mô hình phù hợp với đặc tính nuôi nhốt của chồn hương. Chuồng trại phải đảm bảo đông ấm, hè mát, tránh ẩm thấp. Bên cạnh đó, mỗi độ tuổi của chồn phải được bố trí ở từng khu riêng biệt.
Chi phí đầu tư con giống cao nhưng chồn là loài dễ nuôi, ít bệnh tật. Chồn ngủ nhiều, ít vận động nên nhu cầu ăn không cao. Con dưới 4 tháng, ngày ăn 2 bữa cháo, từ tháng thứ 5 trở nên, mỗi ngày chỉ ăn một bát cháo và ăn dặm thêm chuối, mít.
Theo anh Cử, việc sử dụng đầu gà hoặc cá rô phi để nấu cháo vừa đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng của chồn, vừa giảm thiểu chi phí trong chăn nuôi. Tính toán của anh Cử cho thấy, với chồn trưởng thành, mỗi ngày chỉ tiêu thụ khoảng 3.000 đồng thức ăn. Tuy nhiên, đường ruột của chồn khá yếu nên yêu cầu quan trọng nhất là quá trình chế biến thức ăn phải đảm bảo vệ sinh.
Chồn khá nhạy cảm với thời tiết và môi trường. Bên cạnh đảm bảo vệ sinh chuồng trại và thức ăn, anh Cử chú trọng công tác phòng bệnh cho chồn.
“Ông nội tôi là nhân viên thú y. Chính ông đã hướng dẫn tôi sử dụng một số vaccine phòng bệnh của chó, mèo để tiêm phòng cho chồn. Thực tế chưa có nghiên cứu cụ thể nào về tác dụng của các loại vaccine chó, mèo đối với chồn nhưng khi sử dụng, tôi thấy chồn ít nhiễm bệnh, đặc biệt là các bệnh về đường ruột”, anh Cử tiết lộ.
Đến nay, sau 5 năm khởi nghiệp, người đàn ông này sở hữu 500 con chồn sinh sản.
Thu hơn 1 tỷ đồng từ bán chồn giống
Theo anh Cử, chồn từ 8 tháng tuổi trở lên là bắt đầu có khả năng sinh sản. Người nuôi cần chú ý quan sát để nắm bắt đúng thời điểm chồn cái động dục “muồi” để thả chồn đực vào. Việc giao phối đúng thời điểm sẽ tăng chất lượng thụ thai và số lượng con được sinh ra.
Mỗi năm chồn có 2 lứa sinh sản. Mỗi lần, chồn mẹ sẽ sinh 2-3 con.
Trong giai đoạn chồn mang thai và nuôi con nhỏ, cần được bổ sung thêm trứng hoặc trứng lộn để tăng cường chất dinh dưỡng. Thời điểm nuôi con, chồn mẹ nhạy cảm hơn với ngoại cảnh để bảo vệ đàn con của mình. Do vậy, công tác chăm sóc cả về dinh dưỡng, tâm sinh lý cho chồn được đặc biệt chú ý hơn.
Khi chồn con khoảng 2 tháng tuổi sẽ được tách mẹ và nuôi riêng. Sau 4 tháng, chồn giống đạt trọng lượng 3kg có thể xuất bán.
“Trung bình mỗi năm, trang trại của tôi xuất bán ra thị trường khoảng 500 con chồn giống, không đủ cung ứng cho khách hàng. Thị trường tiêu thụ chồn giống gồm cả trong tỉnh và nhiều tỉnh bạn, thậm chí khách ở Lạng Sơn, Lào Cai cũng tìm vào tận nơi để mua. Trung bình mỗi cặp chồn giống có giá 13-14 triệu đồng, sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận từ bán chồn giống đạt trên 1 tỷ đồng/năm”, anh Cử chia sẻ.
Ngoài việc cung cấp chồn giống, anh Cử sẵn sàng chia sẻ quy trình, kinh nghiệm chăm sóc, nuôi chồn cho khách.
Ngoài trang trại nuôi chồn giống ở xã Xuân Lam, anh Vũ Văn Cử xây dựng một trang trại nuôi chồn thương phẩm tại huyện Nghi Lộc (Nghệ An). Thời điểm này, anh đã có 200 con chồn thương phẩm, sẵn sàng cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh, mức giá hiện tại 1,7-1,9 triệu đồng/kg.
Theo ông Phạm Hồng Tiến, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hưng Nguyên, nuôi chồn hương sinh sản là mô hình mới ở địa phương nhưng bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Từ tín hiệu vui này, Hội sẽ tổ chức hội viên đi tham quan các mô hình trong địa bàn, đồng thời đề xuất với huyện có chính sách hỗ trợ về vốn vay và kỹ thuật cho các hộ nuôi chồn.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Mức lương nhân sự IT nhiều mảng cao vượt trội, tăng 50%?
Theo báo cáo thực trạng nhân sự và tuyển dụng ngành công nghệ thông tin trong làn sóng trí tuệ nhân tạo giai đoạn 2024-2025, VietnamWorks inTECH, thị trường lao động ngành công nghệ thông tin toàn cầu và Việt Nam đã chứng kiến nhiều biến động quan trọng trong những năm gần đây.
Điều này phản ánh sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và những thay đổi trong nhu cầu của các nhà tuyển dụng.
Bên cạnh làn sóng mất việc mạnh mẽ đến từ biến động về kinh tế, năm 2023 chứng kiến sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI), khi công nghệ này dần trở thành xu hướng chủ đạo, thu hút sự quan tâm và tạo cảm hứng trong lĩnh vực công nghệ.
Bước sang năm 2024, AI tiếp tục giữ vị thế là tâm điểm của sự chú ý, hứa hẹn mang đến những đột phá đáng kể trong tương lai.
Các thông tin trong báo cáo được tổng hợp, phân tích từ phản hồi của gần 1.500 ứng viên từ nhiều vị trí, ngôn ngữ lập trình… và gần 500 doanh nghiệp từ tháng 7 và tháng 8 năm 2024.
Theo đó, trong số người lao động được khảo sát, có đến 60% nhân sự IT bị thôi việc trong năm 2023 vẫn chưa tìm được công việc mới trong năm 2024. Tỷ lệ này cao khoảng gấp 1,5 lần so với tỷ lệ tương tự ở nhóm nhân sự chủ động thôi việc trong năm 2023.
Từ kết quả khảo sát dành cho nhà tuyển dụng, người chịu trách nhiệm về sản phẩm, chuyên viên quản lý sản phẩm đứng đầu trong những vị trí công việc khó tuyển dụng nhất, chiếm 25,6% trên tổng lượt trả lời.
Phần lớn các doanh nghiệp đều cho rằng, vị trí này khó tuyển là vì ứng viên chưa đáp ứng đủ yêu cầu.
Bên cạnh đó, mức lương của ứng viên mảng AI cao hơn so với các vị trí khác khoảng 10-50%. Kết quả cho thấy phần lớn doanh nghiệp sẵn sàng trả mức lương của ứng viên mảng AI cao hơn so với các vị trí khác.
Cụ thể, 43,7% doanh nghiệp cho rằng mức lương họ chi trả cho nhân sự mảng AI cao hơn từ 10% đến 20%, và 18,4% phản hồi rằng mức lương nhân sự AI của họ cao hơn từ 20% đến 50%.
Ông Phan Thanh Hiền, Giám đốc Sản phẩm và Công nghệ của Navigos Group cho biết, ngành công nghệ thông tin ở Việt Nam vẫn tiếp tục trên đà tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2024.
Theo thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu từ ngành công nghiệp công nghệ số của Việt Nam đạt khoảng 118 tỷ USD, tăng 17,78% so với cùng kỳ năm trước.
Theo ông Hiền, riêng về trí tuệ nhân tạo (AI), đặc biệt là Generative AI, những năm gần đây đã có những bước tiến đột phá, giúp việc chuyển đổi sang tự động hóa và thông minh hóa trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
“Trong ngắn hạn, tôi không cho rằng AI có thể hoàn toàn thay thế bất kỳ vai trò nào trong ngành công nghệ thông tin. Hiện tại, các giải pháp AI vẫn cần sự kết hợp chặt chẽ giữa con người và máy móc để đạt được hiệu quả tối ưu”, ông Hiền chia sẻ.
Tuy nhiên, AI sẽ giúp tăng đáng kể hiệu suất công việc ở phần lớn các vai trò, đặc biệt là ở các vị trí như lập trình viên (developers), kỹ sư kiểm thử phần mềm (testers), và thiết kế sản phẩm (UX/UI designers).
Những người biết cách khai thác sức mạnh của AI sẽ vượt trội về năng suất so với những người vẫn theo đuổi phương pháp làm việc truyền thống, dẫn đến nguy cơ bị đào thải đối với những ai không thích ứng được.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Nhiều tàu câu mực “mất tích” khi đang hoạt động ở vùng giáp ranh
Ngày 7/10, ông Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam – đã ký báo cáo kết quả về công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) trên địa bàn tỉnh này, từ năm 2023 đến ngày 30/9.
Theo báo cáo, từ năm 2023 đến nay, tỉnh Quảng Nam không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt và bị xử lý. Tuy nhiên, tàu cá của tỉnh này vẫn tiềm ẩn nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài và bị bắt rất cao.
Ở một số thời điểm trong năm 2023-2024, tàu câu mực của các xã Tam Giang, Tam Quang và Tam Hải (huyện Núi Thành); xã Bình Minh (huyện Thăng Bình), mất tín hiệu giám sát hành trình khi hoạt động vùng khơi giáp ranh với vùng biển các nước láng giềng.
Để chấn chỉnh tình trạng này, ngành chức năng tỉnh Quảng Nam tổ chức nhiều buổi làm việc, mời người nhà chủ tàu, thuyền trưởng các tàu nói trên để thông báo tình hình, phổ biến quy định pháp luật, chế tài xử lý vi phạm, yêu cầu người nhà nhanh chóng kêu gọi, động viên thuyền trưởng mở lại máy giám sát hành trình…
Ngày 24/9, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với tàu cá QNa 91… với số tiền 135 triệu đồng về hành vi sử dụng tàu cá vượt qua vùng được phép khai thác thủy sản trên biển mà không có văn bản chấp thuận.
Từ đầu năm đến nay, ngành chức năng tỉnh Quảng Nam phối hợp kiểm tra, xử lý trên 145 vụ về khai thác IUU; xử phạt vi phạm hành chính 100 vụ vi phạm khai thác IUU với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 2,1 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là vi phạm quy định về thiết bị thông tin liên lạc, thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá (61/99 vụ).
Tính đến ngày 30/9, tỉnh Quảng Nam còn 724 tàu cá “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không giấy phép); trong đó, huyện Núi Thành nhiều nhất với 515 tàu.
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, nguyên nhân còn một số tàu cá chưa được cấp phép do đã thực hiện mua bán nhưng không làm thủ tục sang tên đổi chủ; chủ tàu tự ý thay máy, cải hoán tàu nên không đủ điều kiện đăng kiểm;
Tàu cá đã bị hỏng không thể hoạt động, chìm, xả bản nhưng chủ tàu không làm thủ tục xóa đăng ký theo đúng quy định; tàu cá đậu ở các bãi ngang, khi đi khai thác thủy sản không qua trạm kiểm soát của biên phòng nên người dân không chủ động thực hiện thủ tục cấp phép lại;
Còn một số tàu cá hoạt động vùng lộng, vùng khơi do chưa đủ các điều kiện cấp phép nên chưa thực hiện các thủ tục để cấp lại giấy phép.
Về lý do tàu cá “3 không” còn nhiều, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho rằng do phát sinh mới tàu cá dưới 12m; nhiều ngư dân đã được địa phương hướng dẫn, thực hiện các thủ tục hồ sơ, chỉ chờ nộp lên hành chính công để được cấp phép nhưng ngư dân không chủ động thực hiện;
Tỉ lệ sản lượng hải sản khai thác được giám sát qua cảng còn thấp so với tổng sản lượng hải sản khai thác trên toàn tỉnh; nhóm tàu chụp mực, câu mực khơi có khả năng vi phạm vùng biển nước ngoài, nguy cơ cao bị cơ quan chức năng nước sở tại bắt giữ, xử lý.
Ngoài ra, theo lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, tình trạng một số tàu làm nghề lưới chụp mực, lưới vây, câu… không mở máy giám sát hành trình để khai thác hải sản bất hợp pháp tại vùng lộng, vùng bờ còn diễn ra phổ biến.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
- « Previous Page
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- …
- 22
- Next Page »