Sự chuẩn bị về kinh phí tăng lương
Liên quan đến điều chỉnh lương cơ sở từ tháng 7 của đơn vị sự nghiệp, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng cộng đồng Đắk Nông Nguyễn Hữu Lành cho biết, việc tăng lương cơ sở tại đơn vị được thực hiện theo quy định tại Nghị định 73/2024/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành của UBND tỉnh Đăk Nông, Sở Tài chính.
“Do vậy, khi có hướng dẫn cụ thể của đơn vị địa phương thì nhà trường sẽ thực hiện chi cho viên chức, người lao động theo đúng quy định”, ông Lành thông tin.
Về nguồn chi lương mới theo quy định đối với đơn vị đang tự chủ một phần chi thường xuyên 31%, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng cộng đồng Đắk Nông chia sẻ, hiện nay, nhà trường không gặp khó khăn khi thực hiện tăng lương.
Hàng năm, đơn vị trích lập 40% từ nguồn thu để thực hiện cải cách tiền lương theo quy định. Số kinh phí này không sử dụng hết trong năm được chuyển sang năm sau để tiếp tục thực hiện, không sử dụng trong việc chi thường xuyên.
“Vì vậy, nhà trường đang đảm bảo được nguồn để chi trả cho viên chức và người lao động trong quá trình cải cách tiền lương từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng. Cho nên, chúng tôi không gặp khó khăn gì về vấn đề này”, Hiệu trưởng cho hay.
Theo ông Lành, do đó, việc thực hiện chi tiền lương mới sẽ trích từ nguồn kinh phí cải cách tiền lương. Vì vậy, đơn vị không ảnh hưởng đến việc tổ chức chi thường xuyên và khả năng tự chủ tài chính.
Cũng trao đổi về vấn đề này, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức Võ Long Triều chia sẻ, theo hướng dẫn của cấp trên, nhà trường chưa áp dụng mức lương cơ sở mới trong kỳ lương này.
Vì vậy, khi nào có thông tư hướng dẫn cụ thể của ngành giáo dục, đơn vị sẽ triển khai thực hiện. Hiện nhà trường cũng không gặp khó khăn khi chi theo mức lương cơ sở mới, khi có hướng dẫn sẽ thực hiện ngay.
Lãnh đạo đơn vị tự chủ khá áp lực
Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam Phạm Thanh Bình cho rằng, tăng lương cơ sở 30% – mức cao nhất lịch sử – là sự nỗ lực, cố gắng của nhà nước. Đây là quyết sách kịp thời trong giai đoạn hiện nay. Bởi nếu không tăng lương kịp thời thì đời sống cán bộ không thể đảm bảo.
Với ngành y, bà Bình cho biết số nhân viên hành chính có sự yên tâm rất lớn với mức điều chỉnh lương trên. Bên cạnh việc nhân viên y tế mong chờ, thì lãnh đạo trong các đơn vị tự chủ khá áp lực. Bởi, tăng lương phải xem xét đến nguồn lực thực hiện được đối với tất cả các cơ sở đang tự chủ.
Chủ tịch Công đoàn Y tế nêu thực tế hiện nay, giá viện phí mới được tính đầy đủ với dịch vụ theo yêu cầu. Bên cạnh đó, 80% cơ sở y tế đang thực hiện theo giá dịch vụ với 4/7 yếu tố.
Trong khi đó, chi phí thuốc, vật tư tiêu hao, hàng hóa, tiền lương, tiền công… tăng hằng năm do giá thị trường tăng. Tuy nhiên, giá dịch vụ y tế không kịp điều chỉnh theo kịp.
Trước thực tế trên, bà Bình đề nghị phải sớm ban hành giá, lệ phí đầy đủ yếu tố. Như vậy, các bệnh viện tự chủ có thể đảm bảo thu chi thường xuyên cho nhân viên y tế. Đây cũng là yếu tố tiên quyết để trả lương theo mức điều chỉnh mới.
Bên cạnh đó, vị này cũng đề xuất cần xem xét, cân đối lại với những đơn vị thực hiện tự chủ là hệ thống y tế dự phòng.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính đến năm 2020, cả nước có khoảng 58.000 đơn vị sự nghiệp công lập với 2,5 triệu biên chế (chưa kể đến tổ chức, biên chế trong công an, quân đội và khu vực doanh nghiệp nhà nước).
Nghị định Số 60/2021/NĐ-CP Quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập có quy định cụ thể về mức chi tiền lương cũng như quy chế tiết kiệm vào quỹ lương.
Theo đó, trong thời gian Chính phủ chưa ban hành chế độ tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, đơn vị sự nghiệp công áp dụng chế độ tiền lương theo mức lương cơ sở, hệ số tiền lương ngạch, bậc, chức vụ, các khoản đóng góp theo tiền lương và các khoản phụ cấp do Nhà nước quy định đối với đơn vị sự nghiệp công; chi tiền công theo hợp đồng vụ việc (nếu có).
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm