Bị chèn ép tứ phía
Khi bị khách hàng đánh giá 1 sao vô cớ, một shipper tại Trung Quốc cho hay anh sẽ bị hãng công nghệ siết đơn hàng. Từ đó, thu nhập của anh cũng bị giảm theo. Điều này khiến anh không kiềm chế nổi nóng giận, uất ức, đã đập vỡ chiếc điện thoại ngay trên đường.
“Họ muốn gì ở chúng tôi? Họ muốn chúng tôi chết sao?”, nam shipper khóc nấc.
Trong một sự việc khác ở Trung Quốc, dư luận từng xôn xao với hình ảnh shipper quỳ gối xin lỗi một cảnh sát khi người này chặn anh lại vì lỗi vượt đèn đỏ.
Trước đó, sự việc một nhóm đông tài xế công nghệ tụ tập bên ngoài một khu chung cư, tức giận, đòi công lý cho một shipper bị bảo vệ chung cư bắt nạt cũng đã gây “bão” trên các trang mạng xã hội.
Vụ đồng nghiệp đập điện thoại vì bị đánh giá 1 sao vừa xảy ra là một trong những sự việc mà cộng đồng shipper liên tiếp phản ứng dữ dội, cho thấy lực lượng này đang đứng trước những khủng hoảng về tinh thần và dường như không thể chịu đựng thêm.
“Họ phải làm việc liên tục nhiều giờ, thật sự đang bị chèn ép. Họ sẽ phải tiếp tục đối mặt với áp lực bởi các nền tảng giao hàng trực tuyến đang giữ cước phí thấp để giữ chân khách hàng”, PGS Jenny Chan, Đại học Bách khoa Hồng Kông (Trung Quốc), nói.
Khi nền kinh tế tại Trung Quốc gặp khó khăn, chi tiêu của người tiêu dùng giảm, shipper cũng chịu nhiều tổn thất. Khách hàng tiết kiệm hơn nên tiền boa cho shipper hầu như không có. Vì thế, các tài xế phải làm việc nhiều giờ hơn để duy trì thu nhập như trước đây.
Không những vậy, các nền tảng công nghệ ngày càng áp đặt nhiều điều khoản hoạt động khiến shipper không có nhiều cơ hội phản đối tình trạng điều kiện làm việc ngày càng xấu đi.
Họ liên tục chịu áp lực lớn về việc đáp ứng thời hạn giao hàng đúng hạn. Điều này khiến không ít shipper có hành vi điều khiến xe máy với tốc độ cao, thậm chí vượt đèn đỏ, cắt ngang những phương tiện khác trên đường.
Hết thời “việc nhẹ, lương cao”
Shipper Lu Sihang (20 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) chia sẻ rằng anh phải giao ít nhất 30 đơn hàng, làm việc hơn 10 tiếng/ngày thì mới mong kiếm được 30-40 USD (tương đương với khoảng 754.000 – 1 triệu đồng). Không những vậy, để có được thu nhập 950 USD/tháng (khoảng 23,9 triệu đồng), anh không được nghỉ ngày nào. Đây là một sự thay đổi đáng buồn, bởi công việc này từng được xem là “việc nhẹ, lương cao”, không yêu cầu bằng cấp, lại tự do hơn nhiều ngành nghề khác.
Tới nay, cộng đồng shipper thừa nhận rằng nghề này không còn tốt như trước. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngày càng có nhiều người thất nghiệp, họ không còn cách nào khác ngoài việc tiếp tục bám trụ với nghề.
Nghiên cứu của China Labour Bulletin, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Hồng Kông, chỉ ra rằng các ứng dụng giao hàng từng đầu tư một khoản tiền để trả lương cao hơn cho các shipper, nhằm thu hút lực lượng lao động trong thời gian đầu mở rộng việc kinh doanh.
“Khi thị trường thay đổi, các nền tảng này bắt đầu kiểm soát gắt gao hơn công việc, thu nhập của shipper. Người lao động chẳng những mất đi sự tự do ban đầu mà còn không được nhận bất kỳ sự bảo vệ nào”, báo cáo cho biết.
Theo PGS Jenny Chan, lúc đầu, các nền tảng công nghệ chấp nhận giảm giá cước phí giao hàng, nhằm cạnh tranh với các đối thủ. Sau khi đã lấy được thị phần, họ bắt đầu chuyển gánh nặng chi phí sang cho tài xế bằng cách cắt giảm tiền thưởng và tiền lương, thậm chí là phạt vô cớ.
Đầu năm nay, một tài xế phản ánh rằng anh đã bị phạt 12 USD vì không nhận đơn hàng, mặc dù anh đã thông báo trước với nhà hàng rằng anh sẽ không đến giao đơn đó. Lý do là bởi nhà hàng không chuẩn bị đúng giờ.
Sự chèn ép này buộc các tài xế phải làm việc kiểu “bán mạng”. Hậu quả là có không ít tài xế đã tử vong vì tai nạn nghề nghiệp hoặc là vì kiệt sức.
Năm 2019, một tài xế giao hàng đã tử vong vì bị cây đổ, do cố chấp đi giao hàng, kiếm thêm chút tiền trong giông lốc ở Bắc Kinh (Trung Quốc). Mới đây, một shipper do quá vội, sợ sẽ bị đánh giá 1 sao, trừ tiền nên đã phóng nhanh, vượt đèn đỏ gây ra tai nạn thương tâm.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm