Theo bộ luật Lao động 2019, tuổi nghỉ hưu và tuổi hưởng lương hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình từ 60 tuổi cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và từ 55 tuổi cho đến khi đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Từ năm 2021, mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.
Theo đó, năm 2024 độ tuổi nghỉ hưu và tuổi hưởng lương hưu của lao động nam sẽ là 61 tuổi, lao động nữ sẽ là 56 tuổi 4 tháng.
Ngoài ra, theo quy định của luật BHXH, từ 1.1.2018, để có thể hưởng lương hưu với tỷ lệ 75%, lao động nam nếu đủ điều kiện về tuổi nghỉ hưu phải đóng 35 năm BHXH, trong khi thời gian này với nữ giới là 30 năm (tỷ lệ tương ứng theo quy định trước đây là 30 năm và 25 năm).
Có thể bảo lưu BHXH chờ đủ tuổi nghỉ hưu
Như vậy, năm 2024, người lao động chưa đủ tuổi nghỉ hưu nhưng đủ năm đóng BHXH có thể lựa chọn bảo lưu BHXH đợi đến đủ tuổi nghỉ hưu hoặc lựa chọn nghỉ hưu sớm nếu đáp ứng đủ điều kiện.
Với người bảo lưu thời gian đóng BHXH, luật BHXH quy định 2 trường hợp: người lao động khi nghỉ việc mà chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu theo quy định hoặc chưa hưởng BHXH 1 lần theo quy định; người lao động dừng BHXH tự nguyện mà chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu theo quy định hoặc chưa nhận BHXH 1 lần.
Đồng thời, theo quy định tại Nghị quyết 93/2015/QH13, người lao động được bảo lưu thời gian đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động.
Việc bảo lưu thời gian đóng BHXH sẽ không ảnh hưởng đến việc hưởng lương hưu và không làm giảm tỷ lệ % lương hưu của người lao động.
Bên cạnh đó, người lao động cũng có thể nghỉ hưu trước tuổi khi đủ 20 năm đóng BHXH trở lên nếu thuộc một trong các trường hợp: người lao động có đủ 15 năm làm nghề, công việc độc hại, nặng nhọc, nguy hiểm hoặc đặc biệt độc hại, nặng nhọc, nguy hiểm hoặc thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0.7 trở lên; người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn, rủi ro nghề nghiệp.
Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân đội, công an… làm việc trong các lực lượng vũ trang được nghỉ hưu trước tuổi trong các trường hợp: nam đủ 56 tuổi, nữ đủ 51 tuổi 4 tháng; nam đủ 51 tuổi và nữ phải đủ 46 tuổi 4 tháng và có đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0.7 trở lên; người bị nhiễm HIV do tai nạn, rủi ro nghề nghiệp.
Trường hợp người lao động bị suy giảm khả năng lao động, nếu muốn về hưu trước tuổi thì phải có thời gian đóng BHXH đủ 20 năm. Tại thời điểm năm 2024 nếu muốn nghỉ hưu trước tuổi cần đáp ứng điều kiện theo quy định bộ luật Lao động và luật BHXH, cụ thể:
Lao động nam đủ 56 tuổi, nữ đủ 51 tuổi 4 tháng và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến dưới 81%.
Lao động nam đủ 51 tuổi và nữ đủ 46 tuổi 4 tháng và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
Người lao động có đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ LĐ-TB-XH ban hành và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
Ngoài ra, người lao động cũng có thể nghỉ việc trước tuổi nghỉ hưu và yêu cầu hưởng BHXH một lần nếu thuộc trường hợp: ra nước ngoài để định cư hoặc đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế.
Đối chiếu quy định nêu trên, người lao động nghỉ hưu trước tuổi do suy giảm khả năng lao động sẽ bị thiệt hơn so với trường hợp nghỉ hưu đủ tuổi vì mức hưởng lương hưu thấp hơn.
Người lao động nếu không đủ điều kiện về hưu trước tuổi, nhưng có nguyện vọng muốn nghỉ việc, thì có thể làm đơn xin nghỉ việc và chờ đến khi đủ tuổi nghỉ hưu mới giải quyết chế độ hưu trí.
Lao động – Việc làm | Tổng hợp tin tức việc làm 24h