Chiều 16.10, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức hội thảo góp ý cho dự án luật BHXH (sửa đổi), sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 khóa XV.
Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Minh Hòa, Giám đốc BHXH TP.Thủ Đức cho biết, bà nhất trí với các nội dung đề xuất của dự thảo luật như giảm số năm đóng để được hưởng lương hưu; bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện…
Về BHXH 1 lần, từ năm 2021 – 2023, TP.Thủ Đức có hơn 43.000 lượt người nhận trợ cấp 1 lần với số tiền hơn 3.400 tỉ đồng. Theo bà Hòa, quy định rút BHXH tồn tại nhiều năm đã góp phần hình thành tập tính “rút bảo hiểm” trong người lao động. Nhiều người xem đây như khoản tiết kiệm để rút ra khi cần, không quan tâm đến việc hưởng lương hưu.
Qua đó, bà Hòa cũng đề xuất phương án người lao động mới tham gia sau ngày 1.7.2025 sẽ không được rút BHXH 1 lần. Vì điều này dễ dàng nhận được sự đồng thuận của người lao động đang có quá trình tham gia BHXH và có cơ sở đưa chính sách BHXH tiến tới đích đến cuối cùng là chế độ hưu trí.
Đồng thời, những người sắp bước vào thị trường lao động phải hiểu rằng tham gia BHXH là bắt buộc ở lại để sau này có lương hưu.
“Cơ quan chúng tôi đã trải qua các thời điểm cao điểm người dân rút BHXH 1 lần. Hằng ngày nhìn thấy hàng người đứng xếp hàng chờ rút, chúng tôi rất trăn trở. Vì làm BHXH như “dã tràng xe cát” vậy, nên rất mong Quốc hội sẽ thông qua phương án 1, để giữ người lao động trong lưới an sinh đến thời điểm hưởng chế độ lương hưu”, bà Hòa cho biết.
Cần có quy định kiểm soát việc tham gia BHXH đầy đủ
Theo Giám đốc BHXH TP.Thủ Đức, hiện nay có tình trạng người lao động xin nghỉ việc để chờ đủ 12 tháng rút BHXH 1 lần để “đề phòng” luật mới có hiệu lực.
Điều đáng nói, doanh nghiệp sẵn sàng thỏa thuận trái luật với người lao động, vẫn cho làm việc, vẫn trả lương mà không có hợp đồng lao động, không đóng BHXH.
Bà Nguyễn Thị Minh Hòa cho biết, thời gian qua, BHXH TP.Thủ Đức có rà soát dữ liệu với cơ quan thuế. Hiện nay, cơ quan BHXH hiện nay đang quản lý khoảng 20.000 doanh nghiệp thì đã có 13.199 doanh nghiệp đang chênh lệch số lao động với cơ quan BHXH là 380.000 người.
“Tất nhiên có người không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc. Nhưng qua rà soát với cơ quan thuế cũng phát hiện nhiều trường hợp đang tham gia BHXH nhưng không thực hiện trích đóng BHXH”, bà Hòa cho biết.
Theo bà Hòa, dù dự thảo luật mới đã bổ sung thêm 1 số biện pháp xử lý như hạn chế xuất cảnh, hạn chế hóa đơn, tuy nhiên chưa có 1 điều quy định nào để các đơn vị đối chiếu số liệu, để qua đó thống kê, kiểm soát việc tham gia BHXH đầy đủ.
Theo dự thảo luật BHXH, tại điều 70 quy định về BHXH 1 lần như sau:
1. Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 3 của Luật này mà có yêu cầu thì được hưởng BHXH 1 lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 15 năm đóng BHXH và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện;
b) Ra nước ngoài để định cư;
c) Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng bao gồm ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS;
d) Người đang bị mắc những bệnh nguy hiểm đến tính mạng không thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản này theo quy định của Bộ Y tế;
Phương án 1:
đ) Người lao động có thời gian đóng BHXH trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm.
Phương án 2:
đ) Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.
e) Trường hợp người lao động quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều 3 của Luật này khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và không đủ điều kiện để hưởng lương hưu.
Lao động – Việc làm | Tổng hợp tin tức việc làm 24h