Xây dựng chính sách xã hội mới
Năm 2023, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tham mưu BCH Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.
Điểm mới của Nghị quyết 42 so với Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI là chuyển đổi cách tiếp cận chính sách xã hội từ “bảo đảm và ổn định” sang “ổn định và phát triển”; gắn với quản lý phát triển xã hội bền vững, nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh con người, an ninh xã hội.
Triển khai đồng bộ các giải pháp phục hồi thị trường lao động
Năm 2023, Bộ LĐ-TB&XH đã thực hiện đồng bộ các giải pháp phục hồi và phát triển thị trường lao động, từ đó giúp các khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng kinh tế trọng điểm cơ bản duy trì được lực lượng lao động ổn định, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế đất nước sau đại dịch Covid-19.
Tình trạng hàng trăm nghìn lao động bị buộc nghỉ giãn việc, thôi việc, mất việc ở các doanh nghiệp diễn ra từ quý IV năm 2022 đã giảm nhiệt trong các tháng cuối năm 2023.
Năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 68%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ khoảng 27-27,5%; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị khoảng 2,76%, đạt mục tiêu đề ra.
Đưa hơn 155.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài
Trong năm 2023, Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục tăng cường thực hiện các giải pháp nhằm duy trì ổn định thị phần lao động Việt Nam của các thị trường truyền thống và trọng điểm như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc…
Đồng thời nghiên cứu, thăm dò, mở rộng những thị trường, ngành nghề mới với việc làm phù hợp, ổn định và thu nhập cao cũng như có những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, trình độ tay nghề, ngoại ngữ và ý thức tổ chức kỷ luật của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Kết quả, năm 2023, Việt Nam đưa hơn 155.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 129% so với kế hoạch năm 2023, đây là con số cao nhất về việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ trước đến nay trong một năm. Cùng với đó, số lượng lao động đi làm việc theo hợp đồng tại Hàn Quốc trong năm cũng lần đầu tiên đạt mốc 13.000 người.
Chốt đề xuất tăng 6% lương tối thiểu năm 2024
Cuối tháng 12/2023, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã họp và thống nhất chốt mức đề xuất tăng lương tối thiểu của năm 2024. Kết thúc phiên họp, với đa số phiếu đồng thuận, Hội đồng đã thống nhất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 là 6%, áp dụng từ ngày 1/7/2024 để khuyến nghị Chính phủ, cùng thời điểm thực hiện cải cách tiền lương khu vực nhà nước.
Nếu đề xuất được duyệt, lương tối thiểu Vùng I tăng từ 4,68 triệu đồng/tháng lên 4,96 triệu đồng/tháng; Vùng II tăng từ 4,16 triệu đồng/tháng lên 4,41 triệu đồng/tháng; Vùng III tăng từ 3,64 triệu đồng/tháng lên 3,86 triệu đồng/tháng); Vùng IV tăng từ 3,25 triệu đồng/tháng lên 3,45 triệu đồng/tháng.
Tổ chức thành công Diễn đàn hợp tác lao động Việt – Nhật
Nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN – Nhật Bản, 50 năm quan hệ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản, chiều 16/12/2023 tại Tokyo, Nhật Bản, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản tổ chức thành công Diễn đàn hợp tác lao động Việt Nam – Nhật Bản năm 2023.
Cũng trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN – Nhật Bản, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản Takemi Keizo cũng có buổi làm việc và thống nhất lấy ngày 16/12 hàng năm là Ngày lao động Việt Nam tại Nhật Bản.
Mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công tăng thêm 26,5%
Cùng với việc tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 14/7/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng, năm 2023, Bộ LĐ-TB&XH ban hành, triển khai Nghị định số 55/2023/NĐ-CP ngày 21/7/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021 quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.
Theo đó, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công tăng thêm 26,5%, các chính sách ưu đãi đối với người có công tiếp tục được Chính phủ quan tâm, điều chỉnh.
Trong năm, Bộ cũng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1007/QĐ-TTg ngày 30/8/2023 phê duyệt Quy hoạch hệ thống cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nhân Kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2023), nhiều hoạt động tưởng niệm, tri ân diễn ra trên toàn quốc với sự tham gia của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ban, bộ ngành Trung ương.
Năm 2023, cả nước đã tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách trợ cấp thường xuyên cho trên 1,1 triệu người có công với kinh phí thực hiện khoảng 29.000 tỷ đồng.
68.000 lượt trẻ em được hỗ trợ
Năm 2023, ngành LĐ-TB&XH tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các chương trình, đề án về bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Tiếp tục phối hợp với Bộ Công an triển khai kết nối cơ sở dữ liệu trẻ em vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Kịp thời chỉ đạo và kiến nghị giải quyết các vấn đề thực hiện quyền trẻ em và các vụ việc xâm hại trẻ em.
Huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, tính đến nay Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam vận động được 110 tỷ đồng; hỗ trợ trực tiếp cho 68.011 lượt trẻ em với kinh phí 50,605 tỷ đồng; hỗ trợ gián tiếp (hàng hóa) cho 57.489 lượt trẻ em với kinh phí 48,485 tỷ đồng.
Thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo
Năm 2023, lãnh đạo ngành đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo thường xuyên và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, trong đó, tập trung giải ngân vốn của Chương trình năm 2023 với kinh phí đã phân bổ từ ngân sách trung ương là 12.692 tỷ đồng, ngân sách địa phương là hơn 3.526 tỷ đồng.
Phối hợp với các Bộ, ngành hướng dẫn các địa phương thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo hiện hành; kinh phí thực hiện các chính sách giảm nghèo thường xuyên bố trí từ ngân sách trung ương năm 2023 ước trên 20.000 tỷ đồng.
Đến hết năm, ước tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều còn 2,93%, (giảm 1,1% so với cuối năm 2022); tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33% (giảm 5,62%); tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn khoảng 17,82% (giảm 3,2%), đạt mục tiêu đề ra.
Công tác thanh tra đạt hiệu quả
Năm 2023, Thanh tra toàn ngành LĐ-TB&XH đã triển khai 2.421 cuộc thanh tra và 647 cuộc kiểm tra; ban hành 2.421 kết luận thanh tra, phát hiện 11.170 thiếu sót, sai phạm; ban hành 584 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt là 34,391 tỷ đồng; thu hồi, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước số tiền 62,630 tỷ đồng.
Toàn ngành đã tiếp 12.668 lượt người, tiếp nhận 11.070 đơn và giải quyết 168 vụ khiếu nại, tố cáo.
54 địa phương thực hiện chi trả không dùng tiền mặt
Năm 2023, xác định rõ các nhiệm vụ được Chính phủ giao về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, Bộ LĐ-TB&XH đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc kết nối, khai thác dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, các dịch vụ công thiết yếu cũng như việc triển khai chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng an sinh xã hội.
Kết quả, đến nay đã có 54/63 tỉnh/thành phố thực hiện chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng an sinh xã hội, tổng kinh phí đã thực hiện chi trả đến nay là hơn 1.000 tỷ đồng.
Trong năm, Bộ LĐ-TB&XH hoàn thành việc quy hoạch báo chí với việc tổ chức lại báo điện tử Dân trí và báo Lao động và Xã hội thành báo Dân trí. Đây là dấu mốc, đánh dấu sự sắp xếp, tổ chức, tạo nền tảng để báo phát triển, góp phần thực hiện sứ mệnh cao cả của Bộ LĐ-TB&XH, hướng tới mục tiêu dân sinh, dân trí, dân tình.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm