Đưa lao động ra nước ngoài đào tạo quản lý
Vào làm việc tại Công ty TNHH Desay Battery Vina (Khu công nghiệp Song Khê, Bắc Giang) ở vị trí trưởng phòng nhân sự, chị Cám Thị Năm được tạo điều kiện sang công ty ở Trung Quốc học hỏi kinh nghiệm quản trị nhân sự.
Ngoài mức lương hằng tháng giữ nguyên, mọi chi phí đi lại, ăn, ở, học tập trong thời gian chị ở Trung Quốc đều được hỗ trợ. Những chi phí này có thể lên đến hàng trăm triệu đồng.
Bên cạnh nhà máy sản xuất hiện đại, công ty còn có hệ sinh thái đi kèm như kí túc xá, rạp chiếu phim, phòng hát… cho cán bộ, nhân viên. Tại đây, chị được tiếp cận, học hỏi kiến thức, kỹ năng liên quan đến lĩnh vực nhân sự, xây dựng văn hóa doanh nghiệp để ứng dụng về Việt Nam.
Ngoài chị, trong công ty cũng còn nhiều lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cũng được đưa sang Trung Quốc học tập, nâng cao tay nghề. Khi về nước, nếu đáp ứng yêu cầu, họ được đưa vào những vị trí chủ chốt trong quy trình vận hành nhà máy.
Đây là cách thức mà công ty sản xuất pin tại Bắc Giang đào tạo, nâng cao trình độ, tay nghề cho lao động. Là đối tác của nhiều “ông lớn” như Apple, Huawei, Google, công ty rất cần lao động có tay nghề trong lĩnh vực tự động hóa, điện, điện tử, cơ khí…
Theo chị Năm, để vận hành sản xuất vào tháng 5, công ty cần tuyển 130 công nhân, lao động, trong đó, cần 70 lao động có trình độ kỹ thuật và 11 lao động là kỹ sư với mức lương khởi điểm 15 triệu đồng trở lên, thành thạo tiếng Trung.
Ông Ou Yang Yi Feng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Desay Battery Vina cho biết, hiện đã có lao động Việt Nam được đưa sang Trung Quốc đào tạo 3-4 tháng. Mọi chi phí như đi lại, sinh hoạt đều do công ty chi trả.
“Khi mới tuyển dụng, lao động có tay nghề được đào tạo kiến thức cơ bản, được đưa sang Trung Quốc tham quan công ty mẹ, học hỏi văn hóa doanh nghiệp cũng như tiếp xúc với sản phẩm, công nghệ, máy móc mới về ứng dụng vào nhà máy tại Việt Nam”, ông Ou Yang Yi Feng nói.
Đây là kế hoạch nhằm hiện thực hóa mục tiêu sử dụng phần lớn lao động Việt Nam để vận hành nhà máy tại đây. Bên cạnh đó, nhân sự lãnh đạo chủ chốt duy trì việc quản lý, điều hành từ xa.
Luxshare- ICT, doanh nghiệp chuyên sản xuất linh kiện điện tử cho Apple, có kế hoạch tuyển hàng nghìn lao động trong quý I. Đáng lưu ý, có đến 1/3 lao động trong tổng số cần tuyển dụng là công nhân kỹ thuật và cấp quản lý.
Bên cạnh việc tuyển dụng công nhân trực tiếp, công ty rất quan tâm đến nhóm lao động có trình độ, tay nghề. Ông Đỗ Quân, Giám đốc Nhân sự của công ty cho biết, trong những năm gần đây, tỷ lệ người Việt Nam đảm nhận vị trí cấp cao trong bộ máy doanh nghiệp tăng nhanh chóng.
“Công ty chúng tôi có chính sách bản địa hóa nhân tài. Qua những phương án đào tạo cán bộ cấp cao, nhất là cán bộ người Việt, họ hoàn toàn có thể đảm nhận vị trí giám đốc bộ phận”, ông Đỗ Quân nói.
Một trong những chính sách nâng cao tay nghề, trình độ cho cán bộ cấp cao là hằng năm công ty cử cán bộ sang Trung Quốc đào tạo 1-3 tháng. Đây là nguồn bổ sung cán bộ có trình độ vào những vị trí chủ chốt của nhà máy tại Việt Nam.
Lợi thế của lao động biết ngoại ngữ
Do nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh, Công ty TNHH Sunwoda Việt Nam có nhu cầu tuyển 300-500 công nhân, lao động trong năm 2024, trong đó lao động kỹ thuật chiếm 30%.
Để tuyển dụng được nhân sự kỹ thuật vận hành quy trình sản xuất pin bằng máy móc tự động hóa, áp dụng công nghệ cao, công ty buộc phải có chiến lược tuyển dụng, thu hút nhân sự có tay nghề.
Nếu như việc tuyển dụng lao động phổ thông khá dễ dàng, thì ông Marvin Yan, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sunwoda Việt Nam phải vò đầu bứt tai với nhiệm vụ tuyển lao động có trình độ, thao tác thành thạo trên các thiết bị tự động hóa. Với nhóm lao động này, bên cạnh tay nghề tốt còn yêu cầu có ngoại ngữ.
Theo Tổng Giám đốc công ty, lương khởi nghiệp của lao động có tay nghề là 12 triệu đồng/tháng, chưa kể phụ cấp. Cùng trình độ nhưng lao động có ngoại ngữ sẽ được trả lương cao hơn 3 triệu đồng.
Chính vì vậy, bên cạnh những kênh tuyển dụng truyền thống, công ty có phương án phối hợp các trường nghề, cơ sở đào tạo chuyên sâu để “săn” sinh viên vừa tốt nghiệp.
“Trong quá trình làm việc, công ty có chính sách khích lệ lao động Việt Nam nâng cao tay nghề, có cơ hội giữ các vị trí quản lý, cấp cao”, ông Marvin Yan nói.
Vị này cho biết thêm, những lao động nổi trội sẽ được cử đi nước ngoài học tập, nâng cao tay nghề, xây dựng tác phong làm việc. Sau những khóa học này, người lao động trở lại nhà máy tại Việt Nam, vận hành những dây chuyền phức tạp, tự động hóa cao.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm