Hơn 3 tháng chăm sóc, 1.500 chậu cúc vụ tết Nguyên đán Giáp Thìn của anh Võ Hùng (xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) đã đơm nụ.
Năm nay, Quảng Ngãi ít chịu ảnh hưởng của mưa, bão nên hoa cúc phát triển tốt. Điều đáng mừng, toàn bộ số hoa của anh Hùng đã được thương lái đặt mua.
“Năm nay, lượng hoa nhiều hơn mọi năm nhưng thị trường vẫn khá sôi động. Cách đây hơn 1 tuần, thương lái đã đến xem hoa, đặt cọc mua. Tôi và nhiều người khác đã bán hết số hoa trong vườn”, anh Võ Hùng nói.
Ông Nguyễn Văn Tuấn (59 tuổi, xã Nghĩa Hiệp) trồng 800 chậu hoa. Thời điểm này, vườn cúc của ông Tuấn đơm nụ dày đặc. Dù những nụ hoa còn xanh mướt nhưng thương lái đã đến xem và đặt cọc mua hoa. Giá hoa năm nay tăng khoảng 10% so với năm trước.
Năm ngoái tình hình kinh tế khá khó khăn nhưng thị trường hoa tết lại sôi động. Toàn bộ số hoa cúc vụ Tết ở xã Nghĩa Hiệp được tiêu thụ hết. Do đó, năm nay, ông Tuấn và nhiều chủ vườn trồng tăng thêm từ 200-300 chậu.
“Thấy năm ngoái bán được nên năm nay ai cũng trồng nhiều hơn. Chủ vườn như tôi khá lo, nhưng may là thương lái đến mua sớm. Nhiều vườn trồng số lượng lớn hầu như đã bán hết cho thương lái. Tính ra năm nay thương lái đặt cọc mua hoa còn sớm hơn năm ngoái”, ông Tuấn chia sẻ.
Theo ông Tuấn, thông thường, đến đầu tháng Chạp âm lịch, thương lái mới đến xem và đặt cọc mua hoa. Năm nay, mới cuối tháng 11 âm lịch, đã có nhiều người bán hết cả vườn. Một số chủ vườn thấy thị trường sôi động nên cố gắng giữ lại, chờ giá cao hơn.
Tùy kích cỡ, hoa đang được thương lái mua từ 180.000 đồng đến 800.000 đồng một chậu. Nhiều nhà vườn nhẩm tính, sau khi trừ chi phí, mỗi chậu hoa mang về khoản lợi nhuận 30-35%.
Bà Võ Thị Thịnh, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hiệp, cho biết toàn xã có 500 hộ trồng hoa với trên 300.000 chậu cúc bán tết. Khoảng 60% lượng hoa cúc của người dân đã được thương lái đặt mua. Giá hoa cúc năm nay tăng nhẹ so với năm ngoái, nguyên nhân do chi phí đầu vào tăng.
Theo bà Thịnh, chưa đến tháng Chạp nhưng thương lái đã đặt mua hơn phân nửa số hoa là tín hiệu đáng mừng. Với tình hình này, năm nay số hoa cúc của địa phương có thể sẽ được tiêu thụ hết sớm hơn mọi năm.
“Nhiều thương lái về mua hoa từ sớm nhưng vẫn còn nhiều chủ vườn chưa bán. Số này chờ sang tháng Chạp để có thể bán được giá hơn”, bà Thịnh thông tin.
Làng hoa Nghĩa Hiệp hình thành cách đây khoảng 50 năm. Nhiều năm qua, cây hoa cúc mang về cho người dân nguồn thu khoảng 30 tỷ đồng mỗi năm.
Tháng 1/2023, làng hoa Nghĩa Hiệp đã được Cục sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bằng công nhận nhãn hiệu tập thể “Hoa Nghĩa Hiệp”.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm