

Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
by admin
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
by admin
Ngày 8/10, UBND tỉnh Bình Định tổ chức hội nghị triển khai giải pháp ổn định sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn.
Hội nghị ghi nhận nhiều ý kiến của người dân, doanh nghiệp về những khó khăn để ổn định sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đồng thời đề xuất các giải pháp để tháo gỡ khó khăn.
Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Doãn Công).
Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cam kết hỗ trợ thương nhân, doanh nghiệp và nông dân trong việc thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản.
Ông Tuấn cũng yêu cầu chính quyền các địa phương xác định rõ sản phẩm chủ lực dựa trên điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng của từng vùng; tập trung tổ chức sản xuất theo vùng nguyên liệu lớn, đảm bảo đủ tiêu chuẩn và quy mô sản lượng để cung cấp cho các nhà máy chế biến.
Theo ông Tuấn, người dân và doanh nghiệp tham gia sản xuất phải thay đổi căn bản cách làm, tuân thủ các quy trình và tiêu chuẩn kỹ thuật, đặc biệt là về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
“Chính quyền tỉnh sẽ tập trung mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào các nhà máy chế biến, hỗ trợ về chính sách và nguồn lực cho sản xuất. Sau hội nghị này, tôi hy vọng nông dân tỉnh Bình Định không còn cảnh được mùa mà phải giải cứu nông sản”, ông Tuấn kỳ vọng.
Theo bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Tổng Giám đốc Công ty CP Vinanutrifood Bình Định, Việt Nam là đất nước nông nghiệp, 63 tỉnh, thành đều có hoạt động sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, nếu không tạo được sự khác biệt, Bình Định sẽ khó thu hút được nhà đầu tư cũng như đối tác thu mua.
Đại diện doanh nghiệp đang đầu tư nhà máy sản xuất, chế biến nông sản quy mô lớn nhất tại Bình Định chia sẻ tại hội nghị (Ảnh: Doãn Công).
“Chúng tôi có nhiều đối tác ở Trung Quốc đang bao tiêu vùng nguyên liệu lớn ở các tỉnh Tây Nguyên, kể cả vùng dừa lớn ở Bến Tre. Nhưng khi điều hướng về Bình Định, điều đầu tiên nhà đầu tư muốn biết là sản lượng, sản phẩm có đạt tiêu chuẩn xuất khẩu…”, bà Hằng nói.
Bà Hằng nhận định Bình Định có thế mạnh về phát triển cây dừa vì có vùng trồng rộng, đặc biệt dừa xiêm Tam Quan, Bình Định nước rất ngọt. Trong khi đó, mỗi năm riêng thị trường Trung Quốc đã thiếu nguồn 21 triệu tỷ quả dừa.
Bà Hằng cũng thông tin, doanh nghiệp của bà đã đầu tư dự án Khu sản xuất, chế biến nông, lâm sản tập trung huyện Tây Sơn (Bình Định) với diện tích 10ha, tổng vốn đầu tư gần 500 tỷ đồng.
Theo bà Hằng, dự kiến khi nhà máy đi vào hoạt động, có thể chế biến 5 tấn ớt/ngày, để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Dây chuyền có thể chế biến ớt quả với tổng sản lượng hơn 5.550 tấn/năm, khoảng 200 tấn/ngày. Dừa uống nước có công suất 20.000 trái/ngày, dừa sọ là 30.000 trái/ngày và dừa cùi là 20.000 trái/ngày…
“Vừa rồi chúng tôi làm việc với đối tác Hàn Quốc và đã có các đơn hàng cần nguồn nguyên liệu sản xuất”, bà Hằng nói thêm.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
by admin
Từ thợ tóc đến “Chú Cuội” trên mạng xã hội
Sinh năm 1987, anh Lê Ngọc Dư – hay còn được biết tới dưới tên “Chú Cuội DIY” – sống tại xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh. Trước khi đến với nghề làm đồ thủ công, Dư cùng người anh sinh đôi của mình đã có một cuộc sống ổn định với công việc làm tóc.
Nhưng khi đại dịch Covid-19 bùng phát, công việc làm tóc bị ngưng trệ, anh đành tạm dừng công việc. Thời gian rảnh rỗi đó đã đưa anh trở lại với niềm đam mê làm đồ chơi thủ công.
“Từ nhỏ, hai anh em tôi đã khéo tay và thường tự làm đồ chơi từ những gì sẵn có trong vườn. Thế là khi không thể làm tóc, tôi lại bắt đầu đục đẽo, mày mò”, anh chia sẻ.
Anh Lê Ngọc Dư là người làm thủ công mỹ nghệ nổi tiếng trên mạng xã hội (Ảnh: NVCC).
Anh bắt đầu từ những nguyên liệu quen thuộc như tre, trúc, gáo dừa, với công cụ đơn giản chỉ là con dao, cây kéo và giấy nhám. Thời gian đầu, anh tự mày mò và làm hoàn toàn thủ công. Mãi sau này, khi có điều kiện, anh mới đầu tư thêm máy khoan, máy đánh bóng để hỗ trợ công việc.
Tuy nhiên, điều anh luôn tâm đắc là giữ lại nét đặc trưng tự nhiên của tre trúc. “Tôi cố gắng ít mài giũa nhất có thể để sản phẩm vẫn giữ được cái hồn của vật liệu”, anh chia sẻ. Chính vì lý do đó, anh phải mất rất nhiều thời gian để tìm kiếm nguyên liệu phù hợp.
Theo anh Dư, tùy vào kích cỡ và độ phức tạp, thời gian để hoàn thiện một sản phẩm có thể kéo dài từ vài ngày đến nửa năm. Những mẫu phức tạp đòi hỏi không chỉ kỹ thuật tinh xảo mà còn cần chọn lựa nguyên liệu sao cho tự nhiên, phù hợp với ý tưởng ban đầu.
Tuy nhiên, việc tìm nguyên liệu cũng không phải lúc nào cũng dễ dàng. “Có khi mất rất nhiều thời gian để tìm được cành tre có hình dáng tự nhiên sao cho sản phẩm toát lên cái hồn riêng”, anh chia sẻ thêm.
Việc làm đồ thủ công không chỉ giúp anh có thêm thu nhập mà còn là niềm vui trong cuộc sống (Ảnh: NVCC).
Khi nguồn tre trúc tại Tây Ninh không đủ đáp ứng nhu cầu sáng tạo, anh đã đặt mua thêm tre gai từ miền Bắc, lựa chọn những cây có hình thù đặc biệt, bị biến dạng do sống trong môi trường khắc nghiệt.
Sự sáng tạo của anh không dừng lại ở những món đồ chơi đơn giản. Một ngày, anh tình cờ quay lại quá trình làm đồ chơi và đăng tải lên mạng xã hội. Không ngờ, những video ngẫu nhiên này lại được mọi người đón nhận nồng nhiệt.
Dù chỉ là “nghề tay trái”, nhưng đam mê làm đồ thủ công của anh ngày càng sâu sắc. Trong số những tác phẩm đã làm, sản phẩm nổi tiếng nhất là chiếc chuông gió con cò bắt cá, đạt tới gần 40 triệu lượt xem trên mạng xã hội.
Khởi đầu từ những vật liệu “cây nhà lá vườn”
Trong suốt quá trình làm đồ thủ công, tác phẩm mà anh tâm đắc nhất là Con Khỉ khổng lồ với chiều cao hơn 6 mét, mất tới hai tháng để hoàn thiện. Phần khung được anh làm từ gỗ, còn lông khỉ làm từ 130 bó cỏ tranh, mặt và tứ chi được tạo hình từ rơm.
Anh tự hào chia sẻ: “Đây là tác phẩm tôi làm đầu tiên tại Tây Ninh và nhận được rất nhiều lời khen ngợi”. Tác phẩm hiện được trưng bày tại Khu du lịch Núi Bà Đen, một điểm du lịch nổi tiếng ở Tây Ninh.
Những sản phẩm của anh được chăm chút kĩ lưỡng từng đường nét (Ảnh: NVCC).
Anh chia sẻ, việc làm đồ thủ công không chỉ giúp anh có thêm thu nhập mà còn là niềm vui trong cuộc sống.
Tính đến nay, anh đã sáng tạo hàng trăm sản phẩm thủ công, từ những món đơn giản như con ong, con kiến, đến những tác phẩm phức tạp hơn như chuông gió hay con rồng. Những món đơn giản có giá từ vài trăm nghìn đồng, trong khi những tác phẩm cầu kỳ, tinh xảo có thể lên đến hàng chục triệu đồng.
Hiện tại, anh vẫn tiếp tục sáng tạo và đăng tải những tác phẩm mới lên mạng xã hội. Anh hy vọng có thêm nhiều cơ hội mang sản phẩm của mình ra thế giới để mọi người biết đến sự khéo léo và sáng tạo của người Việt.
Cam Ly
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
by admin
Ngày 27/9, theo nguồn tin của phóng viên Dân trí, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau vừa truy tố Quách Thanh Tuấn (40 tuổi), Dương Hoàng Giang (55 tuổi, cùng ngụ tỉnh Cà Mau), Nguyễn Văn Công (49 tuổi, ngụ tỉnh Bạc Liêu), Nguyễn Văn Phu (46 tuổi, ngụ tỉnh Kiên Giang) cùng về tội Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép.
Một tàu cá hoạt động trên biển (Ảnh minh họa: H.H).
Theo Viện kiểm sát, ngày 8/7, lực lượng cảnh sát biển tuần tra trên vùng biển Việt Nam đã phát hiện một tàu cá có biểu hiện nghi vấn nên tiến hành kiểm tra. Lúc này, trên tàu cá có 13 ngư phủ, không có thiết bị giám sát hành trình, có giấy tờ bằng tiếng nước ngoài,…
Qua điều tra, tàu cá này có hành trình đi từ vùng biển Malaysia về vùng biển Việt Nam. Từ đây, lộ ra một đường dây tổ chức, môi giới cho ngư phủ trốn đi nước ngoài để đánh bắt hải sản.
“Biến hóa” tàu cá
Theo thông tin ban đầu, năm 2023, Quách Thanh Tuấn móc nối với một người tên Salam (sinh sống ở Malaysia) để hợp thức hóa hồ sơ tàu cá của Việt Nam thành tàu cá của Malaysia. Chi phí cho việc này khoảng 380 triệu đồng.
Salam hướng dẫn Tuấn sửa chữa lại tàu cá CM-92365-TS (do Tuấn làm chủ) như: Lắp thêm cẩu chữ “Y” phía trước; khung chữ “A” 2 bên tàu gần sau lái; đổi hộp số lớn; thay chân vịt, mua sắm ngư lưới cụ phù hợp với giấy tờ tàu cá Malaysia;…
Đặc biệt, khi tàu cá đến vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam – Malaysia thì sơn lại cabin tàu từ màu xám thành màu đỏ sọc trắng; đổi biển số tàu CM-92365-TS thành biển số tàu KNF6649 để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng phía Malaysia.
Sau khi được chỉ dẫn như trên, Tuấn giao cho Nguyễn Văn Công (làm nhiệm vụ thuyền trưởng khi đánh bắt hải sản ở vùng biển Malaysia) tìm 3 ngư phủ không cần giấy tờ tùy thân và 4 ngư phủ có hộ chiếu để xuất cảnh bằng đường hàng không qua Malaysia.
Tuấn thỏa thuận với Dương Hoàng Giang điều khiển tàu cá CM-92365-TS chở 3 ngư phủ không có giấy tờ đi từ vùng biển Việt Nam qua vùng biển Malaysia để giao lại cho Công quản lý. Giang sẽ được Tuấn trả công 10 triệu đồng.
Tối 10/8/2023, khi tàu ra cửa biển Sông Đốc (Cà Mau), Giang kêu 3 ngư phủ tháo bỏ thiết bị giám sát hành trình rồi chạy đến vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam – Malaysia. Nhóm này tiến hành sơn lại cabin, đổi biển số tàu CM-92365-TS thành tàu KNF6649 và chạy đến neo đậu ở cảng Đỏ của Malaysia.
4 ngư phủ có hộ chiếu còn lại được Tuấn đưa đến sân bay Tân Sơn Nhất xuất cảnh qua Malaysia để đánh bắt hải sản trên tàu cá KNF6649.
Nhiều lần bán hải sản ở 2 nước
Nhóm của Tuấn cùng thỏa thuận khi đánh bắt hải sản ở vùng biển Malaysia là sau khi trừ tất cả các chi phí, sản lượng hải sản thu hoạch được chia theo tỷ lệ chủ tàu hưởng 60%. 40% còn lại thì tài công được hưởng nhiều hơn, sau đó đến máy trưởng, kỹ thuật và ngư phủ làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít.
Giữa tháng 12/2023, có 5 ngư phủ không làm nữa nên quá giang (đi nhờ) tàu khác về Việt Nam. Lúc này do thiếu người nên Công yêu cầu Tuấn tìm 5 ngư phủ khác thay thế.
Tuấn liên hệ với Nguyễn Văn Phu tìm 5 ngư phủ không cần giấy tờ. Các ngư phủ này được Tuấn gửi ghe cào ra điểm hẹn để Công đón trốn sang Malaysia đánh bắt hải sản.
Trong quá trình đi đánh bắt, một ngư phủ bị cá đâm nhiễm trùng nên Công gửi người này qua tàu khác vào đất liền. Sau đó, Công tìm một ngư phủ thay thế. Tuấn cũng tìm thêm 2 ngư phủ khác qua Malaysia tham gia đánh bắt.
Đến ngày 8/7, tàu cá KNF6649 (lúc này đang ở vùng biển Việt Nam và gắn biển số khác là CM-91148-TS) bán hải sản cho tàu ở Việt Nam, chưa chạy về vùng biển Malaysia đánh bắt tiếp thì bị cảnh sát biển kiểm tra, phát hiện vi phạm và tạm giữ.
Qua điều tra, tàu cá của Tuấn từ khi đi đánh bắt đến khi bị cảnh sát biển phát hiện đã bán hải sản 21 lần ở Malaysia và 4 lần ở Việt Nam.
Cứ mỗi lần tàu chạy từ vùng biển Malaysia đến khu vực giáp ranh với Việt Nam thì Công chỉ đạo ngư phủ sơn lại cabin tàu, thay đổi biển số KNF6649 thành biển số CM-91148-TS để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng Việt Nam.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
by admin
Ngày 27/9, UBND thành phố Hội An, Quảng Nam khánh thành trung tâm giới thiệu sản phẩm OCOP đầu tiên tại đường Nguyễn Thái Học – trung tâm phố cổ Hội An. Tại cửa hàng trưng bày hơn 200 sản phẩm OCOP và thủ công mỹ nghệ của Hội An và các địa phương tỉnh Quảng Nam.
Ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An – cho biết, việc phố cổ Hội An có cửa hàng OCOP là nỗ lực của nhiều sở, ngành, đơn vị hỗ trợ.
Khách tham quan trung tâm giới thiệu sản phẩm OCOP đầu tiên tại Hội An (Ảnh: Công Bính).
“Sản phẩm của các doanh nghiệp, cơ sở tham gia chương trình này góp phần làm cho Hội An đẹp hơn, dễ thương hơn và tạo được dấu ấn tốt, góp phần trong quá trình phát triển kinh tế của thành phố Hội An”, ông Hùng nói.
Phó Chủ tịch thành phố Hội An cũng cho rằng, cửa hàng OCOP đầu tiên của tỉnh Quảng Nam là trung tâm kết nối, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng các chủ thể OCOP của Hội An nói riêng và các địa phương tỉnh Quảng Nam nói chung.
Lãnh đạo thành phố Hội An tin tưởng, trung tâm OCOP Hội An sẽ trở thành địa chỉ được du khách trong và ngoài nước tham quan, mua sắm.
Hơn 200 sản phẩm OCOP và thủ công mỹ nghệ được giới thiệu tại cửa hàng trưng bày (Ảnh: Công Bính).
Ông Trần Văn Noa – đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam – cho rằng, việc Hội An xây dựng trung tâm OCOP đầu tiên là nỗ lực, quyết tâm của chính quyền thành phố Hội An cũng như các chủ cơ sở, hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn.
“Một trong những khâu cuối cùng và khó khăn nhất của chương trình OCOP là việc xúc tiến thương mại. Hy vọng trong tương lai, trung tâm sản phẩm OCOP Hội An sẽ kết nối với hơn 400 sản phẩm của tỉnh Quảng Nam để quảng bá cho sản phẩm địa phương”, ông Trần Văn Noa nói.
Bà Hồ Thị Bông – chủ cửa hàng trưng bày sản phẩm OCOP Hội An – cho biết, hiện tại cửa hàng có hơn 200 sản phẩm OCOP và thủ công mỹ nghệ, tạo việc làm cho 7 lao động với mức thu nhập thấp nhất 6,5 triệu đồng/tháng/lao động.
Tuy nhiên, theo chị Bông, trung tâm đang tạo việc làm gián tiếp cho hàng trăm lao động thông qua các chủ thể, cơ sở sản xuất hàng OCOP, hàng thủ công mỹ nghệ.
“Tôi hy vọng trung tâm sẽ là nơi trưng bày sản phẩm đặc trưng của địa phương cho du khách trong và ngoài nước tham quan, mua sắm, từ đó tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương”, bà Hồ Thị Bông chia sẻ.
Trình diễn sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tại trung tâm (Ảnh: Công Bính).
Chương trình OCOP hay còn gọi là Mỗi xã một sản phẩm (One commune one product) được Chính phủ phê duyệt triển khai thực hiện thông qua Quyết định 919/QĐ-TTg năm 2018.
OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực như: nguồn lao động, văn hóa, trí tuệ, sự sáng tạo… của địa phương.
Từ đó, cải thiện đời sống người dân, xây dựng nông thôn mới thông qua các sản phẩm mang tính thương hiệu đặc trưng của từng địa phương, vùng miền.
Sản phẩm OCOP là sản phẩm, dịch vụ tham gia vào Chương trình OCOP Quốc gia. Cụ thể, sản phẩm OCOP là những sản phẩm hàng hóa và dịch vụ du lịch có nguồn gốc địa phương, có thương hiệu, mang đặc trưng về văn hóa, lợi thế của địa phương.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
☀ 100% thông tin việc làm được xác thực và kiểm duyệt chặt chẽ
☀ Kết nối nhanh với nhà tuyển dụng, tìm kiếm việc làm dễ dàng
☀ Công cụ hỗ trợ đầy đủ với nhiều mẫu CV đẹp mắt, thông báo việc làm tiện lợi
☀ Tổng đài tư vấn dành riêng cho Người tìm việc
☀ Hàng triệu ứng viên chất lượng
☀ Thông tin hồ sơ ứng viên được kiểm duyệt chặt chẽ, phân loại xác thực theo số điện thoại
☀ Cam kết với chế độ bảo hành chất lượng tuyển dụng
☀ Chăm sóc và tư vấn 1 - 1 với chuyên viên tư vấn
Điền Email mai của bạn để nhận thông báo Việc Làm mới nhất từ Website của chúng tôi